Sau 10 năm thực hiện số 06-NQ/TU ngày 12/5/2011 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, diện mạo nông thôn của Bắc Kạn thay đổi nhanh chóng, hiện đã có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí...
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Trong ảnh: Nông dân TP. Bắc Kạn thu hoạch lúa xuân |
Khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn là tỉnh khó khăn về mọi mặt bởi xuất phát điểm thấp, bình quân chưa đạt 3 tiêu chí/xã, 100% xã đạt dưới 7 tiêu chí. Sau 10 năm nỗ lực thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có kết quả đáng khích lệ.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể đã tổ chức được hơn 620 lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mở chuyên mục, đăng tải hàng nghìn tin, bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Giai đoạn 2011 - 2019, Nhân dân đã hiến 302.500m2 đất, hơn 24,3 tỷ đồng tiền mặt và số ngày công lao động, hiện vật quy ra tiền trị giá hơn 214,9 tỷ đồng.
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, đến nay bình quân mỗi xã đạt 11,84 tiêu chí (tăng 8,9 tiêu chí so với năm 2011), không còn xã dưới 5 tiêu chí (giảm 93 xã so với năm 2011). Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung để nâng cao hiệu quả, chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; vai trò chủ thể của người dân từng bước được xác định rõ ràng, Nhân dân tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp nguồn lực để thực hiện Chương trình. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, quyết liệt; kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Về giao thông đã nhựa hóa, bê tông hóa 82% đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện; cứng hóa 838km đường trục thôn, liên thôn, 246km đường ngõ, xóm. Số xã đạt tiêu chí giao thông là 35. Số xã đạt tiêu chí thủy lợi là 104. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,28%. Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học ở khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, số xã đạt tiêu chí trường học là 27. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm, đầu tư với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 55 chợ nông thôn, thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Thông tin, truyền thông đảm bảo nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân và người dân. 100% xã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với ứng dụng chữ ký số và phần mềm “một cửa điện tử” gắn với dịch vụ công trực tuyến mức độ cao...
Trong giai đoạn 2011-2019, tổng nguồn vốn được giao để hỗ trợ phát triển sản xuất là 86.558 triệu đồng. Triển khai chương trình, các địa phương đã thực hiện 198 mô hình phát triển kinh tế, 7 mô hình trình diễn và thử nghiệm; thực hiện 51 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ trên 100 máy móc thiết bị các loại phục vụ sản xuất... Nhiều địa phương đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp, bắt đầu quan tâm, chú trọng liên kết sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi liên kết. Tư duy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được nông dân từng bước tiếp thu, ứng dụng. Từ đó, đời sống của người dân được cải thiện.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được quan tâm. Qua thống kê, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề giai đoạn 2011-2019 là 28.486 người, trong đó số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo là 21.546 người. Các đơn vị, địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định; triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh đảm bảo mục tiêu, đồng bộ theo các tiêu chí nông thôn mới.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin và truyền thông luôn được chú trọng, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã đạt phổ cập xóa mù chữ mức độ 1 trở lên; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên. Hệ thống y tế được củng cố, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Các trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng. Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 95%. Dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%....
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU còn những hạn chế như: Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội ở một số địa phương chưa phát huy được tính chủ động, tự giác của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương cho các xã có cùng hệ số, định mức như nhau nên không ưu tiên được nguồn ngân sách cho các xã nằm trong mục tiêu dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới để tập trung hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; thiếu tính liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp. Kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã chưa đảm bảo tính đồng bộ, các địa phương chủ yếu quan tâm thực hiện các tiêu chí về phát triển hạ tầng, chưa chú trọng xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm...
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020. Phấn đấu có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (56/96 xã, chiếm 58,33%); 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (17/56 xã, chiếm 30,36% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (6/56 xã, chiếm 10,71% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); phấn đấu có 174 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới./.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn