Mỗi người, ở cương vị của mình trong giai đoạn ấy, đều đã tận hiến để mang lại cho tờ báo sức sống mạnh mẽ và tươi đẹp như hôm nay. Và trong chương trình nghệ thuật “Giữ trọn lời thề” do Báo CAND tổ chức vào tối 24-11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Báo sẽ tri ân những vị “thuyền trưởng” này.
Đầu năm 1982, Báo CAND có TBT đầu tiên là nhà báo Trần Liêu - một người luôn nhận được sự kính trọng của “lính” mỗi khi nhắc đến ông. Chục năm trước, tôi mới được tiếp xúc với ông, để hiểu sự yêu kính dành cho ông hoàn toàn có lý. Trong câu chuyện, ông không nói về mình, chỉ nhắc đến các cộng sự đã cùng ông sát cánh trong những tháng ngày ấy một cách tự hào.
TBT Trần Liêu. |
Ông bảo, ông làm TBT Báo giai đoạn 1982-1987, Báo phát hành nội bộ, nhưng vẫn đặt ra yêu cầu khá cao là phải chất lượng, phản ánh đúng đường lối của lực lượng Công an, đảm bảo bí mật quốc gia, đồng thời phải hấp dẫn.
Từ những năm gian khó ấy, người TBT đầu tiên của tờ báo đã hiểu rằng, thách thức lớn nhất với mỗi người làm báo trong lực lượng Công an không phải là sự vất vả, thiếu thốn, mà là làm sao để giữ vững bản lĩnh của cây bút ở một tờ báo thuộc ngành đảm trách an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhưng đó cũng là điều ông đầy tự hào khi khó khăn luôn rất nhiều, nhưng các phóng viên của ông đã không ai gục ngã trước cám dỗ, trái lại, hầu hết đều khẳng định mình.
Và ông có quyền tự hào khi những lính trẻ ngày ấy đã trưởng thành như Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Thiếu tướng Phạm Văn Miên - 2 TBT kế tiếp của Báo CAND. Những “quả ngọt” này có công “chăm bón” của ông.
Trong tâm trí những nhà báo từng làm việc cùng ông, ông cũng là một tấm gương hết mình vì công việc, sống giản dị, trong sạch, tôn trọng mọi người và chung vai gánh vác mọi khó khăn với anh em. Đó là động lực để tập thể ấy đoàn kết và yêu thương nhau. Ông cũng luôn nhắc các đồng nghiệp trẻ của ông phải luôn nhớ mình là phóng viên của tờ báo là tiếng nói của lực lượng Công an, để tự hào nhưng cũng để ý thức hơn về danh hiệu cao quý ấy.
Tôi còn nhớ lần trò chuyện cùng ông ngày ấy, ông “rút ruột tằm” sau chặng đường dài gắn bó với nghiệp báo: Làm báo là phải phản ánh trung thực, dũng cảm trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng và luôn tự học để nâng cao trình độ.
Năm 1988, Báo CAND tiếp tục có TBT thứ 2 là đồng chí Chu Phùng sau khi đồng chí Trần Liêu chuyển công tác. Bước chuyển mạnh mẽ của Báo “thời bác Chu Phùng” chính là Báo CAND từ phát hành nội bộ ra công khai, đánh dấu mốc trên chặng đường phát triển của tờ báo.
Với bộ máy và cơ chế mới, người đứng đầu tờ báo giai đoạn này đã tạo nên những bước đi đột phá cho báo khi tạo sự thay đổi “lột xác” cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, Báo còn tổ chức được nhiều hội thảo gây tiếng vang trong dự luận như Hội thảo báo chí trong cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình.
Năm 1995, đồng chí Ngôn Vĩnh trở thành TBT kế nhiệm và cũng tiếp tục mở ra những bước thay đổi đáng kể, hội nhập vào cơ chế thị trường vốn còn xa lạ với nền kinh tế. Ngay trong năm 1995, Báo có thêm số Chủ nhật và tăng từ 8 lên 12 trang khổ lớn.
TBT Ngôn Vĩnh. |
Đặc biệt, Báo đã được “vi tính hóa” và trang bị máy photocoppy - một bước đi quan trọng trong công tác xuất bản báo. Không chỉ hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác xuất bản báo, thời điểm này, TBT Ngôn Vĩnh cũng chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ.
Mạnh dạn bước đi trong cơ chế mới, TBT Ngôn Vĩnh đã mạnh dạn cho phép tuyển dụng hàng chục nhân viên hợp đồng để phục vụ việc nâng cao chất lượng tờ báo. Cùng với chất lượng, trong sự đón nhận của bạn đọc, Báo tiếp tục được tăng số, tăng kỳ, lên 5 số/tuần với số lượng phát hành có lúc đạt 100.000 bản/kỳ. Một dấu ấn mà trong vai trò TBT, đồng chí Ngôn Vĩnh đã làm được là cải tiến việc chuyển thông tin in bằng mạng, thay cho chuyển phim bằng máy bay, vừa nhanh, vừa tiện, lại tiết kiệm.
Với phương thức truyền tin mới, việc cung cấp thông tin cho bạn đọc cũng nhanh hơn. Báo càng tăng về chất lượng, càng thúc đẩy số lượng. Nhờ đó, đời sống của CBCNV trong tòa soạn từng bước được nâng cao.
Là người quan tâm đến hoạt động thi đua, TBT Ngôn Vĩnh đã chủ trương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống CAND, thu hút hàng vạn người dự thi, tạo cơ hội cho công chúng hiểu thêm về lực lượng Công an - một hoạt động rất đúng với vai trò truyền thông của báo.
Đặc biệt, đây cũng là giai đoạn Báo CAND quan tâm đến hoạt động từ thiện với việc giúp đỡ những người có thành tích, dũng cảm chống tội phạm; xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Để gây quỹ, Báo đã sáng kiến tổ chức nhiều phòng tranh và các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Kết quả của những năm tháng này đã đặt nền móng để Báo CAND trở thành tờ báo có truyền thống làm tốt công tác xã hội từ thiện.
Năm 2003, Báo Văn hóa Văn nghệ Công an, Báo An ninh thế giới sáp nhập vào Báo CAND. Người giữ vai trò “thuyền trưởng” trên “con tàu” chung mang tên báo CAND lúc này là nhà văn Hữu Ước. Với những kết quả đã được khẳng định từ tờ ANTG và Văn hóa – Văn nghệ Công an, TBT Hữu Ước tiếp tục đưa Báo CAND vào một thời kỳ hưng thịnh.
TBT Hữu Ước. |
Là một người có tư duy báo chí sáng tạo, TBT Hữu Ước đã “chỉ huy” triển khai hàng loạt biện pháp để cải tiến tờ báo cả về nội dung lẫn hình thức. Cùng với ấn phẩm chính, các ấn phẩm chuyên đề cũng được thay đổi theo hướng cập nhật, gần gũi với bạn đọc hơn.
Được bạn đọc đón nhận, tất cả các ấn phẩm của báo đều tăng kỳ: Báo CAND và các chuyên đề Văn nghệ Công an, An ninh thế giới. Khi các ấn phẩm tiếp tục khẳng định vị trí trên thị trường báo chí, năm 2009, Báo CAND cho ra mắt chuyên đề Cảnh sát toàn cầu và cũng nhanh chóng tăng kỳ. Năm 2004, báo Candonline ra mắt, chính thức gia nhập làng báo điện tử, thêm một kênh thông tin của báo CAND trong thị trường báo chí.
Với vai trò “tổng chỉ huy”, TBT Hữu Ước đã tạo dựng được một hiện tượng hiếm hoi trong làng báo cả nước: Báo CAND là đơn vị có nhiều ấn phẩm nhất, đặc biệt, mỗi ấn phẩm đều có thương hiệu riêng với dấu ấn riêng, có thể tồn tại như một đơn vị báo chí độc lập.
Đây cũng là giai đoạn Báo CAND tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn như chương trình ca nhạc tổ chức tại Quảng trường Ba Đình kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo cũng tổ chức liên tiếp 3 kỳ “Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ CAND”, thu hút số đoàn tương đương với các Liên hoan sân khấu toàn quốc của Bộ VH-TT&DL; phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức nhiều trại sáng tác cho các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc. Kế tiếp truyền thống, những năm qua, Báo CAND tiếp tục là một trong các tờ báo luôn quan tâm đến hoạt động từ thiện với những dấu ấn được cộng đồng ghi nhận.
Mỗi người một vẻ, một tư duy và một cách làm việc khác nhau, nhưng các “thuyền trưởng” của Báo CAND đều có điểm chung đáng trân quý là luôn cống hiến hết mình cho sự phát triển của tờ báo.
Tác giả: Thanh Hằng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn