Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, gương mẫu trong việc làng, việc xóm… nhiều đảng viên trẻ ở vùng cao đã có được niềm tin của nhân dân, chung sức đồng lòng xây dựng cuộc sống mới ngày một no ấm. Một số gương đảng viên điển hình ở xã Khang Ninh (Ba Bể) cho thấy rõ điều đó.
Ngoài tham gia công tác xã hội, đảng viên trẻ Triệu Tiến Dương, thôn Củm Pán còn tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng cây ăn quả. |
Đến thôn Củm Pán, xã Khang Ninh, nhiều người nhắc đến đảng viên trẻ Triệu Tiến Dương như một tấm gương trong lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội. 28 tuổi, anh Triệu Tiến Dương đã có hơn bốn năm làm công an viên. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh luôn nỗ lực và nhiệt huyết với công việc. Từ sự phấn đấu của bản thân, anh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, anh thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân bản, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Ngoài công việc lao động sản xuất của gia đình, anh thường xuyên gần gũi bà con để thăm nắm tư tưởng, nguyện vọng cũng như chia sẻ mọi công việc trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần nghe nói trong thôn nhà này, nhà kia có dấu hiệu mất đoàn kết là anh có mặt ngay để nắm tình hình, báo cáo với chi bộ hoặc có những biện pháp để giải quyết kịp thời. Tiệu Tiến Dương chia sẻ thêm: Bản thân tôi là một đảng viên trẻ, quá trình tiếp cận công việc đôi lúc cũng gặp khó khăn. Do vậy trong các hoạt động của thôn tôi đã vận động gia đình, anh em, họ hàng đi trước để làm gương cho bà con. Vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời tuyên truyền vận động bà con xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống… Anh tâm niệm: "Mình làm việc có tình, có lý thì bà con dân bản sẽ nghe theo".
Anh Hoàng Văn Tuân, thôn Nà Mằm phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê vỗ béo. |
Không chỉ nhiệt tình tham gia công tác xã hội, anh Triệu Tiến Dương còn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay ngoài việc trồng lúa, trồng ngô, anh còn trồng thêm hơn 150 gốc hồng không hạt, chăn nuôi trâu, gà lợn và tham gia vào phong trào trồng rừng của địa phương. Nhờ tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt mà hiệu quả kinh tế của gia đình anh luôn đạt khá. Mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 60-80 triệu đồng, bà con trong bản thấy anh làm được cũng tích cực làm theo để cùng nhau thoát nghèo.
Tại Khuổi Luông, trưởng thôn Bàn Văn Dất được người dân dành nhiều lời khen ngợi và tin tưởng vì tác phong nhanh nhẹn, gần gũi, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Anh Bàn Văn Dất đã cùng các đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do thôn, xã tổ chức. Nhờ đó người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả hơn… Từ sự gương mẫu, tích cực của trưởng thôn, bà con Khuổi Luông thêm tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh…
Trưởng thôn Bàn Văn Dất cho hay: Trong quá trình tuyên truyền, vận động bà con thực hiện những chủ trương của Nhà nước, của địa phương như làm đường, phát triển kinh tế, tôi thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm sâu” để bà con hiểu và đồng lòng thực hiện. Đối với những gia đình còn băn khoăn, chưa đồng tình tôi chủ động tiếp cận, đến gặp gỡ nhiều lần để phân tích. Cái nào khó mình làm trước để bà con thấy hợp lý, “mắt thấy tai nghe” rồi làm theo. Chính vì vậy mà các công trình được triển khai tại địa phương như xây dựng nhà văn hoá thôn, tu sửa và mở rộng đường làng, ngõ xóm đến vệ sinh môi trường đều được bà con trong thôn ủng hộ.
Không tham gia công tác xã hội, nhưng đảng viên trẻ Hoàng Văn Tuân ở thôn Nà Mằm lại chọn cho mình hướng phát triển kinh tế gia đình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân khi chăn nuôi, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn trong trồng trọt, do vậy sản lượng không cao và thu nhập của người nông dân rất thấp, trong khi thị trường đang rất cần những sản phẩm mang tính sản xuất hàng hoá. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh Tuân xây dựng mô hình nuôi dê vỗ béo. Anh tìm chọn mua những con dê khoẻ mạnh, khoảng từ 8 - 12kg, nuôi khoảng 2-3 tháng sẽ xuất bán, thức ăn chủ yếu để nuôi dê là cỏ và thức ăn tinh. Theo kinh nghiệm của anh Tuân, để nuôi dê vỗ béo đạt kết quả thì việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định, đặc biệt cần chú trọng đến việc tiêm phòng bệnh. Hiện tại, đàn dê của gia đình anh có gần 30 con, lúc cao điểm hơn 40 con, hàng năm sau khi trừ chi phí thu về gần 90 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới anh sẽ mở rộng chuồng trại để tăng đàn, tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình.
Đồng chí Triệu Thị Thơm- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ba Bể cho biết: Những năm qua, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhất là công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế. Đến nay, việc triển các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện có hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, trong đó có sự đóng góp rất lớn của những đảng viên trẻ như các anh Triệu Đức Dương, Hoàng Văn Tuân, Bàn Văn Dất. Có thể nói, đảng viên trẻ đang là những nhân tố đi đầu trong công tác dân vận ở cơ sở của huyện vùng cao Ba Bể./.
Tác giả: Nguyễn Nghĩa - Thái Xuân
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn