Bắt giữ 3 đối tượng dùng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo

Thứ năm - 02/11/2023 21:36

Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) vừa thông tin về vụ việc phát hiện và bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo, phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP.HCM ngày 31/10.

Trong thông tin chia sẻ ngày 1/11, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, vào ngày 31/10, cùng với sự phối hợp của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở khu vực phía Nam và Công an TP.HCM đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng trạm thu phát sóng di động giả mạo (trạm BTS giả mạo) xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo.

Cụ thể, khoảng 14h00 chiều ngày 31/10, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II (Trung tâm II) nhận được thông tin có dấu hiệu BTS giả phát tán tin nhắn trên địa bàn TP.HCM. Ngay sau đó, đoàn công tác của Trung tâm II đã lập tức lên đường, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở phía Nam và Công an TP.HCM làm nhiệm vụ.

Triển khai các thiết bị kỹ thuật hiện đại, khoảng 15h30 ngày 31/10, đoàn công tác liên ngành đã xác định được phương tiện của đối tượng có nguồn phát sóng BTS giả mạo và bí mật giám sát, theo dõi. Đến 16h20 cùng ngày, các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang ông V.A.B (là người Việt Nam, sinh năm 1977, quê quán tại Tây Ninh) đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả, đặt trên xe ô tô loại 7 chỗ, để xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Mở rộng điều tra, ngay trong đêm 31/10, cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ thêm 2 đối tượng khác có quốc tịch nước ngoài, được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thiết lập lập trạm BTS giả nói trên. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

tram bts gia 1.jpg
Trong vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện ngày 31/10, các đối tượng sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS chủng loại mới, lắp đặt trên xe ô tô. (Ảnh: Hồ Lê Tùng/Cục Tần số vô tuyến điện)

Cục Tần số Vô tuyến điện nhận định, đây là vụ việc mà các đối tượng sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS chủng loại mới, lắp đặt trên xe ô tô, thường xuyên di chuyển không có quy luật qua nhiều tuyến đường để tránh cơ quan chức năng phát hiện.

Mặc dù vậy, hành động phát tán tin nhắn giả mạo, lừa đảo của các đối tượng đã nhanh chóng bị phát hiện, ngăn chặn và đối tượng liên quan bị bắt giữ trong thời gian rất ngắn. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị của Cục Tần số vô tuyến điện, các lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an và các nhà mạng viễn thông di động.

tin nhan lua dao 1.jpg
Thời gian qua, Cục Tần số vố tuyến điện (Bộ TT&TT) đã phối hợp với các đơn vị để phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sử dụng BTS giả để nhắn tin lừa đảo. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt)

Trước đó, thống kê cho thấy trong quý III/2023, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã thực hiện xử lý 88 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Trong đó, phạt tiền 59 vụ với tổng số tiền 89,4 triệu đồng, cảnh cáo 3 vụ và nhắc nhở 26 vụ. Đặc biệt, cũng trong quý III, Cục Tần số vố tuyến điện phối hợp cùng Bộ Công an phát hiện, xác định và xử lý 4 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để nhắn tin rác và tin nhắn lừa đảo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập1,136
  • Máy chủ tìm kiếm100
  • Khách viếng thăm1,036
  • Hôm nay191,548
  • Tháng hiện tại575,138
  • Tổng lượt truy cập156,691,639
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây