Tính ứng dụng cao từ một đề tài nghiên cứu khoa học

Thứ hai - 04/06/2018 07:55
Đề tài khoa học “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhân dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại” đã được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng có hiệu quả vào thành công trong phòng ngừa, đấu tranh, truy bắt tội phạm.


Những vụ trọng án gây rúng động một thời ở vùng Mỏ tưởng rằng phải xếp lại hồ sơ, nhưng nhờ hiệu quả thực tiễn của một đề tài nghiên cứu khoa học đã đưa những hung thủ giấu mặt này ra ánh sáng.

Xuất phát từ lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 90% các vụ án hình sự chưa rõ chân dung đối tượng nhưng nhân chứng, người bị hại có thể nhận ra được đối tượng gây án nếu cho nhận diện.

Đề tài khoa học “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhân dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại” đã được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng có hiệu quả vào thành công trong phòng ngừa, đấu tranh, truy bắt tội phạm.

Đi tìm tội phạm giấu mặt

Từ cuối năm 2005, đầu năm 2006, hàng loạt vụ trọng án xảy ra rải rác tại nhiều địa bàn Quảng Ninh như vụ giết, hiếp thiếu nữ 17 tuổi tại khu vực đồi Thanh Vắng, thôn Chân Hồ, xã An Sinh, huyện Đông Triều; liên tiếp các vụ án giết người lái xe ôm cướp tài sản tại TP Uông Bí, vụ giết người phụ nữ độc thân Nguyễn Thị Đào cướp tài sản xảy ra tại phường Ninh Dương, thị xã Móng Cái…

Tính ứng dụng cao từ một đề tài nghiên cứu khoa học
Nhóm nghiên cứu đề tài trình bày tại Hội thảo khoa học.

Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo huy động tất cả lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm nhanh chóng điều tra, truy tìm hung thủ gây án, song tất cả đều đi vào bế tắc.

Là chủ nhiệm đề tài khoa học, Trung tá Hoàng Văn Định, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Hơn 13 năm công tác tại Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, chưa một năm nào có nhiều vụ án xảy ra mà không tìm được thủ phạm như thế.

Thời điểm đó, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong lực lượng CAND còn thiếu thốn, các vụ án xảy ra đều khó truy nguyên vật chứng, nạn nhân và người làm chứng có thể mô tả lại đối tượng gây án, song không có một công cụ nào xây dựng được chân dung tội phạm, gây khó khăn và áp lực cho cơ quan điều tra”.

Luôn đau đáu ấp ủ ý tưởng làm sao để điều tra, phá án một cách nhanh nhất, truy bắt được chính xác đối tượng gây án, thời điểm đó, Trung tá Hoàng Văn Định, đang là Đội phó Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự đưa ra nhiều sáng kiến như thuê “họa sỹ truyền thần” vẽ theo mô tả, thuê thợ ảnh giỏi để cắt ghép ảnh đối tượng qua lời kể của người bị hại, người làm chứng. Tất cả các phương pháp đều mất nhiều thời gian nhưng không tìm thấy kết quả.

Không bỏ cuộc, sau nhiều đêm suy nghĩ, Trung tá Hoàng Văn Định nảy sinh ý tưởng cần có một “ngân hàng dữ liệu về đặc điểm khuôn mặt người để dựng chân dung đối tượng gây án”.

Đam mê nghiên cứu khoa học, đồng chí đã đi đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước, gặp gỡ nhiều chuyên gia giỏi để học tập, tìm hiểu. Đã có lúc ý tưởng ấy tưởng chừng như bị dập tắt bởi gặp phải sự phản đối của nhiều người cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh phòng chống tội phạm thời điểm ấy không thể triển khai.

Khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần vẫn không làm chùn bước người cán bộ trẻ. Anh tin tưởng rằng: “Ở Mỹ, ở Đức đã áp dụng thành công những thành tựu nghiên cứu khoa học vào việc dựng chân dung đối tượng thì ở Việt Nam cũng sẽ làm được”.

Từ năm 1999 đến nay, cả nước đã có ít nhất 3 đề tài nghiên cứu về vấn đề dựng mô hình đối tượng gây án. Tuy nhiên, tất cả các công trình trước đó đều đầy đủ về lý luận nhưng chưa xây dựng được công cụ hữu hiệu để dựng mô hình đối tượng gây án. Để thực hiện được yêu cầu phải có kỹ thuật xử lý ảnh tiên tiến, kỹ thuật quản trị hệ thống, kỹ thuật phân tích thiết kế hệ thống và kỹ thuật thiết kế cơ sở dữ liệu tối ưu.

Đầu năm 2012, Trung tá Hoàng Văn Định và Trung tá Vũ Đức Nghĩa, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ II cùng 7 cộng sự đã báo cáo đồng chí Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Ngọc Hoạch – bấy giờ là Phó Giám đốc và được chấp thuận cho đăng kí đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Thiếu tá Hoàng Văn Định, lúc đó là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Hạ Long làm chủ nhiệm đề tài.

Đến ngày 30/6/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 1845/QĐ-UBND chính thức cho phép thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài: “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhân dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại”.

Khổ luyện mới thành công

Trong nhiều năm vừa công tác, vừa nghiên cứu khoa học, mỗi lần gặp khó khăn, vướng mắc về kiến thức, đồng chí Hoàng Văn Định cùng các cộng sự đã được sự ủng hộ, hướng dẫn nhiệt tình, trực tiếp của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Giám đốc Học viện ANND; Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND; Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Văn Cảnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện CSND; TS Bùi Lai An, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thiều Dương, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành trong cả nước.

Đó là nguồn động lực to lớn để nhóm nghiên cứu tích cực tìm hiểu, phát huy hết khả năng, trình độ chuyên môn của mỗi cá nhân, góp phần thành công cho kết quả nghiên cứu đề tài.

Việc xây dựng một phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng gây án đòi hỏi phải sử dụng nhiều kiến thức như tin học, kỹ thuật hình sự chuyên sâu về ảnh, kiến thức nhân chủng học (đặc điểm khuôn mặt người), thuật toán, hệ số phức tạp toán học, hệ số máy chụp, góc chụp, khoảng cách chụp…v.v.

Ở một số nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Nga, vấn đề dựng lại ảnh qua mô tả đã được nghiên cứu sâu, tuy nhiên các thuật toán sử dụng đều là bí mật quốc gia, không chuyển giao cho nước ngoài, riêng kết quả nghiên cứu của Đức có tính thương mại song giá thành rất cao, không phù hợp với Việt Nam vì cơ sở dữ liệu lấy từ khuôn mặt người châu Âu.

Là người bám sát nhóm nghiên cứu từ khi hình thành ý tưởng, quá trình thực hiện đề tài, Tiến sỹ Bùi Lai An đánh giá cao sự mạnh dạn, quyết tâm sáng tạo của nhóm nghiên cứu khi lựa chọn đề tài, có thể xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm máy tính và nhân rộng, đáp ứng thực tiễn, rút ngắn thời gian dựng chân dung đối tượng gây án, đạt độ chính xác 90% ảnh đối tượng.

Để xây dựng được ngân hàng dữ liệu về đặc điểm nhận dạng con người Việt Nam, hơn 10 năm nghiên cứu, nhóm tác giả đề tài đã đi khắp các tỉnh thành trong cả nước thu thập ảnh chân dung người Việt Nam từ kho tàng thư căn cước, căn phạm, từ các hiệu ảnh trên toàn quốc, sau đó lọc khoảng 14 nghìn ảnh, bóc tách khoảng 98 nghìn chi tiết bộ phận trên khuôn mặt như tai, mũi, mắt, lông mày, miệng… tạo 1000 mặt nạ và các phụ kiện đặc điểm khác như bớt, sẹo, nốt ruồi, khuyên tai, vòng cổ…

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả đã ứng dụng phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng gây án vào giải quyết một số vụ án cụ thể và đã đạt được kết quả.

Vụ án cướp tiền công đức xảy ra tại chùa Lôi Âm Thượng, phường Đại Yên, TP Hạ Long ngày 19/7/2013 tưởng như đi vào bế tắc vì các đối tượng không để lại bất kì dấu vết vật chứng nào. Tuy nhiên, chỉ sau 4 giờ cho các bị hại và người làm chứng mô tả các đặc điểm của hai đối tượng và họ khẳng định nếu được gặp lại hoặc nhìn qua ảnh chắc chắn sẽ nhận ra.

Căn cứ vào lời mô tả của bị hại, với cơ sở dữ liệu đã xây dựng được, các điều tra viên đã dựng lên chân dung hai đối tượng nam gây án đó là Cao Thế Thuận, 33 tuổi, trú tại huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và Vũ Văn Việt, 24 tuổi, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Sau này, khi bị bắt, hai đối tượng khai nhận do hết tiền tiêu sài, khoảng 17h30’ ngày 19/7/2013, Thuận và Việt đã rủ nhau vào chùa Lôi Âm Thượng để cướp tài sản. Sau khi dùng dao bầu, gậy sắt tấn công, uy hiếp hai người phục vụ tại chùa và người lái đò, hai đối tượng đã phá hòm công đức, cướp đi 3.500.000 đồng và 1 chiếc điện thoại.

Tính ứng dụng cao từ một đề tài nghiên cứu khoa học - Ảnh minh hoạ 2
Ảnh dựng và ảnh sau khi bắt của hai đối tượng Vũ Văn Việt và Cao Thế Thuận.

Sau hơn 1 năm dựng ảnh và truy bắt thành công hai đối tượng Thuận, Việt, nhóm đề tài tiếp tục ứng dụng phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng vụ án giết người xảy ra trên địa bàn phường Cao Xanh, TP Hạ Long ngày 16/12/2014.

Do mâu thuẫn cá nhân, anh Vũ Tiến Dũng, 25 tuổi, trú tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình và Trịnh Việt Anh, 32 tuổi, trú tại huyện An Lão, TP Hải Phòng đã bị một thanh niên dùng dao đâm khiến anh Dũng tử vong tại chỗ, Việt Anh trọng thương.

Ngay sau khi đưa Việt Anh cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các điều tra viên đã dựng ảnh chân dung đối tượng theo lời mô tả của nạn nhân. Với cơ sở dữ liệu đã xây dựng, trong 2 giờ, Việt Anh lần lượt chọn được từng đặc điểm nhận dạng cho là giống nhất. Trên cơ sở đó, các điều tra viên đã dựng lên chân dung đối tượng và truy bắt thành công đối với Nguyễn Quang Nam, SN 1991, trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Với tính ứng dụng cao trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đề tài “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhận dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại” đã đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2017 và giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14.

Sau khi nghiệm thu đề tài, nhóm tác giả đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh mở lớp tập huấn sử dụng phần mềm dựng ảnh chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng, người bị hại cho 24 phòng nghiệp vụ và Công an các đơn vị, địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng gây án, góp phần thành công vào sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đây cũng chính là thành tích quan trọng của Công an tỉnh Quảng Ninh nói chung, ngành nghiên cứu đề tài khoa học nói riêng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có sáu điều dạy CAND (11/3/1948-11/3/2018) và 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).

Hải Yến

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây