Dự hội nghị còn có đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Báo cáo tóm tắt tổng kết 3 năm, Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường cho biết, trong 3 năm thực hiện kế hoạch đấu tranh xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động khai thác, tập kết, bến bãi kinh doanh khoáng sản đặc biệt là cát sỏi lòng sông, Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản; tổ chức nắm trên các tuyến, địa bàn như đã xác định; phát hiện, xử lý nhiều vụ vi pháp luật trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi khi khoáng sản đặc biệt là cát, sỏi, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn; cơ bản không còn tình trạng băng ổ nhóm bảo kê, các đối tượng “xã hội đen” chủ mưu, cầm đầu hoạt động khai thác cát trái phép. Tình trạng khai thác cát trái phép không còn diễn ra trắng trợn như trước.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị. |
Kết quả, từ năm 2016 đến 2019, Công an các tỉnh, thành phố đã đấu tranh phát hiện 17.527 vụ/17.909 đối tượng (trong đó 5.067 vụ khai thác cát, sỏi trái phép); khởi tố hình sự 74 vụ/153 bị can; xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 196 tỷ đồng. Chỉ tính riêng, từ đầu năm 2019 đến nay, đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, tổng số tiền xử phạt 12,08 tỷ đồng, khởi tố hình sự 2 vụ tại tỉnh Thanh Hóa và Đồng Nai.
Tại Hội nghị, các báo cáo tham luận đã bổ sung, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi.
Đại diện lãnh đạo Cục CSGT... |
...và Bộ Tài nguyên và môi trường phát biểu tham luận tại Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt cho lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích trong 3 năm thực hiện các kế hoạch…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo đối với đấu tranh, ngăn chặn trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản và bảo vệ đê điều.
Bộ Công an đã có nhiều đợt cao điểm để chỉ đạo Công an trong toàn quốc và giao cho Cục Cảnh sát PCTP về môi trường là đơn vị chủ trì cùng với các đơn vị để có biện pháp ngăn chặn, hiệu quả vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các thiết chế pháp luật để kiểm tra, giám sát...
Dự báo tình hình trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, tại Hội nghị đã nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm để các đơn vị tham luận. Trong đó, cơ bản đồng tình những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực thực thi chính sách khoáng sản và quản lý đê điều liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành và đặc biệt là UBND các địa phương. Do đó, để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực khoáng sản và đê điều, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị trong công tác này.
Thứ trưởng Ngọc nêu rõ, muốn triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản… cần phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng cấp, từng địa phương đặc biệt cấp cơ sở, nhất là địa phương, cấp trực tiếp thường xuyên để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản và vi phạm hành lang đê điều góp phần răn đe tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến vi phạm lĩnh vực này.
Đối với Công an các đơn vj, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, trước hết cần nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với vi phạm thuộc các lĩnh vực tại Hội nghị đã đề cập, đặc biệt là lĩnh vực khai thác cát, sỏi trái phép; triển khai nghiêm túc công tác nghiệp vụ cơ bản, trong đó khâu điều tra cơ bản phải làm kỹ càng, khẩn trương để chỉ ra được những hành vi sai phạm liên quan đến bến bãi tập kết vật liệu, bến thủy neo đậu trái phép; phương tiện không phép và hết phép; khu vực khai thác được cấp phép để phát hiện các trường hợp quá phép và không phép…
Trên cơ sở làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản cần chỉ ra rõ những đối tượng để xác lập hiềm nghi, các chuyên án để đấu tranh triệt phá, bắt giữ đường dây, đối tượng cầm đầu…; xử lý trách nhiệm trường hợp bảo kê, làm ngơ đối với các hành vi vi phạm; đồng thời tổ chức tuyên truyền, răn đe đối với các đối tượng khác; động viên, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có kết quả đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao Bằng khen của Bộ Công an cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các địa phương, phải công khai các địa điểm, quy hoạch được khai thác bến bãi, phương tiện… để nhân dân giám sát, tham gia và góp ý trên tinh thần đó, phát động phong trào quần chúng nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, sau Hội nghị, Công an các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2019, cùng với đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm của Bộ Công an cần triển khai đấu tranh, ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực này nhằm giảm mạnh trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể, 19 cá nhân và Cục Cảnh sát PCTP về môi trường tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.
Tác giả: Minh Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn