Tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, đoàn đã đến thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Đi, tên thường dùng là Hà Thị Tợn (Chín Tợn). Bà Tợn năm nay 74 tuổi nhưng theo lời người con duy nhất của bà – chị Hà Thị Em, từ hai năm trước, bà bị bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu rồi điều trị hàng tháng trời. “Nhưng sau lần đó, má tôi phải ngồi xe lăn do bị thoái hóa khớp gối, đi đâu cũng vất vả”, chị Em cho biết.
Tuổi càng lúc càng cao, lại bệnh tật do di chứng sau những lần bị địch tra tấn dã man, bà Chín Tợn giờ không nhớ và kể được nhiều về những đóng góp của mình tạo nên thành tích chung của lực lượng An ninh T4. Nhưng qua ánh mắt của bà, chúng tôi vẫn ít nhiều cảm nhận về sự lanh lẹ, sắc sảo của người cán bộ trinh sát vũ trang nội đô ngày nào.
Trưởng Công an xã kể với chúng tôi rằng, bà Chín Tợn cũng là một trong những cán bộ chủ chốt của xã trong những năm còn chiến tranh ác liệt. Và vùng quê Phú Mỹ Hưng này rất tự hào khi sinh ra người nữ cán bộ Công an gan dạ, mẫn cán như bà.
Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND cùng đoàn công tác của Báo thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Đi, nguyên trinh sát nội đô An ninh T4. |
Tại đất thép Củ Chi, đoàn công tác của Báo CAND đã đến thăm ông Trần Hoàng Sinh. Nhận phần quà thiết thực và lời thăm hỏi gần gũi của lãnh đạo Báo CAND, ông Sinh rất xúc động. Từng là đồng nghiệp hoạt động nội đô cùng thời với bà Chín Tợn, 7 năm nay, ông Sinh không đi lại được do di chứng của lần tai biến. Trên giường bệnh, ông vẫn rất nhớ đồng chí, đồng đội, nhớ những con đường, góc phố, cơ sở… mà ông đã hoạt động, bám trụ để “đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng đối tượng”.
Và điều ông tự hào nhất về bản thân mình là trong điều kiện cực kỳ khó khăn ác liệt của những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao cho; đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng một lòng sắt son, trung thành với Đảng. Khi bị địch bắt đưa đi lính, ông còn tuyên truyền lôi kéo anh em binh lính trở về với cách mạng.
Ông chỉ tiếc là năm 1983, sắp bước vào tuổi bốn mươi, khi đang ở cấp hàm đại úy, ông đã phải nói lời chia tay với anh em đồng đội do vấn đề sức khỏe. Về nghỉ hưu, ông vẫn dành thời gian tham gia ban liên lạc tổ vũ trang của Ban An ninh T4. Ông vẫn đến thăm từng đồng chí, đồng đội năm xưa, vận động quan tâm những đồng chí gặp khó khăn… Bệnh tình của ông càng ngày càng nặng nên năm 2010, con trai ông khi đó đang là cán bộ của một đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hồ Chí Minh đã phải nghỉ việc để tiện bề chăm sóc bố.
Trong con hẻm nhỏ đường Văn Cao, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Báo CAND đã tìm và gặp được ông Lại Văn Chắc, tên thường gọi là Hai Bê, trinh sát vũ trang An ninh T4, là người trực tiếp tiêu diệt Bộ trưởng Chiến tranh tâm lý chính quyền Sài Gòn ngay giữa nội thành Sài Gòn vào giữa năm 1966.
Sắp bước vào tuổi 80 nhưng ông Chắc vẫn nhớ như in sự kiện này cũng như 7 lần ông bị địch bắt, bị đưa ra tận miền Trung, vào sư đoàn 2 và sư đoàn 23 của địch. Ông nhớ rõ những lần ngược đường từ miền Trung trở về Sài Gòn, rồi lại bị địch bắt, rồi lại trốn.
“Một lần địch bắt, đưa tôi di chuyển vào khu vực nay thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, tôi viện lý do mắc tiểu để xuống dọc đường rồi chạy trốn ra hướng một cánh đồng gần đó, tìm vào nhà dân. Nhờ sự thương tình, cưu mang của nhân dân, sau đó tôi đã đóng giả nông dân, quá giang đường tàu biển trở lại Sài Gòn, tiếp tục móc nối lại với tổ chức để hoạt động”, ông kể thêm.
Cùng đồng đội hoàn thành trọng trách được giao, góp phần vào tên tuổi của lực lượng An ninh T4 anh hùng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Chắc sống đạm bạc với đồng lương công nhân ít ỏi…
Đại tá Trần Kim Thẩm cùng đoàn công tác Báo CAND cũng đã về vùng quê Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Văn Châu. Cả đoàn ai cũng xúc động khi được biết không phải chỉ đi lại khó khăn do vết thương khá nặng ở chân, trong thân thể ông Châu còn khá nhiều mảnh đạn và bom bi. “Mỗi khi trời trở lạnh, vết thương và mấy vị trí đang còn mảnh đạn, bom bi hành tôi đau nhức lắm. Nhưng đó cũng là lúc làm mình nhớ đến đồng đội da diết”, ông Châu bộc bạch.
Trong căn nhà tình nghĩa được cất từ cách nay gần 20 năm vừa được sửa chữa lại, trò chuyện với chúng tôi, ông Châu vẫn luôn tự hào về những năm tháng đã sống, chiến đấu kiên cường, không ngại gian khổ, hy sinh trước mưa bom bão đạn. Tiễn chúng tôi ra về, người cựu trinh sát An ninh T4 động viên chúng tôi hãy biết biến niềm mình tự hào thành ý chí phấn đấu để xứng đáng hơn với những hy sinh, mất mát của thế hệ cha, anh đi trước đã đổ xuống, cho màu xanh yên bình hôm nay…
Tham gia đoàn công tác đến thăm cán bộ từng là trinh sát Ban An ninh T4, chị Lê Hải Yến, nhân viên thường trực Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh bộc bạch: “Dù chưa có thời gian để ngồi lâu hơn, nghe các cô chú kể về những tháng năm chiến đấu anh dũng, nhưng tôi cũng đã phần nào cảm nhận được tài trí, bản lĩnh, đặc biệt tinh thần gan dạ, quyết chiến cho Tổ quốc quyết sinh của thế hệ đi trước. Những trận đánh nhanh gọn, táo bạo, chính xác của lực lượng An ninh T4 nói chung đã khiến địch rơi vào thế bị động giữa lòng thành phố; đồng thời càng tạo niềm tin cho quần chúng yêu nước, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị trong nội đô… Điều khiến thế hệ trẻ chúng tôi thật sự cảm động, khâm phục đó chính là sự chịu đựng của các cô chú. Tuổi già, đau yếu, bệnh tật, thiếu trước hụt sau, nhưng chúng tôi không hề nghe ai nói chuyện tính toán thiệt hơn về những thành tích của mình trước đây. Sau chuyến đi thăm, chúng tôi học được nhiều điều ở các cô chú và thấy bản thân mình cần phấn đấu nhiều hơn nữa…”. |
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn