Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc người dân đọc các ấn phẩm in, sách báo, tiếp cận và sử dụng thông tin tại các thư viện công cộng vẫn còn nhiều hạn chế.
Thư viện tỉnh Bắc Kạn vẫn thu hút một lượng lớn độc giả đến đọc sách hằng ngày |
Thực tế cho thấy cùng với nhịp sống sôi động, sự phát triển của khoa học - công nghệ, con người có thêm nhiều hình thức để tiếp nhận các tri thức của đời sống xã hội. Vì thế, nhiều người không còn mặn mà với việc đọc, đặc biệt là giới trẻ đã không còn muốn đọc sách theo cách truyền thống, dẫn đến văn hóa đọc ngày càng bị mai một. Cùng với đó, sự tiếp nhận thông tin thụ động qua các phương tiện nghe - nhìn hiện đại đã làm giảm bớt tính tư duy, nghiền ngẫm, sáng tạo vốn có của văn hóa đọc.
Mặc dù vậy, với những giải pháp phù hợp, tạo sự thoải mái cho người đọc khi đến thư viên nên trong những năm qua, số độc giả đến với thư viện đã dần đông hơn, thành phần và độ tuổi cũng đa dạng hơn. Đây là tín hiệu vui mà với sự nỗ lực của cán bộ thư viện tỉnh đã làm thời gian qua, nhằm thu hút độc giả đến với thư viện…Với việc quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ, Thư viện tỉnh đã thu hút ngày càng nhiều độc giả. Năm 2017, Thư viện tỉnh phục vụ trên 19.000 lượt độc giả, cấp 300 thẻ. Bình quân có 73 lượt bạn đọc đến thư viện hàng ngày.
Bắc Kạn đề ra mục tiêu đến năm 2020, có 80% học sinh, sinh viên và người học tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học. Bên cạnh đó, phấn đấu 20% người dân ở khu vực nông thôn, 15% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã... Những năm qua, Thư viện tỉnh đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động năng động trong khai thác các nguồn tài liệu, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cùng với Thư viện tỉnh thì 07 thư viện tuyến huyện đã có nhiều tiến bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu đọc sách của độc giả. Năm 2017, Thư viện tỉnh đã được bổ sung hơn 3.700 cuốn sách, 981 tên sách, nâng tổng số sách hiện có đến nay là gần 78.000 cuốn; thư viện tuyến huyện, thành phố có tổng số 69.100 cuốn sách. Những đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, khoa học, lịch sử, văn học… và cả báo chí thời sự hằng ngày.
Em Nguyễn Thu Phương – Lớp 6A4 Trường THCS Bắc Kạn cho biết: Em thường hay đến thư viện để đọc sách vì ở đây có nhiều các sách tham khảo phục vụ nhu cầu học tập của chúng em. Còn em Trần Ngọc Tuấn – Lớp 9A3 – Trường THCS Bắc Kạn thì chia sẻ: Đến thư viện cho chúng em các thông tin hữu ích vì ở đây rất nhiều sách.
Thực hiện Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill Melinda Gates, năm 2012, Thư viện tỉnh Bắc Kạn được trang bị 40 hệ thống máy tính có kết nối Internet và thiết bị phụ trợ, mỗi thư viện huyện được trang bị 10 hệ thống máy tính, mỗi thư viện xã và điểm Bưu điện văn hóa xã được trang bị 5 hệ thống. Dự án cũng đã thu hút nhiều học sinh đến làm quen với máy tính và truy cập Internet phục vụ học tập, dưới sự giám sát, hướng dẫn của nhân viên. Đối với học sinh, Thư viện chỉ cho phép sử dụng máy tính 1 tiếng 1 lượt để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Những người đến thư viện ở mọi lứa tuổi. Người lớn tuổi đến thư viện để đọc báo in, cán bộ công chức tìm tài liệu, các em học sinh đến tìm đọc sách và truy cập Internet. Khi tới thư viện, các độc giả đều nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ nhân viên.
Chị Nguyễn Thị Mỵ – Phó trưởng phòng Bạn đọc, Thư viện tỉnh Bắc Kạn cho biết: Chúng tôi đã thay đổi cách phục vụ độc giả, khiến độc giả cảm thấy thoải mái thích thú hơn khi đến thư viện
Song song đó, thư viện tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, triển lãm như trao đổi Báo xuân với các tỉnh, thành phố trong cả nước; trưng bày sách nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn; tổ chức ngày hội đọc sách… Công tác phát triển sự nghiệp được quan tâm. Thư viện tỉnh đã hỗ trợ xây dựng Tủ sách tại xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới; củng cố 02 Thư viện xã Bằng Vân và Vân Tùng, huyện Ngân Sơn; xây dựng 01 Thư viện trong Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn với nhiều giá sách và hơn 800 bản sách. Từ nguồn sách Nhà xuất bản biếu, tặng đã hỗ trợ cho một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay các thư viện còn thiếu các đầu sách, chủ yếu người dân, học sinh đến các thư viện để đọc sách, báo, truyện, còn việc tìm hiểu pháp luật, cách làm ăn, tài liệu nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Vì vậy, cần xây dựng cho người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Bên cạnh đó, định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống, nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực.
Ông Hoàng Văn Sơn – Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hiện nay, hệ thống thư viện tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất hạ tầng chưa đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống tra cứu sách chưa đồng bộ…
Bên cạnh đó, ngoài thư viện tỉnh hiện đang hoạt động khá hiệu quả thì hệ thống thư viện cơ sở lại khá trầm lắng. Đơn cử như thư viện xã Nông Thượng thành phố Bắc Kạn. Theo người quản thư ở đây cho biết, trong năm 2017, chỉ có 2 người đến thư viện tìm sách. Phòng thư viện được mượn nhờ trung tâm học tập cộng đồng của xã và được xây dựng từ năm 2013 và có khoảng 500 đầu sách
Đến nay, toàn tỉnh có 122 tủ sách pháp luật, 10 thư viện xã, 7 thư viện huyện và 1 thư viện tỉnh. Trong đó, ngoài thư viện tỉnh đang làm tương đối tốt việc phục vụ bạn đọc, thì các thư viện cơ sở, đặc biệt là thư viện cấp xã và tủ sách pháp luật cấp xã đều đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với nguồn kinh phí và nhân lực thì vấn đề cơ sở vật chất cũng là yếu tố gây trở ngại cho công tác phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giải trí và các phương tiện thông tin, nghe nhìn hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá đọc nói chung và hoạt động của hệ thống thư viện nói riêng.
Để nâng cao chất lượng công tác phục vụ bạn đọc, Ông Hoàng Văn Sơn-Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thời gian tới, thư viện tỉnh chú trọng xây dựng mô hình thư viện thân thiện, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại hóa, điện tử hóa, tự động hóa. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, báo ở khu vực nông thôn để cung cấp kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong năm 2018, Thư viện tỉnh sẽ bổ sung 3.000 bản sách, 50 loại báo, tạp chí/quý; luân chuyển sách đến 20 thư viện cơ sở…
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nền tảng để xây dựng thành công xã hội học tập. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực triển khai có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực của địa phương./.
Duy Khánh
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn