Về lại chiến khu xưa Ba Lòng

Thứ ba - 20/09/2016 22:15
Chiều 18-9, ở chiến khu xưa Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) xanh vời vợi, tiếng hát ngọt ngào phát ra từ chiếc loa phóng thanh làm xốn xang lòng người: “Ngược dòng sông em về bến Trấm, đất Ba Lòng nắng đỏ lung linh.

Ngọn nguồn xưa em tìm về nơi ấy, xao xuyến lòng em nhớ tới những ngày. Nhịp hò khoan con thuyền kháng chiến, đưa anh về Triệu Hải năm nao. Tìm lại anh, em tìm về dòng sông ấy…”.

Tiếng hát ấy đã thôi thúc thêm những bước chân của tuổi trẻ Quảng Trị trên bước đường tình nguyện về với chiến khu xưa…

Chuyến công tác tình nguyện về với đồng bào vùng chiến khu xưa Ba Lòng của tuổi trẻ Quảng Trị hôm nay không chỉ là việc chung tay, góp sức của các đoàn viên thanh niên trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà còn là cuộc hành hương về nguồn cội, tri ân người đã ngã xuống vì hòa bình và tiếp thêm động lực để sống xứng đáng là thế hệ viết tiếp trang sử hào hùng.

 
Về lại chiến khu xưa Ba Lòng
Tuổi trẻ Công an Quảng Trị giúp dân vệ sinh môi trường.

Cách đây nửa thế kỉ, vùng đất nơi đầu nguồn sông Thạch Hãn này từng gánh trên vai sứ mệnh cao cả của lịch sử với hơn 3.000 ngày làm trái tim kháng chiến của cả nước.

Tháng 2-1947, về cơ bản, thực dân Pháp đã đánh chiếm được địa bàn huyện Đakrông cũng như các địa bàn xung yếu khác của Quảng Trị. Mặt trận toàn tuyến bị vỡ đã gây không ít hoang mang trong quần chúng nhân dân. Đó là thời kì khó khăn chồng chất.

Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến đã quyết định chọn thung lũng Ba Lòng làm căn cứ địa cách mạng và là trung tâm đầu não kháng chiến với mục đích xây dựng chiến khu vững mạnh đủ sức làm hậu cứ cho phong trào cách mạng đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho lực lượng vũ trang phân khu Bình Trị Thiên.

Người dân các xã Ba Lòng, Hải Phúc, Triệu Nguyên ở chiến khu này đã đồng cam cộng khổ cùng cách mạng, một lòng thủy chung son sắt với Đảng và Bác Hồ…

Đến tháng 5-1947, chiến khu Ba Lòng trở thành trụ sở hoạt động của bộ đội chủ lực, cơ quan Đảng, Ủy ban Hành chính kháng chiến, đoàn thể, Công an, các công xưởng…

Đây là trung tâm lãnh đạo của cả tỉnh Quảng Trị. Gần 10 năm ròng rã (1947-1954), thực dân Pháp đã nhiều lần tập trung lực lượng tấn công Ba Lòng nhưng chúng không thể đánh đổ được sự kiên cường, lòng yêu nước của nhân dân vốn được núi rừng quê hương che chở…

Chị Ly Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Đakrông, có mặt trong đoàn công tác tình nguyện, tự hào cho biết thêm: Ở vùng chiến khu này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều đồng chí khác đều từng có thời gian hoạt động.

Năm 1947, một sự kiện lớn là Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ hai diễn ra an toàn tại khe Su. Năm 1953-1954, sự kiên cường của quân dân Ba Lòng đã góp phần đẩy Pháp từ thế chủ động về bị động. Âm mưu lập vành đai trắng và đánh nhanh thắng nhanh của chúng cơ bản bị phá sản… 

Ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông dẫn chúng tôi một vòng quanh chiến khu xưa, xúc động kể rằng, sau hơn nửa thế kỉ, Ba Lòng vẫn chưa thể xóa hết dấu tích của chiến tranh.

Vẫn còn đó những địa danh như Khe Da vịt, khe Cây, khe Cau, khe Vồn Vò, khe Su, khe Làng An, Động Mìn… gắn bó máu thịt một thời với chiến khu xưa, ghi dấu biết bao tội ác không thể quên. Mỗi tên đất, tên làng đều là hiện thân của nỗi đau và sự bất tử.

Nhưng hôm nay Ba Lòng đã xanh trở lại. Toàn xã có hơn 600 hộ dân thì 1/3 trong số đó sản xuất khá, giỏi. Xã có 1 trường THCS và 2 trường tiểu học, 100% trẻ từ 6 tuổi được đến trường. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều hơn so với năm trước đó…

Trong 2 ngày làm công tác tình nguyện, tuổi trẻ Quảng Trị đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực giúp đỡ hơn 50 hộ dân, nhất là những hộ gia đình neo người ở Ba Lòng khai hoang vỡ đất, trồng lúa và hoa màu các loại; vệ sinh khu dân cư, đường sá được khang trang, thoáng đãng; giúp đỡ bà con chằng chống, sửa chữa lại nhà cửa trước mùa mưa bão đang đến; tặng những phần quà tuy nhỏ nhưng có giá trị lớn về tinh thần, nhằm động viên những hộ gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Những năm qua, tuổi trẻ Quảng Trị đã có những hoạt động tình nguyện nổi bật, nhất là những chuyến tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa sau thiên tai, bão lụt.

Đó cũng là nguồn động lực để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, lao động, sản xuất,  xung kích đi đầu trên các lĩnh vực của đời sống.

Đến những nơi gian khó, đảm nhận những việc mới, việc khó, tiên phong trong ứng dụng khoa học-công nghệ, đi đầu trong xây dựng xã hội học tập, nền kinh tế tri thức, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần xây dựng thành công phong trào nông thôn mới và phát triển đô thị ở quê hương.

Phan Thanh Bình

Tác giả: Phan Thanh Bình

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây