Vẫn chất giọng sôi nổi, hào sảng, phong cách mà chúng tôi được biết từ ngày anh còn là người lính rồi là Đội trưởng Đội Trọng án, những câu chuyện giúp chúng tôi hiểu thêm về công việc gian nan nhưng vô cùng tự hào của những chiến sĩ Cảnh sát Hình sự.
1. 11h ngày 22-5-2017, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên nhận tin báo của Công an huyện Ân Thi, phát hiện tại khu vực sông Bắc Hưng Hải thuộc địa phận thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi có một xác chết (chưa rõ nhân thân, lai lịch, giới tính) đang trong giai đoạn phân hủy mạnh.
Qua các đặc điểm còn sót lại và những dấu vết bất thường, cơ quan CSĐT nghi ngờ thi thể đó của một người tên là Thao. Nhưng khi tổ công tác đến nơi ở của Thao thì ngay cha đẻ của anh ta là Nguyễn Văn Thảo cũng không xác định được tử thi đó có phải là Thao hay không. Việc xác định nhân thân bị hại đã khó, quá trình dựng chân dung đối tượng lại càng gian nan khi mọi dấu vết của vụ án tại hiện trường đã bị cơn mưa lớn trong đêm tẩy xoá.
Phòng Cảnh sát Hình sự đã tung hết lực lượng, chạy đua với thời gian vì chậm một ngày, kẻ thủ ác có thể bỏ trốn, tìm cách hợp lý hóa lời khai rồi còn đó là muôn vàn những khó khăn khác. Cả một khúc sông dài với bán kính 10km được đơn vị tiến hành “lật tung” để tìm ra những manh mối phá án. Sáng hôm sau (ngày 23-5), dấu vết được coi là chìa khoá để phá vụ án, tìm ra hung thủ được phát hiện, đó là một vết cỏ trượt dài ở bờ sông, trên đất và lá cỏ cho vết nghi là máu.
Từ đó, chân dung đối tượng được dựng lên, đó là Phan Văn Tuấn (SN 1984, trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Là một kẻ nghiện ngập, từng vào tù ra tội, Tuấn tỏ ra ngoan cố và phủ nhận không hề quen biết Thao. Nhưng khi đưa Tuấn trở lại hiện trường, bằng các biện pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu tranh với các tên tội phạm cộm cán, các điều tra viên đã buộc đối tượng phải cúi đầu nhận tội.
Một kỷ niệm khó quên mà Đại tá Đào Trọng Bằng kể cho chúng tôi nghe về một vụ án hết sức thương tâm khiến 2 người tử vong và một hài nhi chưa kịp chào đời. Ngày đó, sau khi tưới xăng đốt nhà bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1970, Mỹ Hào, Hưng Yên), dùng dao đâm 2 con gái bà Hồng là Đinh Lam Giang (SN 2002) và Đinh Hồng Anh (SN 1990, đang có thai 8 tháng); Nguyễn Văn Dũng (SN 1970, ở Yên Mỹ, Hưng Yên) bỏ trốn.
Đại tá Đào Trọng Bằng họp chỉ đạo điều tra trọng án. |
Ngay sau đó, Nguyễn Văn Dũng bị phát lệnh truy nã toàn quốc. Từ đây là chuỗi 10 ngày rong ruổi hàng nghìn ki-lô-mét từ Bắc chí Nam của các tổ công tác để truy bắt Nguyễn Văn Dũng. Các trinh sát theo dấu Dũng đến nhà người quen ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi trinh sát đến nơi, đối tượng đã “cao chạy xa bay”.
4 ngày sau khi vụ án xảy ra, theo dấu kẻ sát nhân, các trinh sát phát hiện Dũng đang lẩn trốn ở nhà một người quen tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. “Vốn từng là lái xe đường dài nên Dũng khá thông thạo địa hình, đường đi. Chúng tôi lên đường vào Nam nhưng không loại trừ khả năng hắn có thể tiếp tục di chuyển”, một cán bộ điều tra chia sẻ.
Tới nhà người quen của Dũng tại tỉnh Đồng Nai, các trinh sát được biết, nghi phạm đã nói dối người nhà để được tá túc trong một lán tại vườn trồng cao su ở ấp Suối Lức, xã Xuân Đông. Vườn trồng cao su nằm giữa rừng vắng, sự có mặt của người lạ sẽ dễ bị phát hiện. Những luống cao su thẳng tắp, yên tĩnh nên từ trong chòi có thể dễ dàng quan sát mọi động tĩnh ở bên ngoài, đặc biệt là sự xuất hiện của người lạ.
Do vậy, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo phòng, tổ công tác quyết định đợi đến khi trời tối mới áp sát để nắm di biến động. 9h sáng 29-5-2015, các trinh sát đi trên 7 xe gắn máy bất ngờ ập vào khu lán trong rừng cao su, khi Dũng đang nằm nghỉ. Không kịp trở tay, Dũng đành ngoan ngoãn đưa tay vào còng. Ngay sau đó, đối tượng bị dẫn giải về TP Hồ Chí Minh, để di lý ra Bắc bằng đường hàng không.
Để tránh việc Dũng gây rối, hô hét... làm hành khách hoảng sợ, các trinh sát đã khóa tay và dành thời gian để trấn an tư tưởng đối tượng. Lo lắng, căng thẳng tăng thêm cho các cán bộ tham gia dẫn giải khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài thì phi hành đoàn nhận lệnh của đài kiểm soát không lưu yêu cầu chuyển hướng do Hà Nội đang có mưa giông, sấm sét. Đến 1h30, ngày 31-5, máy bay mới hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài.
2. Bên cạnh những vụ án xảy ra bởi những tên giang hồ cộm cán, những kẻ nghiện ngập coi thường pháp luật thì có không ít những vụ án đau lòng xảy ra tại các làng quê, từ chính những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình hàng ngày, đó cũng là điều khiến Đại tá Đào Trọng Bằng và đồng đội luôn đau đáu để tìm ra các giải pháp làm giảm bớt các vụ án mạng không đáng có. Mỗi vụ án đã từng điều tra, Đại tá Đào Trọng Bằng nhớ từng chi tiết...
Thương vợ là chị Lương Thị Phương Ly (SN 1986, trú tại xã Đào Dương một mình bươn chải kiếm sống bằng cách bán hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), Nguyễn Văn Ban (SN 1986, trú tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), khi đó đang là công nhân Công ty Musashi ở Khu công nghiệp Thăng Long 2, thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ đã bỏ việc làm ở công ty, lên chợ Long Biên bán hàng phụ vợ.
Đến tháng 6-2016, mùa quả vải chín rộ, chị Ly thường xuyên thuê một người tên là Mạnh chở hai vợ chồng đi thu mua quả vải ở nhiều địa điểm khác nhau tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để mang về Hà Nội bán lại. Trên đường trở về Hà Nội, trong lúc ngủ gật, chị Ly lại ngả đầu vào vai anh Mạnh, khiến cho Ban bực tức trong lòng.
Những mâu thuẫn không được giải quyết, mối nghi ngờ không được giải tỏa, khoảng đầu tháng 7, khi nhận được tin vợ đang mang thai được 4 tuần, Ban nghĩ ngay đến việc vợ mang thai với anh Mạnh nên bắt chị Ly đi phá thai. Khoảng 8h, ngày 17-7-2016, chị Ly từ Hà Nội về đến nhà bố chồng (bố đẻ Ban) ở cùng xã Đào Dương để thăm con trai thứ 2 bị ốm, Ban hỏi vợ: “Em có ngoại tình không?”. Không ngờ chị Ly trả lời một câu khiến Ban vô cùng tức giận: “Đố anh biết, em đi ngoại tình với ai”. Đây cũng chính là câu nói khiến mâu thuẫn vợ chồng Ban lên đỉnh điểm, dẫn đến việc Ban đâm vợ đang mang thai tử vong.
3. Để chứng minh một vụ án, đưa sự thật ra ánh sáng đòi hỏi mỗi cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hưng Yên phải tỉ mỉ, đi đến cùng của sự thật. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã xác lập 43 chuyên án; thụ lý điều tra khám phá thành công 133 vụ án các loại, khởi tố 84 vụ, với 251 bị can, trong đó riêng án đặc biệt nghiêm trọng đã khởi tố 25 vụ, với 25 bị can; bắt và vận động 45 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Công tác điều tra khám phá các vụ án chưa rõ thủ phạm và các vụ trọng án luôn đạt tỷ lệ cao.
Với những chiến công đã đạt được, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen. Năm 2016, đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Tác giả: Xuân Mai - Vũ Linh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn