Trung tá Võ Anh Đào, Phó trưởng Công an huyện Kế Sách, cho hay, dì Năm làm cấp dưỡng cho đơn vị ngót bốn chục năm qua và đã trở thành người nhà của anh em trong đơn vị...
Bà Phan Thị Năm - mọi người quen gọi là “dì Năm”, năm nay bước sang tuổi 82 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, trò chuyện vui vẻ, hài hước, tự mình đạp xe đi chợ, đi chơi. Dì Năm sinh ra và lớn lên tại thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Dì làm cấp dưỡng cho Công an huyện Kế Sách từ năm 1981.
Cuộc đời của dì Năm cũng lắm truân chuyên. Lập gia đình trước năm 1975, chồng mất sớm, dì ở vậy nuôi người con trai trong khó khăn. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, không có đất đai sản xuất nên cuộc sống của hai mẹ con rất vất vả.
Khi dì Năm được nhận vào làm cấp dưỡng cho Công an huyện Kế Sách, con trai của dì lại phiêu bạt và lập nghiệp ở vùng đất Quảng Trị thừa nắng gió nhưng thiếu sự đùm bọc của người thân. Người con trai cũng đã mất cách đây mấy năm.
Giờ, chỉ còn mình dì trong căn nhà tại thị trấn Kế Sách do Công an huyện vận động xây dựng. Dì Năm luôn nhiệt tình với công việc của mình. Bữa cơm cho anh em trong đơn vị, dì rất chu đáo, đảm bảo vừa no, vừa ngon, hợp vệ sinh, thay đổi thực đơn thường xuyên và có sáng tạo khi chế biến món ăn hợp khẩu vị của anh em.
Thậm chí, dì Năm còn biết quan tâm tới sở thích, sức khỏe của từng người để có bữa cơm phù hợp. Bếp ăn của đơn vị được cấp trên kiểm tra nhiều lần và luôn đánh giá là bếp ăn đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, sức khỏe anh em được đảm bảo, phục vụ tốt cho công tác chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Gần đây, sức khỏe dì Năm đã yếu nên đơn vị không để dì nấu ăn nữa nhưng dì vẫn vào để hỗ trợ anh em cấp dưỡng. Lúc dì còn phục vụ, đơn vị trả lương, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ. Mỗi khi dì bệnh, anh em đơn vị lại cử người chăm sóc dì từng viên thuốc, từng bữa ăn chu đáo như chăm sóc người thân ruột thịt của mình.
Thiếu tá Lê Thị Thúy Hằng cho biết, tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an huyện xem dì Phan Thị Năm như người nhà của mình |
Đại tá Phạm Quốc Việt - Phó Giám đốc Công an Sóc Trăng (nguyên Trưởng Công an huyện Kế Sách), cho hay, khi dì Năm tới tuổi nghỉ hưu, Công an huyện cho dì nghỉ và không hợp đồng lại. Nhưng, thấy dì Năm ở một mình, con cháu ở xa, không có việc làm thì cuộc sống sẽ khó khăn nên ban chỉ huy đơn vị bàn bạc và tiếp tục để dì vào bếp.
Mỗi tháng đơn vị trả lương cho dì, bên cạnh đó hỗ trợ mỗi ngày mấy chục ngàn đồng nữa để dì Năm yên tâm công tác, phục vụ tốt cho anh em trong đơn vị. Bây giờ, anh em xem dì Năm như người thân của mình, lo lắng cho dì mỗi khi trái gió trở trời, ốm đau bệnh tật.
Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Kế Sách vận động xây cho dì một ngôi nhà khá khang trang. Ngoài ra, đơn vị cũng vận động đóng góp mua bảo hiểm nhân thọ cho dì. Sau khi hết hợp đồng, số tiền đó được gửi vào ngân hàng và còn đề xuất lãnh đạo chính quyền xin cho dì một phần đất trong nghĩa trang để lo hậu sự.
Ngay cả các đồng chí từng làm lãnh đạo Công an huyện Kế Sách, sau khi chuyển sang đơn vị mới, giữ chức vụ mới cao hơn vẫn luôn nhắc nhở anh em trong đơn vị phải chăm lo cho dì Năm bởi dì là người đã hết mình vì những bữa cơm, vì sức khỏe của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị từ mấy chục năm qua.
Trao tặng dì Năm phần quà dịp Trung thu năm 2018, Thiếu tá Lê Thị Thúy Hằng, cán bộ Đội CSGT bày tỏ mong muốn coi dì Năm như người thân của mình, lo cho dì rất chu đáo. Buổi sáng mà chưa thấy dì tới cơ quan là anh em phải đi tìm vì bữa sáng còn đang chờ dì. Chỉ đến khi thấy dì vào cơ quan, mọi người mới yên tâm.
Dì Năm bảo, nấu cơm cho các cô chú công an gần 40 năm, qua nhiều thời kỳ trưởng công an huyện. Bây giờ, các chú trước là Trưởng Công an huyện như chú Sáu Lương (Nguyễn Hoàng Lương, trước lúc nghỉ hưu là Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Sóc Trăng); chú Tám Sum (Huỳnh Văn Sum, hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng); chú Tư Đợi (Thái Văn Đợi, nguyên Phó Giám đốc Công an Sóc Trăng mới nghỉ hưu); chú Việt sau này giữ chức vụ cao nhưng vẫn luôn quan tâm, hỏi thăm, lo cho dì nhiều lắm.
Các chú ấy lên tỉnh giữ chức vụ cao, dì rất vui và càng vui hơn khi các chú vẫn còn nhớ đến dì. Bây giờ các chú công an huyện không cho nấu cơm nữa vì lo sức khỏe của dì nhưng ngày nào dì cũng vào cơ quan vì đây là nơi dì gắn bó lâu nhất. Vào đây thấy vui, ở nhà dì buồn lắm.
Tác giả: V.Đức-C.Xuân
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn