Tháng 4/2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp. Ở nơi “tuyến đầu” khi phối hợp cùng với các lực lượng chuyên ngành tổ chức công tác phòng, chống dịch, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an là lực lượng có yếu tố phơi nhiễm cao. Trên mặt trận chống dịch, nhiều CBCS đã gác lại hạnh phúc riêng tư, hoãn đám cưới và xa gia đình nhiều ngày, nêu cao tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…
1.Tại Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài vào tháng 3, mật độ hành khách từ nhiều quốc gia trên thế giới nhập cảnh về nước mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 người. Các CBCS Công an cửa khẩu Nội Bài phải căng mình làm nhiệm vụ.
Vì là “tuyến đầu” nên chẳng thể tránh khỏi việc sẽ có những CBCS tiếp xúc với hành khách F0, vậy nên sau đó, dù số CBCS này có kết quả xét nghiệm vài lần âm tính nhưng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, người thân, tất cả đã tự cách ly tại đơn vị…
Đại úy Nguyễn Xuân Đức và đồng đội làm nhiệm vụ tại Công an cửa khẩu Nội Bài. |
Bàn tay đeo găng, khuôn mặt được che kín bởi khẩu trang y tế, Đại úy Nguyễn Xuân Đức, Đội kiểm soát xuất nhập cảnh 3 vừa hết ca trực, lúc này cũng khá muộn, anh tháo khẩu trang y tế, nhanh tay tẩy rửa sát khuẩn, nghỉ một chút, Đại úy Đức bấm máy gọi facetime liên lạc với mẹ để nắm tình hình hai con nhỏ ở quê.
Ở Công an Cửa khẩu Nội Bài, những người nhiều tháng liền tự cách ly tại đơn vị như Đại úy Nguyễn Xuân Đức khá nhiều, nhưng trường hợp của anh có lẽ vất vả hơn cả.
Vợ anh làm việc bên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, cũng đang tự cách ly. Chị đang ngày đêm cùng các y, bác sĩ điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19. Hai vợ chồng đều “tuyến đầu”, chính vì thế buộc phải gửi hai con nhỏ nhiều tháng qua cho ông bà ở quê chăm sóc.
“Hai vợ chồng mình hơn 1 tháng nay chưa gặp nhau. Cả hai cũng hơn 1 tháng nay chưa gặp được các con nhỏ. Nhiều lúc nhớ chúng quá, may có cái facetime gọi video. Thằng anh lúc đầu khóc đòi ba mẹ suốt, giờ đỡ hơn, mỗi lần nói chuyện chỉ bảo ba, mẹ sớm xong việc về với anh em con nhé. Còn thằng em, mới 3 tuổi nhưng mỗi lần nó bi bô gọi ba, mẹ thôi cũng khiến mọi người lại ứa nước mắt…” – Đại úy Nguyễn Xuân Đức chia sẻ.
2. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cách Hà Nội khoảng 25km. Đây là ổ dịch COVID-19 đầu tiên của cả nước khi có số lượng người nhiễm lên tới 6 người, có lây chéo sang F3. Trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn, từ ngày 13/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định khoanh vùng, cách ly xã Sơn Lôi.
Ngay lập tức, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận “lệnh” của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của UBND tỉnh trở thành lực lượng chính trong đảm bảo ANTT tại địa bàn xã Sơn Lôi. Gần 200 CBCS Công an tỉnh được huy động từ các đơn vị cùng phối hợp với Quân đội, y tế và chính quyền địa phương chốt chặt tại 12 điểm ra, vào của xã Sơn Lôi.
Thiếu úy Nguyễn Văn Sáng và CBCS Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) làm nhiệm vụ tại chốt cách ly chống dịch. |
Trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, hai cán bộ trẻ là Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn và Thiếu úy Nguyễn Văn Sáng của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Bình Xuyên đã có hành động rất đáng biểu dương khi hoãn đám cưới, tham gia phòng, chống dịch tại các chốt tâm dịch Sơn Lôi, cũng như tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà - nơi đặt Trung tâm điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 của tỉnh Vĩnh Phúc.
Sự triển khai nhập cuộc quyết liệt và hiệu quả của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Công an huyện Bình Xuyên và tinh thần nỗ lực cống hiến của hai cán bộ Công an Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Văn Sáng sau đó đã được đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen.
Hôm chúng tôi gặp Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn làm nhiệm vụ tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà cũng là ngày đúng ra lễ thành hôn của anh được tổ chức, nhưng khi nhận nhiệm vụ bảo vệ ANTT tại đây, anh đã gọi điện thoại xin phép bố mẹ hai bên cho phép hoãn cưới.
“Bố mẹ hai bên bất ngờ, nhất là khi lễ cưới đã được chuẩn bị, sắm sửa cả rồi. Ban đầu người yêu em còn giận dỗi vì chuyện em giấu không cho biết việc mình nhận nhiệm vụ tại Bình Xuyên. Gia đình khi hiểu ra đều động viên, chia sẻ, chính người yêu em ngày nào cũng gọi điện thăm hỏi, khích lệ em rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ…”, Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
3. Những ngày đầu tháng 3, cả nước bước vào giai đoạn 2 chống dịch khi địa bàn quận Ba Đình, TP Hà Nội ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 17 tại số 125 Trúc Bạch. Ngay trong đêm, TP Hà Nội ra quyết định lập khu cách ly Trúc Bạch gồm 189 người dân thuộc 66 hộ gia đình.
Tối 20/3, sau 14 ngày bị phong tỏa, đoạn phố Trúc Bạch đã được cơ quan chức năng gỡ bỏ lệnh cách ly, nhưng từ hôm đó đến khi chúng tôi có mặt ở đây, nhiều CBCS Công an phường Trúc Bạch vẫn chưa được về nhà, tự cách ly ở đơn vị.
Thượng úy Hoàng Quang Minh tranh thủ những phút nghỉ trưa ít ỏi trò chuyện với vợ con. |
Là một trong những CBCS làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT khu vực cách ly dân cư quanh số nhà 125 Trúc Bạch nửa tháng nay, Thượng úy Hoàng Quang Minh, Cảnh sát khu vực Công an phường Trúc Bạch còn có con nhỏ, vợ đang mang bầu nhưng anh cũng chỉ biết động viên vợ giữ gìn sức khỏe, chăm sóc các con thật tốt khi anh vắng nhà.
Cùng hoàn cảnh với đồng chí Minh, Trung úy Nguyễn Ngọc Thành cũng đành gửi vợ con sang nhà bố mẹ để ông bà chăm sóc vì vợ anh sắp sinh. Với các anh, địa bàn không thể một ngày vắng CBCS làm nhiệm vụ, chỉ cần lơ là có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội..
Điều dễ nhận thấy, trong đại dịch ở những nơi nguy hiểm, phức tạp nhất luôn có hình ảnh của các CBCS Công an, vì việc chung, nỗi niềm riêng phải gác lại.
Khi chia sẻ về chồng mình, những hậu phương vững chắc như chị Lê Thị Ngọc (vợ Đại úy Nguyễn Xuân Đức), chị Huỳnh Ngọc Hồng Khánh (vợ Thượng úy Hoàng Quang Minh) hay chị Lê Thị Thảo Hiền (vợ Trung úy Nguyễn Ngọc Thành), chị Khổng Thị Thúy Huyền (người yêu Thiếu úy Nguyễn Văn Sáng)…, đều khẳng định rất tự hào về các anh.
Theo các chị, những đóng góp của chồng và những người bạn đời tương lai chỉ rất nhỏ bé trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh khi cả đất nước đang căng mình chống dịch.
Nhưng chúng tôi hiểu, nhân dân cũng biết, đã có nhiều người gửi thư cảm ơn CBCS Công an đã giúp dân bất kể trong hoàn cảnh nào, bởi họ chính là điểm tựa, chỗ dựa vững chắc trong đảm bảo ANTT, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.
Tác giả: Minh Hiền - Xuân Trường
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn