Thực hiện Quy chế phối hợp số 119/QCPH – TCBHĐ - CSMT trong công tác PCTP và vi phạm pháp luật về môi trường giữa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) và Cục CSMT Bộ Công an, Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã chủ động phối hợp với Cục CSMT ( Bộ Công an) thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác PCTP và vi phạm pháp luật về môi trường biển, hải đảo.
Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Cục CSMT Bộ Công an ký quy chế phối hợp. |
Hai bên đã phối hợp điều tra, khảo sát về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điều tra cơ bản, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo và công tác đấu tranh, ngăn ngừa, PCTP về môi trường biển, hải đảo tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Kiên Giang, Bạc Liêu; Tiến hành tuần tra, kiểm soát phát hiện và ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Thực hiện các chuyến điều tra, giám sát và nắm bắt thu thập thông tin về các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh dọc các vùng biển Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP.Đà Nẵng . Hàng năm, công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo; quản lý tổng hợp và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đảo đã được hai bên thường xuyên phối hợp thông qua việc tham gia đóng góp ý kiến, các bên đã cử người tham gia tổ soạn thảo, tổ biên tập, xây dựng dự thảo các băn bản quy phạm pháp luật...
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tuy nhiên, đánh giá kết quả tại kỳ sơ kết lần này, ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam ( Bộ Tài nguyên &Môi trường) cho biết, kết quả phối hợp còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu nhiệm vụ của mỗi bên, còn có nhiều nhiệm vụ, nội dung phối hợp, đề ra trong Quy chế nhưng chưa thực hiện được. Các hoạt động phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo mới chỉ ở góc độ kiểm tra, nắm tình hình, chưa xử lý được các vụ việc cụ thể, vì vậy hiệu quả đạt được còn chưa được như mong muốn của hai bên.
Chính vì vậy, tại Hội nghị sơ kết lần này, hai bên đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp mới thay thế Quy chế phối hợp số 119 trước đây, trong đó, các nội dung chính đưa ra là: Đổi mới nội dung, hình thức phối hợp, đảm bảo hiệu quả trong trao đổi thông tin, xử lý nhanh các vụ việc phát sinh. Tăng cường công tác trao đổi thông tin; đồng thời đẩy mạnh phối hợp công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nắm bắt tình hình về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên các khu vực biển và địa bàn trọng điểm ven biển và hải đảo, kịp thời phát hiện những sai phạm để có biện pháp xử lý, thực thi pháp luật, ứng phó sự cố môi trường biển, đảo.
Các đại biểu tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, cùng hợp tác chặt chẽ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo. Tăng cường sự phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học, hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản, quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo…
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Trần Quốc Xanh, Phó Cục trưởng Cục CSMT Bộ Công an cho biết, nhiệm vụ phát hiện tội phạm, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và người dân, tuy nhiên nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển và hải đảo là trách nhiệm chính của Tổng cục Biển và Hải đảo và Cục CSMT. Nhất trí với các nội dung trong Quy chế phối hợp 2 bên đã xây dựng và ký kết, Đại tá Trần Quốc Xanh cho rằng, quy chế chỉ là bộ khung, còn các nhiệm vụ cụ thể sẽ phải được 2 bên cùng nghiên cứu, xây dựng đề xuất trong kế hoạch công tác hàng năm để triển khai thực hiện hiệu quả quy chế. Đồng chí tin tưởng, sau khi ký kết Quy chế này, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả nhằm gìn giữ tài nguyên, môi trường biển, đảo của Tổ quốc.
Tác giả: Tâm Minh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn