Học giả Việt Nam “bóc mẽ” chiêu bành trướng Biển Đông của Trung Quốc

Thứ năm - 31/10/2019 23:58
(Dân trí) - Trong thư phúc đáp, tranh luận với Chủ tịch Hội luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) Nguyễn Bá Sơn chỉ rõ, Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông đã bác bỏ yêu sách xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các đảo, đá đang chiếm giữ để mở rộng khu vực tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc… >>

Thư phúc đáp Chủ tịch CSIL của TS. Nguyễn Bá Sơn được gửi ngày 29/10 tiếp tục đưa ra những lý lẽ, luận điểm mạnh mẽ để lên án vi phạm của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ suốt 3 tháng qua.

Bàn về tính pháp lý của việc phía Trung Quốc yêu sách đòi chủ quyền trên Biển Đông, TS. Nguyễn Bá Sơn tán thành với nguyên tắc “đất thống trị biển” để xác định các quyền trên biển của quốc gia mà Chủ tịch Hội luật quốc tế Trung Quốc đã nêu trong thư trả lời VSIL trước đó.

Học giả Việt Nam “bóc mẽ” chiêu bành trướng Biển Đông của Trung Quốc
Trung Quốc đang dùng nhiều cách thức để mở rộng những vùng biển chồng lấn, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Chủ tịch Hội luật Quốc tế Việt Nam phân tích, áp dụng nguyên tắc “đất thống trị biển”, Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông của Philippines với Trung Quốc, trên cơ sở phân tích một cách khách quan và khoa học, đã đưa ra kết luận rằng không có bất kỳ thực thể luôn nổi nào tại khu vực quần đảo Trường Sa đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 121 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) để có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình.

Điều này có nghĩa rằng, các thực thể luôn nổi thuộc quần đảo này chỉ có thể có lãnh hải tối đa là 12 hải lý. Các thực thể giữa biển, nằm dưới mặt nước biển khi thủy triều lên không phải là đảo, không có vùng biển xung quanh.

Hơn nữa, TS. Nguyễn Bá Sơn chỉ rõ, Toà trọng tài cũng đưa ra kết luận rằng không một quốc gia nào có quyền yêu sách vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Trường Sa và xem quần đảo Trường Sa là một thực thể đơn nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, vì nhóm đảo này không đáp ứng các điều kiện để có đường cơ sở quần đảo theo quy định tại Điều 47 của UNCLOS hoặc đường cơ sở thằng theo quy định tại Điều 7.

“Khu vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” hoàn toàn chìm dưới mặt nước biển, thuộc thềm lục địa Việt Nam và không liên quan gì đến quần đảo Trường Sa, nơi các thực thể không có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế như Tòa trọng tài đã phán xử” – Chủ tịch VSIL nhấn mạnh.

Như vậy, TS.Nguyễn Bá Sơn khẳng định, việc tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa không thể dẫn đến việc phát sinh bất kỳ sự chồng lấn nào giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được tính từ bờ biển lục địa của Việt Nam với lãnh hải của bất kỳ thực thể luôn nổi nào thuộc quần đảo Trường Sa.

Nói một cách khác, “nguyên tắc đất thống trị biển” mà ông Hoàng Tiến nêu ra không có “đất” để áp dụng cũng như không có vùng biển chồng lấn để giải quyết.

Vị học giả Việt Nam nêu quan điểm: “Để biến Biển Đông thành “sự kết nối tất cả các bên” như Giáo sư đề xuất, thì mỗi bên khi tiến hành những hoạt động trên biển phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên đối tác khác, trân trọng lịch sử quan hệ hữu nghị mà các bên đã dày công vun đắp và tuyệt đối tuân thủ luật quốc tế”.

Là một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã nhiều năm tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới lãnh thổ, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông, ông Sơn chia sẻ thành tâm mong muốn hai nước Việt – Trung có thể thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết các tranh chấp bất đồng còn tồn tại.

Tuy nhiên, với tư cách là một chuyên gia luật quốc tế, TS Sơn “khẳng định rằng không có bất kỳ nội dung nào trong hai văn kiện này, cũng như trong bất kỳ thoả thuận nào giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giải thích như là sự hạn chế quyền của mỗi nước chúng ta được tự do lựa chọn bất kỳ biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nào khác đã được luật pháp quốc tế công nhận và cho phép một cách rõ ràng, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc (Điều 33) và UNCLOS”.

Ông Sơn cũng có niềm tin vững chắc là các cuộc trao đổi khoa học nghiêm túc, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau sẽ góp phần làm cho nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về nguyên nhân cũng như biện pháp giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập934
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm858
  • Hôm nay201,270
  • Tháng hiện tại674,738
  • Tổng lượt truy cập156,791,239
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây