Thúc đẩy Đề án 06 và chuyển đổi số trong Công an nhân dân

Thứ tư - 13/03/2024 05:15
Sáng ngày 13/3/2024, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) và chuyển đổi số trong CAND. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an; các đồng chí Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thượng tướng Lương Tam Quang, Trung tướng Lê Quốc Hùng: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an; các thành viên trong Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Kạn
Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Kạn
Bộ Công an đã thành lập cơ quan thường trực để thực hiện chức năng giúp việc lãnh đạo Bộ tham gia Ban chỉ đạo, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; chức năng Tham mưu với Ban chỉ đạo Đề án 06 Bộ Công an tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề hoàn thiện Đề án. Qua 03 năm triển khai Quyết định số 2612 và 02 năm thực hiện Kế hoạch 56, việc triển khai thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong CAND đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua 02 luật:  Luật sửa đổi bổ sung của một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 24/6/2023; Luật căn cước ngày 27/11/2023. Trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư phục vụ công tác chuyển đổi số của Ngành.

Về những tiện ích đạt được cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (vượt tiến độ Chính phủ giao hoàn thành trong năm 2025). Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã hoàn thành việc cắt giảm yêu cầu việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú đối với 28 thủ tục hành chính và thực hiện cắt giảm yêu cầu nộp bản sao chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu, bãi bỏ một số giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân đối với 58 thủ tục hành chính. Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết trên 67 triệu hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc đạt 85,18% (tăng 71,06% so với năm 2022). Trong đó, tất cả các địa phương, lĩnh vực thủ tục hành chính đều có tỷ lệ trực tuyến trên 50% (vượt chỉ tiêu chung của Bộ giao); tiếp nhận 3.338 phản ánh, kiến nghị, đã hoàn thành xử lý, trả lời tổ chức, cá nhân và công khai trên hệ thống 837 phản ánh, kiến nghị, phân cấp xác minh, xử lý đối với 2.501 phản ánh, kiến nghị theo Thông tư 57 ngày 31/10/2023 tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Về những tiện ích phục vụ phát triển công dân số, phát triển kinh tế, xã hội số. Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân có đủ điều kiện trên toàn quốc (hoàn thành trước ngày 31/7/2023, đạt chỉ tiêu đồng chí Bộ trưởng giao). 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân. Bộ Công an đã thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, trên 30 triệu tài khoản định danh điện tử, kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,3% (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao); 47 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Việc triển khai kịp thời cấp CCCD có gắn chíp và ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh điện tử giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, không phải mang nhiều loại giấy tờ, sử dụng thông tin chip, Qrcode trên CCCD kịp thời phục vụ vấn đề sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022. Đồng thời CCCD và định danh điện tử đã được đẩy mạnh ứng dụng trên các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, y tế, giao thông vận tải… Bên cạnh đó, đã triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đến nay đã có 82.927 cơ sở lưu trú và 4.156.346 lượt sử dụng, giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT; đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện rà soát, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt (đến ngày 29/01/2024, toàn quốc có 5.387.003 người được hưởng chính sách an sinh xã hội); đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị chức năng triển khai cho vay tín chấp và giải ngân cho hàng trăm người với số tiền gần 5 tỷ đồng.
        
Tại hội nghị, các đơn vị gồm: Công an thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bạc Liêu, Quảng Trị, Bình Phước, Quảng Ninh, Cục H05; Cục H04 … đã tham luận về những khó khăn, tồn tại hạn chế để cùng đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 06 phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Tiếp tục tập trung xử lý các điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06 và Chuyển đổi số trong CAND; tập trung bố trí nguồn ngân sách thường xuyên phát triển Đề án 06 và Chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra, duy tu đối với hệ thống an ninh, an toàn đối với triển khai Đề án 06; tập trung xây dựng và hệ thống hoá hạ tầng viễn thông, cơ yếu; Đẩy mạnh hướng dẫn kiểm tra, tổ chức đào tạo huấn luyện chuyên sâu về an ninh mạng đối với Công an địa phương…  


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định, lực lượng CAND đã và đang là lực lượng nòng cốt, tiên phong, giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia, góp phần quan trọng xây dựng xã hội số, công dân số. Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024 theo lộ trình, kế hoạch, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, Cấp uỷ, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã phải nhận thức sâu sắc Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là quá trình thay đổi tổng thể mọi phương thức, hoạt động của con người dựa trên các công nghệ số. Hoạt động của lực lượng CAND không ngoài xu thế này, trước tiên phải chuyển tư duy, hành động từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sỹ. Đồng thời, tập trung giải quyết từng vấn đề “cốt lõi” để thúc đẩy Đề án 06, Chuyển đổi số trong CAND, cụ thể, Giám đốc Công an các địa phương thực hiện rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị, Giám đốc Công an các địa phương tăng cường phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các trường CAND tổ chức tập huấn bằng các hình thức phù hợp để bảm đảm chất lượng cán bộ phục vụ công tác “đúng, đủ, sạch, sống” của dữ liệu, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực cư trú tại cơ sở nhằm đẩy mạnh cung cấp nhiều hơn nữa các tiện ích của Đề án 06 cho xã hội./.

Tác giả: Ngọc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập515
  • Máy chủ tìm kiếm92
  • Khách viếng thăm423
  • Hôm nay95,148
  • Tháng hiện tại3,624,487
  • Tổng lượt truy cập155,660,091
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây