Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh biến tấu độc đáo ca khúc Trống cơm

Thứ hai - 26/11/2018 03:22
Bản nhạc “Scherzo Trống cơm” viết cho ngũ tấu piano được lấy cảm hứng từ hai bài dân ca quan họ Bắc Ninh: “Trống cơm” và “Con nhện giăng mùng” đã gây ấn tượng đặc biệt tại Festival Âm Nhạc Mới Á Âu 2018. Tác giả của bản nhạc này là nhạc sĩ gốc Việt Đặng Hồng Anh.

Đặng Hồng Anh là một nhà soạn nhạc đã tốt nghiệp khoa sáng tác Học viện Âm nhạc Nga danh tiếng tại Mátxcơva rồi sang định cư ở Ba Lan.

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh biến tấu độc đáo ca khúc Trống cơm
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh.

Được biết, nhạc sĩ đã có 3 lần liên tiếp tham gia Festival Âm Nhạc Mới Á Âu 2018 tại Hà Nội, lý do gì khiến cô quyết định tham chương trình này?

Được tham dự Festival là niềm vinh dự lớn với bất kì nghệ sĩ nào.

Cách đây 2 năm tôi từng biểu diễn tiết mục này ở Singapore, lần này được biểu diễn trên chính quê hương, đất nước mình, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Nhạc sĩ có thể chia sẻ một chút về sáng tác của mình trong kì Festival năm nay?

Ở những kỳ Festival trước, tôi sử dụng giai điệu dân ca dân tộc Mông và Tây Nguyên thì đến năm nay, tôi dựa trên giai điệu dân ca Bắc Ninh.

Tôi rất yêu Việt Nam và muốn mang đến hơi thở đương đại cho dân ca Việt Nam.

Bản nhạc “Scherzo Trống cơm” viết cho Ngũ tấu piano được lấy cảm hứng từ hai bài dân ca quan họ Bắc Ninh: “Trống cơm” và “Con nhện giăng mùng”.

Bản nhạc có cấu trúc ba phần (ABA) là cấu trúc đặc trưng cho thể loại Scherzo (lời bông đùa), mang nhiều nét của thể loại biến tấu và đôi nét của sonata allegro.

Giai điệu “Trống cơm” vui nhộn, hài hước với tốc độ khá nhanh tương phản với giai điệu “Con nhện giăng mùng” mang tính chất trữ tình sâu lắng với tốc độ chậm rãi.

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh biến tấu độc đáo ca khúc Trống cơm - Ảnh minh hoạ 2
Các nghệ sĩ tham gia trình diễn bản nhạc “Scherzo Trống cơm”.

Lời ca bài “Trống cơm” với giai điệu mang tính chất vui vẻ, đùa cợt:

Trống cơm khéo vỗ nên bông

Một bầy con nít lội sông đi tìm

Khen ai đôi mắt lim dim

Một bầy con nhện giăng duyên tơ hồng

Thương ai duyên nợ tang bồng.

Một trích đoạn bản nhạc “Scherzo Trống cơm”

Và lời ca bài “Con nhện giăng mùng” với giai điệu tha thiết nhớ mong:

Người về con nhện giăng mùng.

Năm canh luống chịu lạnh lùng cả năm.

Có nhớ đến chúng tôi chăng,

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này.

Khăn áo người gửi lại đây,

Nhớ thương xếp để dạ này bao quên.

Đến hẹn Quan họ lại lên.

Điểm mới mà nhạc sĩ mang đến trong tác phẩm của mình là gì?

Trống cơm là một ca khúc quen thuộc với người Việt, điểm mới ở đây chính là ngôn ngữ sáng tác của tác phẩm.

Tôi sử dụng nhịp điệu đa dạng, xen kẽ các nhịp chẵn lẻ như: 2/4, 3/4, 2/4, 5/8, 4/4, 6/4, 5/4, 4/4, 6/8, 2/4 để bản nhạc được phong phú về mặt tiết tấu.

Trong bản nhạc có sử dụng nhiều kĩ thuật mới như tiếng gõ trên hộp đàn violin, dùng nhiều pizzicato và col legno để mô phỏng tiếng trống cơm cùng kĩ thuật gẩy dây đàn (pizzicato) trên piano để tạo âm hưởng mới và đặc biệt cho bản nhạc.

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh tặng hoa cho các nghệ sĩ trình diễn

Xuất phát từ đâu, nhạc sĩ có ý tưởng mang đến hơi thở đương đại cho nhạc dân ca Việt Nam?

Từ nhỏ, tôi đã rất yêu dân ca Việt Nam. Khi còn đi học hệ sơ cấp trường Nghệ thuật Hà Nội, tôi đã có may mắn được học dân ca mọi miền với những người thầy - những người nghệ sĩ rất tâm huyết với nghề. Các thầy giáo, cô giáo của chúng tôi đều là những nghệ sĩ rất giỏi của thời đó và đều là những nghệ sĩ “nhân dân” thật sự, các thầy cô đã truyền cho tôi niềm say mê và tình yêu lớn đối với các làn điệu dân ca.

Giờ đây khi sống xa Việt Nam, cảm xúc của tôi càng đặc biệt hơn mỗi lần được trở về biểu diễn trên quê hương, đất nước mình. Lần này trở về Hà Nội, được thăng hoa với nghệ thuật trong tiết trời đầu đông tuyệt đẹp, tôi lại càng thấy yêu hơn đất và người.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Piano và khóa học Sáng tác lớp giáo sư A.I. Golovin trường Trung cấp Âm nhạc Quốc gia mang tên Gnesin tại Moskva năm 1988. Tốt nghiệp đại học Sáng tác loại ưu năm 1993 và thạc sĩ năm 1998 lớp giáo sư A.L. Larin Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga mang tên Gnesin tại Moskva.

Tác giả: Phương Nhung

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập572
  • Máy chủ tìm kiếm115
  • Khách viếng thăm457
  • Hôm nay203,491
  • Tháng hiện tại3,607,796
  • Tổng lượt truy cập155,643,400
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây