Nét đẹp kiến trúc chùa Khmer ở An Giang

Chủ nhật - 24/09/2017 18:00
Tỉnh An Giang có rất nhiều ngôi chùa Khmer, trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện biên giới Tịnh Biên và Tri tôn. Các ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của người Khmer, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu vực.

Những ngôi chùa Khmer được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và đặc sắc. Trong kho tàng di sản kiến trúc ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống tinh thần của người dân.

Đối với đồng bào khmer, chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là niềm tự hào, là công trình kiến trúc duy nhất cất giữ, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer và là nơi lưu giữ, truyền bá những tinh túy trong đời sống văn hóa - xã hội.

Nét đẹp kiến trúc chùa Khmer ở An Giang
Cổng chùa mang màu sắc văn hóa của đồng bào Khmer.

Đến với đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang, du khách không thể không ghé thăm chùa Xà Tón ở thị trấn Tri tôn, huyện Tri Tôn. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer ở Nam Bộ và cũng là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất của tỉnh - nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá có tại Việt Nam.

Ngoài ra, rất nhiều du khách cũng thích đến tham quan chùa Tà Miệt ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn hoặc chùa Thom Mít ở xã Vĩnh Trung, chùa Rô ở xã An Cư của huyện Tịnh Biên, bởi tại những nơi này thường xuyên diễn ra lễ hội đua bò truyền thống hàng năm.

Nét đẹp kiến trúc chùa Khmer ở An Giang - Ảnh minh hoạ 2
Chùa của đồng bào Khmer đều mang phong cách kiến trúc đặc biệt.

Được xây dựng theo kiến trúc Angkor và do ảnh hưởng của ba dòng văn hóa, tín ngưỡng gồm văn hóa dân gian, đạo Bà-la-môn và Phật giáo nên kiến trúc chùa Khmer ở An Giang độc đáo và mang nhiều giá trị thẩm mỹ.

Mỗi ngôi chùa bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như: Chính điện, sala, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, nhà tháp để cốt. Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chùa chính điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so vơi các công trình khác. Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thật kiến trúc, chạm khắc, trang trí của người Khmer.

Nét đẹp kiến trúc chùa Khmer ở An Giang - Ảnh minh hoạ 3
Tháp mộ của ngôi chùa rất độc đáo.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc, chạm khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Đó là thể hiện sự đa dạng, phong phú của ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của Đức Phật. Ở ngôi chính điện còn là nơi lưu giữ của cải quý báu của nhà chùa và dân chúng dâng cúng.

Một điểm vô cùng đặc biệt trong các ngôi chùa Khmer ở An Giang là những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường gian chính điện. Nội dung chủ yếu của những bức tranh tường này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi tu thành đạo hạnh.

Ngoài ra, xung quanh các công trình kiến trúc là vườn hoa, ao nước tạo nên một không gian tâm linh linh thiêng, trầm mặc. Từ những họa tiết, hoa văn sắc sảo bên ngoài, cho đến vẻ đẹp lộng lẫy của những bức phù điêu, tranh Phật bên trong gian thờ phụng… tất cả dễ tạo cho người ta cảm giác đi vào chốn bồng lai.

Đây không chỉ là nơi thờ Phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên, mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Khmer.

Tác giả: Đức Hiệp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập810
  • Máy chủ tìm kiếm130
  • Khách viếng thăm680
  • Hôm nay95,635
  • Tháng hiện tại3,421,483
  • Tổng lượt truy cập155,457,087
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây