Được thành lập từ 9 năm trước, mô hình “Tổ tự quản dòng tộc về ANTT” vùng có đông đồng bào Khmer được nhận rộng trên toàn tỉnh Bạc Liêu, trong đó có mô hình ở 2 xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu). Nơi đây, nhiều người dân tích cực tham gia bảo đảm ANTT ở khu dân cư, góp sức cùng Công an nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ngày càng lớn mạnh.
Theo Ban chỉ đạo 138 xã Vĩnh Trạch Đông, xã duy trì hiệu quả 4 Tổ tự quản trong họ Thạch, họ Sơn, họ Trần và họ Lâm. Mô hình này khơi dậy tinh thần, huy động sức mạnh của người dân trong công tác phát hiện tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm ANTT tại địa bàn. Điển hình là ông Sơn Song, Tổ trưởng Tổ tự quản dòng tộc họ Sơn. Ông Song luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con Khmer sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong đấu tranh, tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.
Đại úy Thạch Bình, Trưởng Công an xã Thới Xuân tuyên truyền công tác giữ gìn ANTT tại địa bàn. |
Không chỉ là một hòa giải viên “mát tay” khi tham gia hòa giải thành nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ông Song còn giúp Công an vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú. Tại xã Vĩnh Trạch, Thiếu tá Phạm Văn Bình, Trưởng Công an xã cho biết, tổ dòng tộc tự quản họ Thạch, họ Sơn đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cùng với lực lượng Công an cơ sở đảm bảo tốt ANTT trên địa bàn. Trong đó, nổi bật có các thành viên tích cực như ông Sơn Ngọc Xuân, ông Sơn Rin…
Sóc Trăng có gần 1,4 triệu người, trong đó có trên 400.000 người là đồng bào Khmer (đông nhất cả nước). Những năm qua, tình hình an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong vùng đồng bào Khmer ổn định. Các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước...
Theo Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer luôn đồng hành với Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh về công tác đảm bảo ANTT. Thông qua hành đạo, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức… đã giáo dục bà con Phật tử duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp; tuyên truyền bà con chấp hành pháp luật; tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống ngày càng phát triển.
Ấp Long Trường là 1 trong 9 ấp của xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh), với 85% dân số là đồng bào Khmer. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ năm 2013, CLB “Tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối tượng tại cơ sở tôn giáo” ở chùa Long Trường được thành lập. Trong đó, sư cả Thạch Sa Vane - Trụ trì chùa là chủ nhiệm. Để việc tuyên truyền, cảm hóa đạt hiệu quả, công tác thông tin 2 chiều từ phía Ban chủ nhiệm CLB và Công an xã Tân Hiệp được thực hiện thường xuyên. Từ đó, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng để động viên, hỗ trợ kịp thời…
TP Cần Thơ hiện có trên 5.000 gia đình đồng bào Khmer sống đan xen ở các quận, huyện. Thời gian qua, từ khi ký kết quy chế phối hợp giữa Công an và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố, tình hình ANCT và TTATXH trong đồng bào Khmer ổn định, chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Với phương châm “Đoàn kết, bình đẳng, hòa hợp, tốt đời, đẹp đạo”, các lực lượng phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, văn bản về ANTT, thủ đoạn của bọn tội phạm đến các vị trụ trì, người có uy tín, Ban quản trị các chùa. Qua đó, vận động đồng bào dân tộc Khmer nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mạnh dạn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đại úy Thạch Bình, Trưởng Công an xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), chia sẻ: “Bản thân tôi là người dân tộc Khmer, khi được phân công đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã Thới Xuân, địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, tôi có
thuận lợi là hiểu được tiếng dân tộc cũng như phong tục tập quán của người Khmer. Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân”. Trong quá trình công tác, Đại úy Thạch Bình đã tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer.
Thượng tọa Dương An, Trụ trì chùa Set Tador, kể khi về tiếp nhận địa bàn, Đại úy Thạch Bình thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nhất là những vấn đề có liên quan đến ANTT; nhắc nhở thanh, thiếu niên không sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nhậu nhẹt, ma túy… Vì vậy, các vị chức sắc trụ trì các chùa đều tin tưởng, sẵn sàng giúp đỡ anh Bình hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra tội phạm, nhằm mang lại bình yên cho địa phương.
Bên cạnh đó, Đại úy Thạch Bình cùng đồng đội thường xuyên đến từng hộ dân tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, phòng chống tội phạm, bảo vệ sự yên bình cho từng xóm ấp.
Đến ấp Thới Trường 1, người dân nhắc nhiều đến mô hình “Quán cà phê pháp luật” với ý nghĩa thiết thực, trong đó anh Bình là một trong những thành viên tích cực. Đại úy Thạch Bình phối hợp với Chi hội Phụ nữ ấp lồng ghép tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, ý đồ của kẻ xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác, vận động bà con tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Tác giả: Đức Văn
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn