Gác việc nhà để thần tốc truy vết
Các chốt này có nhiệm vụ yêu cầu dừng tất cả các phương tiện giao thông vận tải, ôtô con, xe máy... vào địa bàn Thừa Thiên Huế. Tại đây, lực lượng chức năng hướng dẫn người dân kê khai y tế, quét mã QR, tuyên truyền công tác PCD COVID-19.
Thiếu tá Huỳnh Tuế, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc cho biết, mấy ngày qua, mỗi ngày có cả hơn ngàn lượt người từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, trong ngày 10-5, lượng người đi từ trong miền Nam và các tỉnh, thành trên qua địa phận Thừa Thiên Huế tăng đột biến nên công việc của lực lượng Công an cũng tăng gấp hai, gấp ba lần.
Cũng như các CBCS trong đơn vị, đã 1 tuần qua, Thiếu tá Huỳnh Tuế không về nhà. Vợ anh vừa mới sinh con được hơn 3 tháng tuổi nhưng vì nhiệm vụ PCD COVID-19 nên anh không thể về thăm cũng như chăm sóc vợ con.
Bám chốt kiểm soát dịch bệnh trên QL1A qua thị trấn Lăng Cô, Đại úy Nguyễn Anh Hùng, Trạm phó Trạm CSGT Phú Lộc (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng tổ công tác luôn căng mình nhiệm vụ. Lượng xe lưu thông qua địa bàn càng lúc càng đông nên anh cùng đồng đội đã sắp xếp công việc một cách khoa học để tình trạng tài xế dừng phương tiện khai báo y tế không bị ùn tắc…
Cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế làm nhiệm vụ tại khu vực phong tỏa xã Phong Hiền. |
Trong số gần 100 CBCS Công an Thừa Thiên – Huế làm nhiệm vụ PCD ở địa bàn thị trấn Lăng Cô, hình ảnh 2 chiến sĩ nữ CSGT chịu nắng giữa đường trong khi làm nhiệm vụ đã khiến không ít người dân tham gia giao thông qua đây đều cảm động. Đó là Đại úy La Thị Hữu Phúc và Thượng úy Cao Thị Hồng Nhung, công tác tại Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc.
Tranh thủ lúc vắng xe, Thượng úy Nhung bày tỏ: “Em đã lập gia đình, con em mới 21 tháng tuổi nên buổi tối hay có thói quen đòi mẹ. Tối 9/5, trong khi em đang làm nhiệm vụ PCD tại chốt thì nghe mẹ chồng kể lại, hễ cứ nghe tiếng xe chạy ngoài đường là cháu đòi chạy ra cổng ngóng xem có phải mẹ về không. Không thấy mẹ cháu khóc nhiều, bà nội dỗ mãi mới chịu ngủ. Nghe mẹ chồng kể lại mà em rất thương con. Nhưng em xác định, nhiệm vụ PCD phải được ưu tiên hàng đầu”.
Thượng úy Nhung có chồng là Trung úy Nguyễn Thanh Thảo, công tác tại Đội An ninh của Công an huyện Phú Lộc, những ngày qua cả hai vợ chồng phải ra “tuyến đầu” chống dịch nên đành gửi con cho mẹ chồng chăm sóc giúp.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, bác sĩ Lê Viết Cường chia sẻ, những ngày qua, nhờ có sự phối hợp hiệu quả của lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và CSGT Công an huyện Phú Lộc nói riêng nên ngành y tế huyện đã giám sát chặt chẽ tất cả các trường hợp đến hay trở về từ vùng dịch, nhất là từ TP Đà Nẵng. Nhờ vậy, đã phát hiện một số trường hợp có triệu chứng liên quan đến COVID-19 phải thực hiện cách ly tại cơ sở y tế.
Từ 10h sáng 9/5, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời xã Phong Hiền, huyện Phong Điền sau khi bệnh nhân H.T.N.C (24 tuổi, nơi ở thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền; làm việc tại TMV Amida) trở về địa phương có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, nhờ sự nỗ lực của lực lượng Công an, ngành y tế và các cơ quan chức năng, đến nay có hơn 190 trường hợp F1 trên địa bàn huyện đã được cách ly tập trung, lấy mẫu và đang chờ kết quả; đã truy vết và cách ly tại nhà 900 trường hợp F2.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, huyện Phong Điền lập 8 chốt kiểm soát, phong tỏa các ngả vào khu vực cách ly, cũng như vị trí những điểm có ca bệnh F0, vị trí nhà các ca bệnh, các điểm mà bệnh nhân đi đến. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng lập thêm 7 chốt kiểm soát y tế tại QL1A và các xã giáp tỉnh Quảng Trị.
Tại các chốt kiểm soát Công an huyện Phong Điền và Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bố trí CBCS túc trực, tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn người và phương tiện ra vào khu vực phong tỏa.
Để đảm bảo ổn định đời sống của hơn 8.000 dân trong khu vực phong tỏa, Công an huyện Phong Điền, Công an xã Phong Hiền và chính quyền địa phương các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh gây hoang mang, lo lắng.
Túc trực tại điểm chốt tuyến đường chợ An Lỗ dẫn vào khu phong tỏa xã Phong Hiền, Đại úy Nguyễn Thành Trung, Tiểu đội phó, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, theo quy định, lực lượng túc trực tại chốt 24/24h và chia làm 3 ca để đảm bảo ANTT, ATGT tại khu vực phong tỏa, đồng thời kiểm soát, ngăn chặn không cho người bên ngoài xâm nhập vào địa bàn khu phong tỏa.
Ứng trực 24/24h ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Quảng Nam ứng trực 24/24h tại các chốt kiểm soát dịch ra vào địa bàn tỉnh và các khu cách ly tập trung, góp phần vào việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch (PCD) COVID-19 trên tuyến QL14B khu vực ngã ba Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, dưới cái nắng gay gắt, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an cùng nhân viên y tế, đoàn viên thanh niên vẫn tích cực với công việc kiểm soát người và phương tiện đi vào địa bàn Đại Lộc.
Trung tá Phạm Minh Tuấn cho biết, chốt này do UBND tỉnh Quảng Nam thành lập đi vào hoạt động từ chiều 9/5, có nhiệm vụ kiểm soát y tế, xác định lịch trình hoạt động của tất cả người và phương tiện đi vào địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là người đến và về từ TP Đà Nẵng.
Theo Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Đại Lộc, ngoài chốt ngã ba Đại Hiệp, trên địa bàn huyện còn 2 chốt khác đặt tại xã Đại Đồng và trên tuyến tỉnh lộ ĐT 609B, tiếp giáp với thị xã Điện Bàn. Công an huyện Đại Lộc đã phân công CBCS tham gia túc trực tại các chốt này, ngày đêm kiểm tra, kiểm soát đảm bảo công tác PCD.
Cùng với đó, Công an huyện còn bố trí lực lượng bảo vệ ANTT tại khu cách ly tập trung của huyện, đang cách ly 59 trường hợp, trong đó có trường hợp 2 tuổi là con của một nữ F0 được ghi nhận tại Đà Nẵng. Ngoài ra, lực lượng Công an huyện và Công an các xã trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong hỗ trợ truy vết các trường hợp F1, F2 để tiến hành cách ly PCD theo quy định.
Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) ứng trực 24/24h tại khu cách ly tập trung. |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam trao đổi, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai 7 chốt trên tuyến QL14B tại khu vực ngã ba Đại Hiệp, tuyến QL1A ở 2 đầu tỉnh và các tuyến từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào địa bàn tỉnh để kiểm soát, hạn chế dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Công an các địa phương như Đại Lộc, Hội An, Điện Bàn,… cũng đã tham mưu thành lập các chốt kiểm soát PCD trên địa bàn.
“Cùng thời gian này, lực lượng Công an toàn tỉnh vừa tham gia PCD, vừa đảm bảo ANTT cho cuộc bầu cử sắp tới và triển khai cấp hơn 1,2 triệu CCCD theo chỉ tiêu của Bộ Công an giao. Hiện tại, dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra các tỉnh, thành trong cả nước, lực lượng Công an tại tỉnh Quảng Nam đã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và của UBND tỉnh để hoàn thành tốt được 3 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng nói.
Yêu cầu giải trình thông tin "chi phí cho cơ quan chức năng phòng, chống dịch" Ngày 10/5, liên quan đến thông tin Khách sạn Top Hotel Hữu Nghị, địa chỉ tại số 188 Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông báo thu phí cách ly từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/người/ngày, trong đó có “chi phí cho cơ quan chức năng, Công an phòng, chống dịch”, Đại tá Nguyễn Thành Long - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm khẳng định, không có “chi phí cho Công an” như khách sạn ra thông báo. Đại tá Nguyễn Thành Long cho biết thêm: Thông tin này đã gây hoang mang dư luận, gây hiểu lầm về sự nỗ lực, cống hiến của các lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Hiện Công an quận Nam Từ Liêm đã tham mưu UBND quận Nam Từ Liêm làm rõ, có biện pháp xử lý nghiêm. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Liên quan đến nội dung trên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, tại buổi làm việc với đại diện Khách sạn Top Hotel Hữu Nghị, cơ quan chức năng yêu cầu khách sạn giải trình về vấn đề này. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cũng khẳng định, lực lượng chức năng gồm Công an, y tế... không nhận được bất cứ chi phí nào từ cơ sở này. Trước đó, ngày 9/5, một số người trong nhóm lao động từ Nhật Bản trở về cho biết, khoảng hơn 100 lao động về Việt Nam từ ngày 24/4, theo quy định đã hết thời hạn cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế thông báo kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày nên những người đang cách ly tại Khách sạn Top Hotel Hữu Nghị phải ở lại thêm 7 ngày, nhiều người phải bỏ thêm chi phí. Cụ thể, Khách sạn Top Hotel Hữu Nghị có thông báo phí thu từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/người/ngày cách ly, trong đó nêu chi tiết gồm "chi phí cho cơ quan chức năng, Công an phòng, chống dịch…". Việc thu phí với thông tin nêu trên khiến dư luận bức xúc, nhất là trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. P.A |
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn