Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đề ra mục tiêu: Đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng,nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Thực hiện thí điểmmột số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phầnlàm rõ về lý luận và thực tiễn...
Bộ máy tổ chức mới được bố trí lại theo hướng tăng cường cho cơ sở, gắn bó với nhân dân. |
Tới nay, sau 2 năm triển khai Nghị quyết, nhiều bộ, ngành và địa phương đã thực hiện tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy. Các đầu mối tương đồng, chồng chéo, trùng dẫm về chức năng, nhiệm vụ được hợp nhất, sắp xếp lại.
Mới đây, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và HĐND cấp tỉnh đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Có thể thấy, mặc dù việc hợp nhất, tinh gọn đã được triển khai rộng trên nhiều lĩnh vực, địa bàn song chưa có bộ, ngành nào thực hiện được một cách quyết liệt, mạnh mẽ như Bộ Công an.
Để triển khai hiệu quả việc hợp nhất, tinh gọn bộ máy, ngay từ đầu, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết số 22-NQ/TW để các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ chiến sĩ nắm rõ; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, tổ chức, bộ máy của CAND từ khi thành lập đến nay là quá trình phát triển có tính lịch sử và đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn cách mạng. Sau mỗi lần cải cách, kiện toàn, bộ máy được hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND và sự phát triển của đất nước.
Quá trình triển khai Đề án đã bám sát và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng lực lượng CAND; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, cấp ủy các địa phương; đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn lực lượng CAND, nhất là các thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lão thành; có sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành liên quan.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an gắn với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy; kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương, có cơ cấu, số lượng hợp lý; thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy để lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các mặt công tác Công an.
Việc tinh gọn bộ máy đụng chạm đến tổ chức, đến con người. Đến nay, qua một năm rưỡi triển khai đã chứng tỏ rằng, việc thực hiện Đề án là phù hợp các chủ trương, nghị quyết về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành. Theo đánh giá của Bộ Công an, tinh gọn bộ máy không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của CAND mà tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí Công an xã chính quy.
Từ đó lực lượng Công an gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; khắc phục được sự chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu.
Về những khó khăn như: phát sinh những bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý; khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy; việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ... đã được Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao.
Tại phiên họp Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, lực lượng CAND thực hiện mô hình tổ chức mới đã mang lại hiệu quả các mặt công tác công an, chất lượng công tác được nâng lên rõ rệt, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, đã nắm bắt vấn đề kỹ hơn, sâu hơn, toàn diện hơn, chỉ đạo nhanh hơn, kịp thời hơn...
Đánh giá hiệu quả công tác với mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, lực lượng CAND thể hiện vai trò rất quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đã có những đóng góp rất to lớn.
Kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại và bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. An ninh quốc gia tiếp tục được giữ vững, các mặt công tác được triển khai thực hiện quyết liệt, đạt và vượt các mục tiêu, yêu cầu đề ra...
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cách tổ chức Công an phải đơn giản, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mạng. Phải hoan nghênh nhân dân phê bình Công an, để đi đến hiểu Công an, yêu Công an và giúp đỡ Công an” (Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Công an toàn quốc năm 1950).
Qua mỗi giai đoạn cách mạng, tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong CAND có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp tình hình và yêu cầu đặt ra, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, tập trung ưu tiên cho các lực lượng, đơn vị trực tiếp chiến đấu...
Tác giả: Đ.Minh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn