Cảnh báo: Trò chơi kinh dị xúi giục trẻ em tự sát xuất hiện trên Youtube

Thứ năm - 28/02/2019 11:34
(Dân trí) - Momo challenger (thử thách Momo), một trò chơi được lan truyền trên mạng xã hội khiến những người chơi tự kết liễu đời mình, chủ yếu nhắm đến lứa tuổi trẻ em và trẻ vị thành niên. Sau một thời gian tạm lắng, “trò chơi tự sát” này lại tiếp tục được phát tán và thậm chí đã len lỏi vào bên trong những video trên Youtube.

Thử thách Momo - “trò chơi tự sát” lan truyền trên mạng xã hội

Thử thách Momo là một “trò chơi tự sát” được phát tán và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội toàn cầu từ giữa năm 2018, bao gồm WhatsApp và Facebook.

Hiện vẫn chưa thể xác định rõ chính xác nguồn gốc của “trò chơi tự sát” Momo và ai là người đứng sau trò chơi được lan truyền này, nhưng theo điều tra của Đơn vị Điều tra tội phạm mạng của bang Tabasco (Mexico) thì trào lưu Momo được bắt nguồn từ mạng xã hội Facebook, nơi những người tham gia được thách thức gửi tin nhắn đến một vài số điện thoại không được xác định thông qua ứng dụng WhatsApp.

Cảnh báo: Trò chơi kinh dị xúi giục trẻ em tự sát xuất hiện trên Youtube

Hình ảnh đại diện đáng sợ của “trò chơi tự sát” Momo lấy ý tưởng từ một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ người Nhật Bản

 

Một số người đã thử gửi tin nhắn đến các số điện thoại này và nhận được phản hồi là các hình ảnh bạo lực, thậm chí là những nội dung đe dọa. Điểm chung của các số điện thoại này là sử dụng một hình ảnh đại diện đáng sợ trên WhatsApp, đó là gương mặt của một người phụ nữ với đôi mắt lồi tròn to và miệng mở rộng ra tận đến mang tai.

Theo tìm hiểu thì hình ảnh đại diện cho trò chơi Momo này được lấy từ tác phẩm điêu khắc có tên gọi “người phụ nữ chim” của nghệ sĩ người Nhật Bản Midori Hayashi, nhưng trên thực tế nghệ sĩ này không hề liên quan gì đến “trò chơi tự sát” này.

Sau một thời gian tạm lắng, giờ đây Momo lại một lần nữa “bùng phát” trở lại, nhưng không chỉ xuất hiện trên WhatsApp hay Facebook như trước đây mà Momo còn len lỏi vào những đoạn video trên Youtube và được “ngụy trang” một cách rất tinh vi dưới dạng những video dành cho trẻ em. Điều này khiến cho Momo có thể tiếp cận được với trẻ em mà phụ huynh của chúng không hề hay biết.

Trường tiểu học Haslingden (quận Rossendale, Anh) thậm chí đã phải đăng tải một thông điệp trên trang Facebook của trường để cảnh báo các bậc phụ huỳnh về sự xuất hiện của Momo trên các video của Youtube mà trẻ em có thể tiếp cận được.

“Chúng tôi đã nhận thức được các video rất không phù hợp đang được lưu hành trên Internet và đang được trẻ em toàn trường theo dõi”, cảnh báo của trường tiểu học Haslingden viết. “Những video này xuất hiện trên mạng xã hội và Youtube, tưởng chừng như vô hại, nhưng nhanh chóng chuyển thành những nội dung bạo lực và lời lẽ tục tĩu. Một số đoạn video có tên “Momo” thậm chí còn kêu gọi trẻ em thực hiện những hành động nguy hiểm mà không để cha mẹ của mình biết”.

Sở cảnh sát Bắc Ireland cũng đã phải đưa ra cảnh báo với các bậc phụ huynh sau khi có những dấu hiệu cho thấy trò chơi tự sát Momo đã xuất hiện tại khu vực Bắc Ireland và Vương quốc Anh.

“Dù vẫn chưa có các báo cáo chính thức được đưa ra cho cảnh sát nhưng chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của “thử thách Momo” tại Bắc Ireland và Vương quốc Anh. Hiện chúng tôi đang tiến hành điều tra xác định mức độ của vấn đề và tìm cách để giải quyết”, Trung sĩ Elaine McCormill thuộc sở cảnh sát Bắc Ireland cho biết.

“Đây là một vấn đề cực kỳ đáng lo ngại vì được che giấu bên trong các trò chơi hoặc video có vẻ vô hại dành cho trẻ em”, trung sĩ McCormill cho biết thêm. “Khi tham gia vào thử thách, nhiều đứa trẻ đã bị đe dọa sẽ bị nguyền rủa hoặc gia đình bị hãm hại nếu chúng không tự hành hạ bản thân mình”

Hacker lợi dụng “trò chơi tự sát” Momo để lấy cắp thông tin người dùng

Không chỉ là “trò chơi tự sát” đe dọa sự an toàn của giới trẻ, cảnh sát Anh còn tin rằng Momo đang được hacker lợi dụng để lấy cắp thông tin cá nhân và thậm chí có thể sử dụng thông tin cá nhân này để đe dọa hoặc tống tiền các nạn nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, “trò chơi tự sát” Momo đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Mỹ và đặc biệt phổ biến tại khu vực châu Mỹ Latin.

Cảnh sát tại một số quốc gia như Mexico, Argentina, Anh, Bắc Ireland, Tây Ban Nha... đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh nên quản lý con em mình chặt hơn để tránh tham gia vào “trò chơi tự sát” Momo, đồng thời khuyên những trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên nên tránh xa việc thực hiện theo các thử thách của Momo được lan truyền trên Internet và đặc biệt không chia sẻ thông tin cá nhân của mình với người lạ qua trào lưu này.

Đơn vị điều tra tội phạm mạng Mexico khuyên mọi người nên tránh nói chuyện với người lạ qua Internet, bởi lẽ những kẻ này có thể đang tìm cách để khai thác thông tin cá nhân và sử dụng để chống lại chính nạn nhân.

“Sự tò mò hay muốn trở nên nổi tiếng khiến nhiều người thử thực hiện theo các hành vi liều mạng, thậm chí theo sự điều khiển của kẻ khác”, Đơn vị điều tra tội phạm mạng Mexico cảnh báo.

Làm cách nào để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường trực tuyến?

Trước nguy cơ “trò chơi tự sát” Momo bùng phát trở lại trên mạng xã hội, cảnh sát Anh cũng đã đưa ra những cảnh báo để giúp các bậc phụ huynh có thể giữ cho con em của mình an toàn hơn trong môi trường mạng xã hội.

Cảnh báo: Trò chơi kinh dị xúi giục trẻ em tự sát xuất hiện trên Youtube - Ảnh minh hoạ 2

Biết rõ những gì con mình đang làm trên Internet là một cách để bảo vệ trẻ khỏi những mỗi nguy hại trực tuyến

 

“Đừng chỉ tập trung vào mỗi Momo, hãy đảm bảo rằng bạn biết được con mình truy cập gì trên Internet. Quan trọng hơn là phải để trẻ em biết được không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai không quen biết hoặc làm theo đề nghị của bất kỳ ai nếu trẻ không muốn”, thông báo từ cảnh sát Anh cho biết.

Dưới đây là một vài lời khuyên được cảnh sát Anh đưa ra để phụ huynh giúp trẻ an toàn hơn trong môi trường trực tuyến:

- Phải đảm bảo biết được trẻ truy cập gì trên Internet.
- Đảm bảo cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao nó cho bất kỳ ai không quen biết.
- Hãy cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn.
- Cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.

Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây, cha mẹ cần phải đề cao cảnh giác:

- Trở nên giữ bí mật với cha mẹ, đặc biệt về hành động của trẻ trên mạng xã hội và Internet.
- Dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội và Internet.
- Bất ngờ tắt màn hình máy tính hoặc che giấu smartphone khi cha mẹ bất ngờ xuất hiện.
- Trở nên xa lánh, mất kiểm soát hoặc tức giận sau khi sử dụng Internet hoặc mạng xã hội.
- Có nhiều số điện thoại lạ xuất hiện trong danh bạ trên smartphone.

T.Thủy

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập692
  • Máy chủ tìm kiếm113
  • Khách viếng thăm579
  • Hôm nay201,804
  • Tháng hiện tại786,664
  • Tổng lượt truy cập156,903,165
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây