Việc triển khai, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an tại các xã trọng điểm phức tạp về ANTT đã phát huy hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, TTATXH ở một số xã có Công an chính quy về phụ trách có nhiều chuyển biến rõ nét, ổn định và đảm bảo hơn; giúp lực lượng Công an tăng cường nắm bắt tình hình ANTT ở địa phương để nông thôn ngày càng bình yên, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đáp ứng Trên diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về những nội dung trong Luật CAND (sửa đổi) vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao, tán thành với chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, đưa Công an chính quy về xã công tác của Bộ Công an.
thực tiễn tình hình ANTT ở nông thôn
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng: Vùng nông thôn nước ta chiếm tới 80% diện tích, hiện nay nhiều mâu thuẫn nảy sinh từ tranh chấp đất đai, đời sống thay đổi đã làm tình hình an ninh có những diễn biến phức tạp. Thực tế là dù diện tích lớn hơn cấp phường, tình hình an ninh không hề kém phức tạp hơn, số dân cũng không nhỏ hơn nhưng lâu nay bất cập ở chỗ Công an phường thì hầu hết là chính quy, đeo quân hàm nhưng Công an xã thì lại là lực lượng không chính quy, được trang bị ít, đào tạo chưa đầy đủ.
Chủ trương chính quy hóa Công an xã là hết sức cần thiết, đáp ứng được công việc trong tình hình mới. Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) khẳng định: Về pháp lý việc bố trí Công an chính quy tại xã, thị trấn là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, vừa nhằm bảo đảm cho hoạt động giữ gìn ANTT tại cơ sở, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cần thiết xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, hiện đại nhằm thống nhất về tổ chức hoạt động của lực lượng CAND. Việc chính quy hóa Công an xã sẽ góp phần đáp ứng thực tiễn tình hình ANTT ở nông thôn, đô thị hiện nay ngày càng tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là các vụ khiếu kiện, xung đột xã hội, tranh chấp đất đai, quản lý thu hồi đất và triển khai các dự án kinh tế - xã hội. Quá trình công nghiệp hóa phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, các loại tội phạm hình sự ở khu vực nông thôn.
Công an chính quy triển khai các kế hoạch đảm bảo ANTT cho địa bàn các xã vùng cao. |
Bên hành lang Quốc hội chiều 7-6, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao đổi với báo chí về dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định theo hướng Công an xã là lực lượng chính quy thay vì bán chuyên trách như lâu nay và Bộ Công an sẽ điều 25.000 Công an chính quy về xã. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Đưa lực lượng Công an chính quy về hoạt động ở cấp xã nhưng không xin thêm một suất biên chế nào mà chỉ điều chỉnh trong ngành. Tất cả vẫn theo tinh thần Bộ tinh gọn, tỉnh cũng phải gọn gàng, huyện cũng thế.
Trước đây huyện không có Công an xã nên có Đội Công an phụ trách xã. Bây giờ Công an huyện về xã luôn, không cần phụ trách xã. Việc chính quy hóa Công an xã cũng đảm bảo không phình thêm lực lượng nào. Với Công an xã không chính quy lâu nay thì sẽ được huy động trở thành lực lượng dân phòng, tổ chức chặt chẽ, quy định thành Luật để hoạt động.
Về vấn đề còn băn khoăn, lo ngại khi Công an chính quy về xã thì Trưởng Công an xã sẽ được giải quyết như thế nào, liệu có xảy ra hiện tượng mâu thuẫn hay không; người đứng đầu lực lượng Công an - Bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ rõ: Việc này đã được tính toán, có được khảo sát, đánh giá.
Trước hết, Trưởng Công an xã là những người đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình, mặc dù chưa được đưa vào diện chính quy, nhưng họ cũng đã phải làm rất nhiều việc, đây là điều đáng được ghi nhận.
“4 cùng” với đồng bào
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Hiện nay, theo thống kê, có khoảng 10.000 xã cần triển khai. Đề án của Bộ Công an là triển khai 25.000 Công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã, bảo đảm mỗi xã có từ 3-5 Công an xã. Bộ Công an chủ trương triển khai có lộ trình thành 3 đợt: Đợt thứ nhất đối với các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT; đợt thứ hai đối với các xã đông dân cư; đợt thứ ba đối với các xã còn lại.
Về phương hướng giải quyết, sắp xếp bố trí lại công việc cho những người đang giữ chức danh Công an xã, theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, khi bố trí Công an chính quy xuống xã thì quyền hạn, nhiệm vụ sẽ thay đổi. Về vấn đề này, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá, bố trí công việc phù hợp chuyên môn của lực lượng này, bảo đảm tốt chế độ đối với các đồng chí từng là Trưởng Công an xã.
Việc triển khai, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an tại các xã trọng điểm phức tạp về ANTT đã phát huy hiệu quả; tình hình an ninh chính trị, TTATXH ở một số xã có Công an chính quy về phụ trách có nhiều chuyển biến rõ nét, ổn định và đảm bảo hơn; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tháng 10-2016, Công an TP Hà Nội đã triển khai, bố trí Trưởng Công an xã là Công an chính quy tại 13 xã thuộc 9 huyện.
Trưởng Công an xã là Công an chính quy đã chủ động tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể quản lý tốt số đối tượng nghiện ma túy, số trong diện giáo dục tại xã, phường thị trấn.
Từ khi bố trí Trưởng Công an xã là Công an chính quy, công tác quản lý, đăng ký nhân hộ khẩu được thực hiện nghiêm túc, nền nếp theo đúng Luật Cư trú. Các đồng chí Trưởng Công an xã đã phối hợp, chỉ đạo Ban Công an xã làm tốt công tác tổng kiểm tra, rà soát nhân hộ khẩu, thu thập, chỉnh sửa, bổ sung dữ liệu dân cư dùng chung trên hệ thống SAM.
Phối hợp với Công an cấp huyện làm thủ tục cấp căn cước công dân ngay tại địa bàn xã cho người già ốm, gia đình chính sách được nhân dân ghi nhận.
Với 74 xã trọng điểm về ANTT trên địa bàn tỉnh Lai Châu được Bộ Công an xác định, tháng 6-2018, Công an huyện Mường Tè (Lai Châu) bắt đầu triển khai đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã tại 2 xã Thu Lũm và Pa Vệ Sủ. Từ khi Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã, tình hình ANTT, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo cơ bản đã ổn định.
Trung tá Sỳ Khù Hừ, Trưởng Công an xã Pa Vệ Sủ chia sẻ rằng, khi nhận nhiệm vụ công tác tại địa bàn, với kinh nghiệm thực tiễn, anh cùng các đồng đội triển khai ngay các kế hoạch công tác; bám đất, bám người thực hiện tốt chủ trương “4 cùng” với đồng bào là: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào dân tộc.
Thực hiện tốt quy chế biên giới, hằng ngày các anh đến từng thôn, bản nhà bà con tuyên truyền, vận động những người nghiện ma túy đến các điểm cấp phát thuốc Methadone để cai nghiện. Nắm chắc tình hình an ninh trên địa bàn, tình hình phụ nữ xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm thuê và lấy chồng trái phép; cùng với các Đội nghiệp vụ của Công an huyện quản lý tốt việc tạm trú, tạm vắng đối với công nhân và người ngoài xã, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống cháy nổ tại các dự án thủy điện; đảm bảo tốt ANTT ngay từ cơ sở.
Tại các tỉnh phía Nam, chủ trương đưa Công an chính quy về làm Công an xã được các địa phương triển khai hiệu quả. Tỉnh Cà Mau có 44 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT đã được bố trí Công an chính quy.
Chủ trương tăng cường Công an chính quy xuống làm Công an xã của Bộ Công an là một giải pháp quan trọng, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tăng cường hiệu quả lực lượng Công an cấp cơ sở; góp phần chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ANTT; giúp lực lượng Công an tăng cường nắm bắt tình hình ANTT tại địa phương, nhất là những địa bàn được xác định trọng điểm, phức tạp.
Bảo đảm cho lực lượng Công an xã thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã; giữ vững ANTT ở các xã, đặc biệt là các xã biên giới; tạo niềm tin, để nông thôn ngày càng bình yên, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tác giả: Việt Hưng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn