Từ 7h sáng, lực lượng CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH; Phòng CSGT; Cảnh sát cơ động; Công an thị xã Hương Trà phối hợp với các đơn vị của Quân khu 4 triển khai công tác CNCH tại thủy điện Rào Trăng 3.
Do tuyến đường 71 vẫn đang sạt lở nặng ở nhiều điểm, chưa được thông tuyến nên hướng tiếp cận vào thủy điện Rào Trăng 3 duy nhất chỉ bằng đường thủy. Để đẩy nhanh việc tìm kiếm các nạn nhân, cầu đường thủy được thiết lập từ bến đò ở lòng hồ thủy điện Hương Điền (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ thủy điện này đến đập thủy điện Rào Trăng 4, sau đó đến thủy điện Rào Trăng 3.
Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động hàng chục CBCS, phương tiện vận chuyển 200 thùng mì tôm, 500kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị máy móc cần thiết, nhiên liệu, công nhân lái xe múc, xe xúc đưa vào Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Vận chuyển nhu yếu phẩm vào thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân. |
Những ngày qua, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng với các CBCS luôn có mặt trong đoàn công tác CNCH Công an tỉnh.
Thượng tá Tuấn cho biết, công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích ở Rào Trăng 3 gặp rất nhiều khó khăn. Nếu thời tiết thuận lợi, lực lượng CNCH sẽ đi ca nô từ bến đò ở lòng hồ thủy điện Hương Điền di chuyển đến thủy điện Rào Trăng 4; sau đó sẽ khiêng phương tiện vượt đập Rào Trăng 4 rồi ngược dòng Rào Trăng thêm 8km bằng đường thủy để đến thủy điện Rào Trăng 3.
“Có những thời điểm mưa lớn, nước lòng hồ thủy điện dâng cao, gió mạnh, sóng lớn nên công tác CNCH không thể triển khai được. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nên CBCS đơn vị đã tích cực phối hợp với các lực lượng của Công an tỉnh và Quân khu 4 để thực hiện tốt các phương án tiếp cận Rào Trăng 3 bằng đường thủy”, Thượng tá Tuấn thông tin.
Theo Trung úy Lê Văn Quảng, cán bộ phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng cứu nạn tiếp cận khu vực nhà điều hành công trình, nơi được xác định xảy ra sạt lở núi. Tại hiện trường, ước tính có hơn 30 nghìn mét khối đất đá sạt lở vùi lấp gần như toàn bộ nhà điều hành và các lán trại kề bên với độ sâu từ 5m đến 7m.
Nhiều điểm do mưa lớn những ngày qua tiếp tục gây sạt lở, bùn đất nhão nhoẹt, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tìm kiếm. Lực lượng CNCH đã xác định được 2 điểm sạt lở làm sập nhà điều hành, lán trại vùi lấp 17 công nhân, trong đó có 1 điểm 15 người và 1 điểm 2 người.
Bên trong lán trại tạm bợ ở gần hiện trường vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, anh Nguyễn Xuân Thành, công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn bàng hoàng sau vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến các đồng nghiệp của anh đang còn mất tích.
Anh Thành tâm sự: “Mấy ngày nay tôi rất hoảng loạn, lo lắng nhưng không thể trở về lúc này vì các đồng nghiệp mình vẫn còn nằm lại đâu đây nên tôi quyết định ở lại hiện trường để cùng với lực lượng cứu nạn tìm kiếm những người còn mất tích”.
Trao đổi thêm với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng, do tuyến đường 71 đi vào thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở nhiều điểm, không thể đi lại được nên việc CNCH được lực lượng Công an tỉnh triển khai bằng đường thủy và đã phát huy hiệu quả trong công tác CNCH cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, công nhân.
Hiện tại, Bộ Công an đã tăng cường thêm phương tiện đường thủy có mã lực lớn phục vụ cho công tác vận chuyển lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân. Với những nỗ lực, đã có 24 cán bộ, công nhân làm việc tại 2 nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 4 và 2 thi thể trong số 17 nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 được đưa ra khỏi khu vực thủy điện.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư Lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 còn cho hay, đường vào thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở nghiêm trọng, còn khoảng 1km mới tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4. Tuy nhiên trên đường có 3 ngầm tràn lớn, rộng khoảng 50m, thời tiết mưa nhiều trong mấy ngày qua làm nhiều đoạn của đường 71 mới được khôi phục tiếp tục sạt lở, việc thi công bằng cơ giới gặp khó khăn.
Từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 bằng đường bộ còn khoảng 10km với nhiều điểm sạt lở, trong đó có 9 điểm sạt lở rất lớn. Khối lượng sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 lớn hơn rất nhiều so với điểm sạt lở tại Trạm bảo vệ rừng Tiểu khu 67 khi phân làm 3 tầng với bề dày mỗi tầng từ 3-4m. Chất đất đá với khối lượng lớn ở các khu vực này khó giải phóng nếu làm bằng thủ công.
Phía trong thủy điện chỉ có 1 máy xúc còn hoạt động được nên nhiệm vụ trước mắt phải điều vào hiện trường 6, 7 xe múc cùng lực lượng có kinh nghiệm tốt vào khai thông tuyến đường. Qua khảo sát, không thể tìm ra chỗ đóng quân ở khu vực nguy hiểm trên tuyến vào Rào Trăng 3 nên buộc phải cơ động lực lượng khi xong ca.
Nói về công tác CNCH tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tich UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận: Những ngày qua, các lực lượng CNCH đã nỗ lực tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, triển khai công tác trinh sát nắm tình hình sạt lở bằng nhiều phương thức như bộ đội trinh sát đường bộ, trực thăng, flycam, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Hiện có 10 xe múc, xe ủi đang triển khai trên tuyến đường 71, bên cạnh đó có 5 xe múc, xe ủi đã tập kết tại xã Phong Xuân sẵn sàng tham gia công tác khôi phục tuyến đường 71. Do đó, sẽ thông tuyến đường 71 vào cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 một cách nhanh nhất...
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn