Chiến lược của Nga khi hậu thuẫn Tổng thống Venezuela bất chấp đối đầu Mỹ

Chủ nhật - 10/02/2019 07:43
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những tính toán chiến lược khi ủng hộ chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong khi Washington vẫn đứng về phía tổng thống tự phong của quốc gia Nam Mỹ. >> >> >>
Chiến lược của Nga khi hậu thuẫn Tổng thống Venezuela bất chấp đối đầu Mỹ

Tổng thống Putin đón Tổng thống Maduro tại Nga năm 2013. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nicolas Maduro là một đồng minh quan trọng của Tổng thống Vladimir Putin. Theo Vladimir Rouvinski, chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu Kennan thuộc Trung tâm Woodrow Wilson, Tổng thống Putin có thể không nhận được sự tín nhiệm trong mắt người dân Nga nếu ông không thể bảo vệ một trong những người bạn của mình trước sức ép của Mỹ. Đây cũng là một trong số những lý do khiến Nga không thể làm ngơ trước cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

“Đây sẽ là một thất bại, một thất bại rất khó giải thích với người dân Nga”, ông Rouvinski cho biết.

Tổng thống Maduro thường tới thăm Nga vài lần trong một năm và là nhà lãnh đạo được giới tinh hoa ở Nga chào đón. Mỹ cùng nhiều nước châu Âu và Mỹ Latinh đã tuyên bố quay lưng với Tổng thống Maduro và ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn ủng hộ chính quyền Maduro.

Chiến lược của Nga

Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000 với cam kết khôi phục ánh hào quang trước đây của Nga khi Liên Xô chưa tan rã. Một phần trong chiến lược này của ông Putin là kết bạn với các đồng minh cũ của Liên Xô tại Mỹ Latinh. Nhà lãnh đạo Nga đã bắt tay thực hiện kế hoạch này và ký một số thỏa thuận trang bị vũ khí do Moscow sản xuất, thay thế các vũ khí của Mỹ, cho các nước Mỹ Latinh.

“Ông (Putin) cần Mỹ Latinh để thể hiện rằng Nga là một nhân tố quốc tế, Nga có độ phủ sóng toàn cầu, và Nga đang quay trở lại Mỹ Latinh”, nhà nghiên cứu Vladimir Rouvinski nhận định.

Hầu hết những người bạn cũ của Tổng thống Putin tại Mỹ Latinh đều đã ra đi, do vậy Tổng thống Maduro và Venezuela được xem là “chỗ đứng” vững chắc cuối cùng của Nga trong khu vực.

Ông Rouvinski ví Venezuela là đồng minh quan trọng của Nga tại “sân sau” của Mỹ cũng như Ukraine là đồng minh quan trọng của Mỹ tại “sân sau” của Nga. Tổng thống Putin chỉ có thể duy trì thế mạnh của mình tại Mỹ Latinh bằng cách thắt chặt mối quan hệ hữu hảo với người đồng cấp Venezuela.

“Venezuela trên thực tế là đất nước cuối cùng còn lại cho ông Putin. Nga đang nỗ lực thực hiện chính xác những gì mà Mỹ đã làm với Ukraine”, ông Rouvinski cho biết.

Cũng theo chuyên gia Rouvinski, Tổng thống Maduro có nhiều bạn bè ở Nga và những người bạn này sẽ không bỏ rơi đồng minh của họ tại Venezuela.

Khoản nợ lớn

Theo AP, Nga được cho là đã rót hơn 17 tỷ USD vào Venezuela dưới hình thức các khoản vay và đầu tư kể từ năm 1999. Venezuela đã trả phần lớn số nợ này và hiện nợ Nga khoảng 3,15 tỷ USD. Tháng 11/2017, Nga và Venezuela đã nhất trí kế hoạch thanh toán kéo dài 10 năm cho khoản nợ trên.

Mỹ đã tìm cách chặn đứng khả năng trả nợ của chính quyền Maduro bằng cách trừng phạt công ty dầu nhà nước PDVSA của Venezuela. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton, các lệnh trừng phạt dự kiến sẽ khiến chính quyền Maduro mất khoảng 11 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu dầu, đồng thời khiến ông Maduro không thể tiếp cận các tài sản trị giá khoảng 7 tỷ USD của PDVSA.

Nghị sĩ đối lập Venezuela Jose Guerra gần đây cáo buộc chính quyền Maduro tìm cách chuyển gần 20 tấn vàng, chiếm khoảng 15% trong kho dự trữ của Venezuela, tới Nga thông qua một máy bay chở khách với chuyến bay bất thường tới thủ đô Caracas hôm 28/1. Ông Guerra dẫn các nguồn tin giấu tên trong cơ quan tiền tệ Venezuela cáo buộc Tổng thống Maduro chuyển số vàng trị giá hơn 800 triệu USD lên máy bay, tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.

Một quan chức cấp cao tuần trước nói với hãng tin Reuters rằng Tổng thống Maduro đã lên kế hoạch bán tổng cộng 29 tấn vàng cho Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) trước cuối tháng 2 để đổi lấy tiền mặt. Theo giá thị trường hiện nay, 29 tấn vàng của Venezuela được định giá xấp xỉ 1,2 tỷ USD.

Nga tuần trước cũng thừa nhận rằng Venezuela có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn.

“Mọi thứ bây giờ (tại Venezuela) phụ thuộc vào quân đội, vào các binh sĩ và sự trung thành của họ”, Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchark nói với các phóng viên hôm 29/1, đồng thời cho biết cuối tháng 3 tới là thời hạn Venezuela phải trả hơn 100 triệu USD cho Nga.

Nhà máy vũ khí  

Chiến lược của Nga khi hậu thuẫn Tổng thống Venezuela bất chấp đối đầu Mỹ - Ảnh minh hoạ 2

Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cùng Tổng thống Putin thăm tàu Nga tại cảng La Guaira, Caracas năm 2010. (Ảnh: EPA)

Nga có nhiều liên kết quân sự với Venezuela, quốc gia được xem là đồng minh chiến lược của Moscow tại Tây Bán Cầu. Venezuela đã mua hơn 4 tỷ USD vũ khí từ Nga kể từ năm 2005, gồm khoảng 50 trực trăng, 24 máy bay chiến đấu và 100.000 súng trường Kalashnikov.

Kalashnikov Concern, hãng sản xuất súng có trụ sở tại Nga và là đơn vị chế tạo khẩu AK-47 nguyên bản, dự kiến sẽ mở một nhà máy súng trường mới tại Venezuela vào cuối năm nay. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên của Kalashnikov tại phương Tây và dự kiến sẽ sản xuất vài chục nghìn khẩu súng mỗi năm cho Nga.

“Nhà máy này có tầm quan trọng chiến lược đối với sự độc lập của Venezuela cũng như lực lượng vũ trang Venezuela”, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Padrino Lopez phát biểu tại Moscow hồi tháng 4 năm ngoái.

Dầu mỏ

Công ty dầu khí Venezuela PDVSA đang khai thác những mỏ dầu dưới lòng đất lớn nhất thế giới và Nga cũng đang đầu tư mạnh tay để duy trì việc tiếp cận với các mỏ dầu này. Rosneft, công ty sản xuất dầu số 1 của Nga, đã cho PDVSA vay hàng tỷ USD và mua trước lượng dầu khổng lồ để trừ dần vào các khoản vay này. Rosneft cũng là một trong số ít những công ty dầu khí nước ngoài hoạt động tại Venezuela.

Theo thông báo mới đây của công ty dầu khí Nga, PDVSA hiện nợ Rosneft khoảng 2,3 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm ngăn PDVSA xuất khẩu gần 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang Mỹ, một trong những khách hàng lớn của Venezuela. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ vẫn có thể mua dầu thô từ Venezuela nhưng tiền thu được từ các giao dịch này sẽ không được phép chuyển cho chính quyền Maduro, mà chuyển vào một tài khoản trung gian cho tới khi chính quyền Maduro không còn nắm quyền kiểm soát PDVSA.

Dầu khí từng là “nguồn sống” của nền kinh tế Venezuela. Tuy nhiên, giá dầu sụt giảm trong những năm gần đây khiến nền kinh tế Venezuela suy sụp và đẩy quốc gia Nam Mỹ vào vòng xoáy khủng hoảng. Việc bán dầu là một phần quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Maduro nhằm thanh toán các khoản vay cho Nga và Trung Quốc - hai chủ nợ lớn nhất của Venezuela.

Theo chuyên gia Rouvinski, Nga có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự nếu một lãnh đạo thân Mỹ lên nắm quyền tại Venezuela và tịch thu các tài sản dầu khí của Nga tại nước này mà không đưa ra bất kỳ sự bồi thường nào cho Moscow. Tuy nhiên, ông Rouvinski cũng cho rằng xung đột quân sự sẽ là “phương án cuối cùng” mà Nga tính đến vì Moscow không muốn theo đuổi một cuộc chiến tại một vùng đất xa xôi như Venezuela.

Cũng theo chuyên gia Rouvinski, Nga không muốn bị dồn vào chân tường. Tuy nhiên, Moscow sẽ phản ứng nếu tình hình tại Venezuela trở nên quá nóng.

“Đối với Nga, giọt nước tràn ly sẽ là sự xâm lược của Mỹ (vào Venezuela)”, ông Rouvinski nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập750
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm674
  • Hôm nay140,439
  • Tháng hiện tại3,466,287
  • Tổng lượt truy cập155,501,891
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây