Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Toản, Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã phổ biến những nội dung cơ bản của Kế hoạch số 240/KH-BCA-V19 ngày 14-8-2017 của Bộ trưởng Bộ Công an xây dựng Đề án và công bố Quyết định số 2900/QĐ-BCA-V19 ngày 14-8-2017 của Bộ trưởng Bộ Công an thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án.
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu chỉ đạo phiên họp. |
Theo đó, Đề án được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước. Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án bao gồm những người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính (giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…); người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng nêu trên đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội và vi phạm pháp luật khác; đảm bảo quyền được học tập, tìm hiểu pháp luật, được phổ biến các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính…
Ban chỉ đạo xây dựng Đề án gồm 12 đồng chí do Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban. Tổ thư ký bao gồm 12 đồng chí do Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Tổ trưởng.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đã đồng tình với Kế hoạch xây dựng Đề án của Bộ Công an đồng thời đưa ra các ý kiến tập trung vào việc cụ thể hóa mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật với từng đối tượng; lộ trình thực hiện của Đề án; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần đi đôi với công tác định hướng nghề nghiệp để tạo điều kiện cho các đối tượng mưu sinh và tái hòa nhập cộng đồng…
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, việc tiếp cận thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của nhóm đối tượng thuộc Đề án còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đối với các đối tượng này, việc áp dụng hình phạt và các biện pháp xử lý hành chính không chỉ nhằm trừng trị họ mà còn để giáo dục họ trở thành những người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc khác, góp phần phòng ngừa tái vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho họ được Đảng, Nhà nước ta xác định là hoạt động có vai trò quan trọng, là biện pháp phòng ngừa tái phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật một cách hiệu quả. Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để cung cấp, trang bị cho các đối tượng những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết, từ đó hình thành ở họ tình cảm, niềm tin đối với sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, tạo thói quen, lối sống, hành vi xử sự theo pháp luật một cách tự giác. Vì vậy, việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này là rất cần thiết.
Trong Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25-5-2017 ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án…
Đề án có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động rất rộng, nội dung liên quan đến nhiều đạo luật, trách nhiệm thực hiện liên quan đến nhiều bộ, ngành… Do đó, Bộ Công an rất cần sự chủ động tham gia, đóng góp ý kiến của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, Tổ xây dựng Đề án để Đề án được phê duyệt có tính khả thi, phản ánh được nhu cầu trong tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật của từng nhóm đối tượng, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình triển khai thực hiện.
Tác giả: Nguyễn Hương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn