Chiến khu xưa bình yên
Một ngày tháng 6 khi những bông hoa trẩu đã nở trắng núi rừng, chúng tôi lên đường về với huyện miền núi Võ Nhai - địa danh gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa; đồng thời là An toàn khu của Trung ương trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Khác với hình dung về một vùng đất núi rừng chiến khu xa xôi, khuất nẻo, Võ Nhai hiện lên trước mắt chúng tôi với diện mạo của miền quê nông thôn mới khởi sắc, phát triển.
Đoàn thanh niên Công an huyện Võ Nhai giúp dân dọn nhà cửa. |
Đến Võ Nhai hôm nay, chúng tôi gặp những con đường nông thôn mới rải nhựa phẳng lì, gợi nhớ những vần thơ cũng là khát khao hòa bình dựng xây của nhà thơ Tố Hữu:
“Đường ta rộng thênh thang tám thước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên”
Những con đường trong thơ Tố Hữu nay đã mở rộng đến hàng chục thước. Khoảng cách từ thị trấn Đình Cả (huyện lị của Võ Nhai) đến các bản làng người Mông, người Dao ở vùng sâu, vùng xa của huyện như được rút ngắn đi nhiều…
Dọc hai bên đường là những ngôi nhà bê tông kiên cố khang trang thay thế cho những nếp nhà tranh vách nứa đơn sơ ngày nào.
Nhờ các chính sách ưu đãi doanh nghiệp, giờ đây, trên vùng đất chiến khu xưa có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp đến đầu tư sản xuất. Do đó, số lượng công nhân sinh sống tập trung tại huyện Võ Nhai rất đông. Bên cạnh các thuận lợi về mặt kinh tế đặt ra những yêu cầu mới trong công tác đảm bảo ANTT.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lương Văn Hùng - Trưởng Công an huyện cho biết:
“Để phòng chống tệ nạn xã hội và nguy cơ các loại tội phạm trà trộn hoạt động, Công an huyện Võ Nhai đã tiến hành ký cam kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong vấn đề đảm bảo ANTT, điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long, công ty có hàng trăm công nhân sinh sống tập trung nhưng luôn đi đầu trong các hoạt động đảm bảo ANTT, chấp hành đúng chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Lượng công nhân đông nhưng công ty luôn khai báo tạm trú, tạm vắng đầy đủ…
Chúng tôi luôn tiến hành định kỳ và đột xuất tuần tra, kiểm tra nắm tình hình ở công trường, ký túc xá công nhân của công ty; tạo các đường dây nóng để người dân và doanh nghiệp tố cáo tội phạm giúp Công an kịp thời truy bắt. Nhờ đó, quanh khu vực doanh nghiệp hoạt động nói riêng, trên địa bàn toàn huyện nói chung không có tội phạm lợi dụng trà trộn vào đám đông để trốn nã; các tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm đã được xoá bỏ”.
Gieo mầm thiện lương
Một trong những vấn đề mà Công an huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng, đó là “gieo mầm thiện lương”, giúp đỡ những người mãn hạn tù trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng. Khi có trường hợp được trả tự do trở về với địa phương, Công an huyện sẽ tiến hành gặp gỡ, động viên; tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tạo điều kiện giúp họ ổn định cuộc sống…
Nhiều năm qua, Công an huyện đã liên hệ với các công ty đóng trên địa bàn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, trong đó có nhiều trường hợp hoàn lương; tránh được tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” trong thanh niên. Từ đó, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho vùng đất này.
Một trong những người từng vi phạm pháp luật, được Công an huyện và doanh nghiệp giúp đỡ là anh Nguyễn Duy Trọng, SN 1983 ở thị trấn Đình Cả. Năm 2013, trong một lần lái xe tải trên địa phận tỉnh Nam Định, anh Trọng đã gây tai nạn khiến 2 người thiệt mạng nên bị Tòa án nhân dân huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định xử phạt 3 năm tù giam.
Khi được trả tự do, do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của anh Trọng cùng vợ và hai con nhỏ rất bấp bênh. Giữa năm 2018, qua sự giới thiệu của Công an huyện, anh đã được Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long nhận vào làm. Từ khi được nhận vào làm, anh Trọng luôn được lãnh đạo công ty quan tâm, khích lệ, động viên anh yên tâm công tác, cố gắng phấn đấu để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Khi được hỏi về lý do sẵn sàng nhận những người như anh Trọng vào làm, ông Nguyễn Kim Quế - Giám đốc Tổ chức Hành chính, Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long giãi bày: “Chúng tôi rất gắn bó với địa phương, với người dân nơi đây nên sẵn sàng chia sẻ khó khăn với họ. Có những người đã mắc sai lầm trong quá khứ nhưng nếu biết sống hướng thiện và có khả năng chuyên môn, đảm bảo được công việc thì công ty chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho anh em vào làm, giúp họ quên đi quá khứ lỗi lầm để mở sang trang đời khác tốt đẹp hơn”.
Giờ đây, anh Nguyễn Duy Trọng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành những nguyên tắc an toàn sau tay lái, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ để không phụ lòng những người đã tin tưởng và tạo điều kiện giúp đỡ mình.
Phút trải lòng, anh Trọng tâm sự: “Từ tháng 7 năm ngoái, tôi được Công an huyện Võ Nhai giới thiệu vào làm lái xe tại Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long, công việc ở đây cũng nhiều, thu nhập đều, mức lương rất ổn định, đủ để tôi trang trải cho cuộc sống gia đình. Để cảm ơn Công an huyện và Công ty Thăng Long đã tạo điều kiện giúp đỡ cho anh em chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, tôi không biết làm gì hơn là cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, không để xảy ra bất kỳ lỗi lầm nào nữa”.
Không chỉ phối kết hợp, thực hiện tốt trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, Công an huyện và doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn có những đóng góp lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện.
Nằm ở địa bàn miền núi, nên trước đây, hệ thống giao thông nông thôn, nhất là những con đường vào các bản người Mông ở vùng sâu Võ Nhai rất trắc trở; nhiều đoạn chỉ đi bộ, các phương tiện giao thông, kể cả xe máy, xe đạp cũng không đi được. Nhờ sự “chung sức đồng lòng” của chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; giờ đây, diện mạo giao thông trên vùng chiến khu xưa đã thật sự đổi thay, phát triển.
Thượng tá Nông Văn Bắc - Phó Trưởng Công an huyện Võ Nhai cho biết:
“Để đảm bảo ANTT - tiêu chí thứ 19 của bộ tiêu chí Nông thôn mới, ngoài việc chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện còn tham mưu, phối hợp với các hội đoàn, doanh nghiệp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; vận động doanh nghiệp góp phần tham gia xây dựng các công trình văn hoá xã hội, giao thông nông thôn mới.
Từ khi có đề án nông thôn mới đến nay, tính từ năm 2011, sau 8 năm toàn huyện đã hoàn thành được 317km đường và nâng cấp 147km đường giao thông nông thôn. Có những bản làng xa xôi như ở thôn Xuyên Sơn, xã Thần Sa trước đây không có đường, người dân đi bộ cũng khó chứ không nói đến các phương tiện, nhưng hiện nay nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thì đường bê tông đã vào tận các bản làng của đồng bào Mông trong núi sâu”.
Trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển của quê hương cách mạng Võ Nhai luôn có những bước chân không ngừng nghỉ của các anh - những người chiến sĩ Công an nhân dân đang ngày đêm lặng thầm bảo vệ bình yên cuộc sống…
Tác giả: Hằng Nga
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn