Nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), 19 năm Ngày toàn dân PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt “Chúng tôi là chiến sĩ PCCC và CNCH” mùa thứ 6, năm 2020.
Chương trình nhằm tôn vinh, biểu dương các tổ chức, cá nhân và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng có thành tích tiêu biểu trong công tác PCCC và CNCH diễn ra vào tối 29/9.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo; cùng dự chương trình có đồng chí Lê Ngọc Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.
Với những CBCS của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, mỗi khi đường dây 114 vang lên, họ lại xông pha lên đường, can trường đương đầu với “giặc lửa” vì mục đích cao cả bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng và các đại biểu dự chương trình. |
Mở đầu chương trình, các đại biểu được xem lại hình ảnh về một chàng trai còn rất trẻ (17 tuổi) được cõng trên lưng một chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH.
Bức ảnh này đã được chia sẻ trên mạng xã hội với dòng chú thích đầy cảm xúc: “Giây phút sinh tử anh cõng em. Giây phút hội tụ em cõng anh. Cảm ơn anh đã cõng em băng qua khói lửa để em được sống”.
Đó là Trung úy Vũ Ngọc Hoàng, Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, TP Hà Nội đã cứu thành công em Nguyễn Hoàng Giang mắc kẹt, ngất lịm, không thể cất lời kêu cứu trong vụ cháy ngày 10/9/2019. Vụ cháy diễn ra đã hơn 1 năm, nhưng hình ảnh về chiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cõng em Nguyễn Hoàng Giang thoát khỏi “biển lửa” được chia sẽ đã gây ấn tượng xúc động về những Cảnh sát PCCC và CNCH sẵn sàng lao vào nguy hiểm để cứu giúp người khác.
Sáng 3/7/2020, ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở quán cơm trên đường Đề Thám, quận 1, TP HCM. Nguyên nhân ban đầu được cho là xì bình gas.
Lúc này Trung úy Võ Hoàng Huy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP HCM đi ngang qua và nghe nhiều tiếng tri hô kêu cứu. Với trách nhiệm của người lính cứu hỏa, anh nhanh chóng dừng xe và chạy đến ứng giúp.
Chia sẻ tại chương trình khi lên giao lưu, Trung úy Võ Hoàng Huy kể lại vụ cháy, khi bản thân không có phương tiện bảo hộ, không có đồng đội trợ giúp, thời điểm đó vợ anh đang mang thai 2 tháng.
“Điều tôi lo lắng nhất là có thể nổ bình gas gây nguy hiểm cho người dân. Tôi tin bất cứ những người lính chữa cháy nào nếu ở hoàn cảnh như tôi cũng sẽ sẵn sàng xả thân, đánh đổi tính mạng của mình cứu người trong vụ cháy đó”- Trung úy Vũ Hoàng Huy tâm sự.
Trung úy Võ Hoàng Huy đã bất ngờ khi hội ngộ với 2 bé sinh đôi Thiên Ân và Thiên Ái (24 tháng tuổi) đi cùng bà nội, mẹ và dì. Một trong 2 bé này đã được anh cứu trong vụ cháy ở quán cơm nêu trên.
Gặp lại ân nhân đã trực tiếp đưa cháu mình ra khỏi đám cháy, bà Trần Thị Sen (bà ngoại hai cháu) xúc động thay mặt gia đình cảm ơn Trung úy Võ Hoàng Huy, nếu không có anh xuất hiện thì tính mạng các cháu gặp nguy hiểm.
Khách mời giao lưu tại chương trình đã gây ấn tượng mạnh, ý nghĩa và đầy tự hào của người lính Cảnh sát PCCC và CNCH. Đó là câu chuyện xúc động của Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng, Đội công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP HCM.
Gần 20 năm làm công tác PCCC và CNCH, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành kể lại những vụ CNCH anh đã từng tham gia như vụ chìm tàu Dìn Ký và mới đây nhất tham gia vụ CNCH ở tỉnh Cao Bằng và Hà Giang do Cục Cảnh sát PCCC và CNCH điều động. Trong đó, có vụ CNCH ở hang sâu khoảng gần 200m.
Theo Thiếu tá Nguyễn Chí Thành khi đến hiện trường, thời tiết lạnh khoảng dưới 10oC, anh cùng đồng đội với kinh nghiệm dân gian thả con gà xuống khoảng 80m xem có dưỡng khí hay không, sau đó Ban chỉ huy họp để ra phương án phù hợp, an toàn cho CBCS tham gia CNCH. Do hang sâu, nhỏ hẹp chỉ có 1 CBCS được cử xuống, nên anh đã xung phong để xuống hang và nhờ sự hỗ trợ của đồng đội.
“Khi đó, càng xuống hang càng tối, tôi đã cố gắng hít thở sâu. Xuống đến nơi, tôi đã tìm được bộ hài cốt đang bị đá đè vùi lấp. Do nạn nhân tử vong lâu nên bộ xương bị rời nhiều nơi, tôi phải dùng tay để bốc xương.
Khoảng 45 phút sau, tôi báo cáo chỉ huy xin lên”- Thiếu tá Nguyễn Chí Thành kể lại. Lên đến mặt hang, đồng chí đồng đội ai cũng vui mừng vì anh đã an toàn và đặc biệt một số người thân của nạn nhân là đồng bào dân tộc đã vô cùng xúc động bày tỏ lời cảm ơn.
Vì 3 năm nay không ai có thể xuống hang mang bộ hài cốt lên được, nay nhờ có các chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH họ mới tìm lại được người thân.
Tại chương trình giao lưu, những hình ảnh CBCS Cảnh sát PCCC cứu người được tô đậm qua các phóng sự về Trung sĩ Dương Văn Nam và binh nhất Tống Văn Đồng, Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa, trong lúc nguy cấp, 2 chiến sĩ Cảnh sát PCCC Thanh Hóa đã nhường mặt nạ và bình dưỡng khí cho các nạn nhân mắc kẹt trong vụ cháy tòa nhà dầu khí Thanh Hóa; hình ảnh giải cứu cháu bé mắc kẹt trong trụ điện tại làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai trong lúc chơi đùa đã trèo vào 1 trụ điện bị bỏ hoang, sâu khoảng 2m. Cháu bị rơi xuống trụ điện và mắc kẹt trong trụ điện ở tư thế gập chân không đứng lên được.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Gia Lai đã tiếp cận giải cứu. Cháu bé có dấu hiệu hoảng sợ, tổ CNCH đã trấn áp, vừa chạy đua với thời gian, dùng bình ô xy hỗ trợ để cháu thở.
Sau 2 tiếng rưỡi đã giải cứu an toàn cháu bé; Vụ cháy kho chứa hạt điều thuộc Khu công nghiệp Phú Mỹ I, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm 30 CBCS bị thương tích.
Từ đầu năm đến nay đã có khoảng gần 2.000 vụ CNCH được thực hiện. Hàng trăm người dân được trở về nhà an toàn nhưng đổi lại, nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH không còn được quay về với tổ ấm của mình. Đó là Đại úy Phạm Phi Long, anh đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chũa cháy vào tối 7/9/2017.
3 năm sau ngày anh hy sinh, một ngôi nhà mới đã được Bộ Công an xây tặng cho gia đình anh. Nhưng nỗi nhớ về người con, chồng, cha và đồng đội ấy vẫn chưa khi nào nguôi.
Tác giả: Minh Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn