Tham dự hội nghị, ngoài Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 03 tỉnh Hậu Giang, còn có các đồng chí là lãnh đạo Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 03 các tỉnh Cụm sông Hậu, như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang cùng tham gia tham luận, báo cáo tình hình, trao đổi, chia sẻ những thế mạnh, mô hình hay trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, hội nghị còn bàn bạc, tìm giải pháp để giải quyết những khó khăn, hạn chế...
Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/2010/NQLT giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, các tỉnh, thành Cụm Nam sông Hậu đã tiến hành triển khai 2 mô hình: “Khu dân cư tự quản về phòng, chống ma túy” và mô hình “4+1”, nhằm nâng cao sự huy động tích cực, của người dân trong công tác tự quản, tự phòng, tự chống với ma túy; đồng thời xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các hộ gia đình để phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tại Hội nghị, Đại tá Trần Văn Minh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh, chất ma túy được sử dụng ở 3 loại: Heroin, ma túy tổng hợp và cần sa. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã bắt, khởi tố 28 vụ mua bán, vận chuyển ma túy, với 39 đối tượng; xử lí hành chính 13 vụ sử dụng trái phép chất ma túy và 3 vụ trồng cây cần sa. Hiện, toàn tỉnh có 9 địa bàn trọng điểm về ma túy, 59 địa bàn có người nghiện ma túy và 8 địa bàn không có ma túy. Số người nghiện có hồ sơ là 553 người...
Tham luận tại hội nghị, đại biểu Lê Minh An, cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh An Giang khẳng định: “Số người nghiện cao là “nguồn” phát sinh các loại tội phạm khác và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ban Chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 03 tỉnh An Giang đã triển khai trên 4.600 cuộc tuyên truyền với khoảng 300.000 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia.
Đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng nêu lên khó khăn trong công tác phòng chống ma túy: So với toàn quốc, Sóc trăng không phải là địa bàn trọng điểm về ma túy nhưng tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Số đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng.
Mặc dù công tác cai nghiện đã được triển khai quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì thế, vấn đề tăng cường đầu tư kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền và duy trì hoạt động cho các mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy cần được quan tâm, chỉ đạo.
Còn Đại tá Phan Hoàng Lắm, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, nhận định: “Bên cạnh những mặt đạt được, công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy cũng gặp không ít khó khăn và hạn chế như: Chưa thường xuyên, mãnh mẽ, chưa đến được vùng sâu, vùng xa và ít đến với các đối tượng cần tuyên truyền, vận động, giáo dục”…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch 03 trong giai đoạn mới và tiếp tục phát huy vai trò của các mô hình khu dân cư tự quản về phòng chống ma túy.
Các địa phương cần: Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình khu dân cư tự quản về phòng chống ma túy; Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 03 một cách có hiệu quả nhất đến các địa bàn quận, huyện; tuyên truyền về tác hại của ma túy tổng hợp, ma túy đá, một số loại ma túy khác đến các đối tượng là thanh niên, sinh viên, công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn; lực lượng Công an cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma túy, tập trung mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp. Ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy.
Tác giả: Trần Lĩnh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn