Cách đây tròn 10 năm, ngày 18-9-2008, xuất phát từ thực tế và vai trò quan trọng của công tác bồi dưỡng huấn luyện, Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (BDNV) thuộc Cục Ngoại tuyến (NT).
10 năm, một khoảng thời gian chưa dài nhưng cán bộ Trung tâm BDNV đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tiêu chuẩn chức danh cho cán bộ NT toàn quốc; của nước bạn Lào và các cán bộ, chiến sỹ các đơn vị; đào tạo ra những trinh sát có năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công của những vụ án, chuyên án lớn trên toàn quốc.
Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Đại tá Lê Hữu Vinh, Giám đốc Trung tâm BDNV, Cục NT không khỏi bồi hồi. Ngày đó, cơ sở vật chất của đơn vị chỉ vỏn vẹn có một căn phòng cấp bốn, nằm lọt thỏm trong trụ sở của một đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh; đội ngũ cán bộ được đưa từ các nơi về chưa có kinh nghiệm và cũng chưa qua đào tạo một lớp sư phạm nào. Trong khi đó, NT lại là một lĩnh vực riêng biệt, không giống với bất cứ một ngành nghề nào.
Công tác trinh sát ngoại tuyến (TSNT) đòi hỏi phải tự sơ kết, tổng kết thực hiện, qua đó hình thành, bổ sung và củng cố lý luận nghiệp vụ... Phải làm gì để tạo ra những “sản phẩm” tốt, đó là tâm huyết các cán bộ trung tâm, trong đó có Đại tá Lê Hữu Vinh.
Một buổi luyện tập của cán bô, chiến sĩ Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ - Cục Ngoại tuyến. |
“Vạn sự khởi đầu nan”, mọi việc lúc đầu không dễ dàng. Nhưng với sự tâm huyết, trách nhiệm và đồng lòng của các cán bộ Trung tâm BDNV, sau 10 năm, những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện của đơn vị thật đáng ghi nhận. Trung tâm luôn chủ động tham mưu, giúp lãnh đạo Cục đăng ký và tổ chức mở các lớp theo chỉ tiêu được duyệt. Qua đó đã góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tiêu chuẩn chức danh cho cán bộ ngoại tuyến toàn quốc, ngoại tuyến Lào...
Theo Đại tá Lê Hữu Vinh, một trong những bí quyết góp phần làm nên thành công của đơn vị, đó là việc khơi dậy tình yêu ngành, yêu nghề trong các học viên. Từ đó “thổi” cho họ niềm đam mê để gắn bó lâu dài với nghề NT...
Một ngày có mặt tại Trung tâm BDNV, Cục NT, chúng tôi phần nào hiểu được áp lực công việc, đòi hỏi của một khóa đào tạo ở nơi đây.
Từ 5h sáng, khu trung tâm đã vang lên tiếng luyện tập. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập”, các cán bộ rèn luyện trên thao trường, có những nội dung tập trong vài ngày, song có những nội dung phải vài tháng mới thuần thục. Tận mắt chứng kiến một buổi tập của các học viên Trung tâm BDVN, Cục NT, chứng kiến những giọt mồ hồi trên tấm lưng trần người của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của họ. Có những hòn đá nặng 2-3 người khiêng được đặt lên bụng nhưng chỉ trong tích tắc đã bị đập vỡ...
Rồi kế đó là những bài tập liên quan đến nghiệp vụ của TSNT như đối mặt với tội phạm có vũ khí, bắt giữ đối tượng liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia như đối tượng cơ hội chính trị, khủng bố; đối tượng trong hoạt động trong lĩnh vực kinh tế như, ma túy... Tâm sự với tôi, một cán bộ của Trung tâm cho biết: Những năm trở lại đây, ngoài đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia, lực lượng TSNT còn tham gia đấu tranh với các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực kinh tế, ma túy và tội phạm công nghệ cao nên các chương trình đào tạo đòi hỏi công phu hơn.
Trong 10 năm, Trung tâm BDNV đã tổ chức 77 lớp với hơn 3.000 lượt học viên tham gia. Các học viên được học nhiều kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ đặt ra, yêu cầu phẩm chất năng lực của cán bộ NT và kết quả khảo sát nhu cầu về nghiệp vụ, kỹ thuật nghiệp vụ, quân sự võ thuật... của các đơn vị trong lực lượng, hằng năm trung tâm đã tham mưu cho lãnh đạo Cục NT xây dựng chương trình, đăng ký chỉ tiêu mở các lớp bồi dưỡng, huấn luyện trong năm.
Ngoài học lý thuyết, học viên còn học hỏi kinh nghiệm tại các đơn vị. Qua đó, giúp cho học viên đối chiếu, so sánh giữa lý luận với thực tiễn và hình thành kỹ năng nghề nghiệp. Cuối khóa học, học viên làm bài kiểm tra để đánh giá kết quả, viết thu hoạch, lấy ý kiến đóng góp, đề xuất của học viên về nội dung chương trình bồi dưỡng, cách thức tổ chức, quản lý...
Những lớp bế giảng, họp đánh giá kết quả bồi dưỡng, đã giúp rút ra các kinh nghiệm cho các lần mở lớp tiếp theo. Đến thời điểm này, 100 học viên các lớp bồi dưỡng đạt yêu cầu, trong đó từ 60% đến 70% đạt loại khá giỏi, sau khi tham gia khóa bồi dưỡng, trở về công tác được đơn vị đánh giá cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một trong những điểm nhấn quan trọng, quyết định đến chất lượng bồi dưỡng, huấn luyện là việc biên soạn tài liệu, giáo trình bồi dưỡng, huấn luyện... Trung tâm BDNV thường xuyên cập nhật, chỉnh lý, bổ sung kịp thời tài liệu, giáo trình giảng dạy trên cơ sở bám sát thực tế chiến đấu.
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Cục NT, Trung tâm BDNV đã quy hoạch lựa chọn, sắp xếp, sử dụng cán bộ hợp lý, một người biết nhiều việc, đã phát huy tối đa năng lực, sở trường của từng cán bộ, qua đó góp phần nâng cao công tác giảng dạy. Đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, cán bộ quản lý từng bước được quan tâm, đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng; tận tụy với công việc được giao.
Chia tay chúng tôi, Đại tá Lê Hữu Vinh vẫn không giấu được sự trăn trở về công tác bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ của Trung tâm trong thời gian gian tới. Và với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và Cục NT, đội ngũ làm công tác cán bộ phải không ngừng nỗ lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn