Nhiều năm qua, mô hình “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT)” của Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã phát huy hiệu quả tích cực. Vì một phút mù quáng ghen tuông, chị Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) đã gây án và nhận mức án 5 năm tù.
Sau khi chấp hành án, chị Lan trở về địa phương như rơi vào tuyệt vọng vì không biết sinh sống bằng cách nào. Chơi vơi giữa cuộc sống, mặc cảm với mọi người xung quanh, “Quỹ doanh nhân với ANTT” như một chiếc “phao cứu sinh” đã kéo chị Lan khỏi vòng khó khăn để làm ăn sinh sống. “Lúc đầu về thì khó khăn lắm bởi hai bàn tay trắng. Rồi ở xóm thì chị em giúp đỡ mình mấy ngày đầu.
Sau là được chính quyền địa phương, mấy anh Công an hỗ trợ tư pháp trên huyện và Công an thị trấn đến tìm hiểu nguyện vọng của mình để có hướng hỗ trợ. Các anh làm thủ tục cho mình vay 10 triệu đồng để làm vốn cân thịt, cá bán tại chợ.
Mỗi ngày cũng lời được tầm hơn một trăm ngàn, tháng hơn 4 triệu nên cuộc sống mình giờ đã ổn định hơn lúc mới về, có dư thì dành dụm để trả lại khoản tiền vay” - chị Lan tâm sự.
Cũng như chị Lan, ông Hồ Văn Triển (thị trấn Ba Chúc) với mức án 20 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau gần 14 năm cải tạo, ông Triển được xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Khi mới trở về, ông Triển luôn mặc cảm, tự ti với gia đình và những người xung quanh, nhưng với sự yêu thương, giúp đỡ đùm bọc của những người xung quanh, sự quan tâm, vận động của chính quyền địa phương và Công an địa phương, ông đã làm lại từ nguồn vốn vay của “Quỹ doanh nhân với ANTT”.
Với số vốn vay, ông Triển thuê 3 công đất trồng rau màu. Hàng ngày, bên liếp rau, luống cà, chăm chỉ vun bón, đó cũng là nghị lực để người đàn ông này rũ bỏ quá khứ lỗi lầm, làm lại cuộc đời.
Ông Triển tích góp thành quả lao động nuôi 2 con ăn học thành tài, người con trai lớn sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử đã lập gia đình yên bề gia thất. Con gái út cũng học đến hết cấp 3 và phụ giúp vợ chồng ông Triển công việc gia đình.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tri Tôn kiểm tra và hướng nghiệp cho những hộ gia đình vay vốn làm ăn hiệu quả. |
Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của “Quỹ doanh nhân với ANTT”, Đại tá Nguyễn Trường Viễn, Trưởng Công an huyện Tri Tôn nhớ lại, đầu năm 2013, khi thấy những người tù tha, mãn hạn tù trở về địa phương với hai bàn tay trắng, Ban lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an huyện Tri Tôn đã trăn trở và tìm cách giúp đỡ những người này hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.
Sau khi tham mưu cho UBND huyện, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, mô hình “Quỹ doanh nhân với ANTT” ra đời vào tháng 6-2013.
Trưởng Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách, Công an huyện là thành viên chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, xét duyệt bảo lãnh các đối tượng vay vốn. Với nguồn vận động ban đầu chỉ có trên 100 triệu đồng, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, nguồn vốn “Quỹ doanh nhân với ANTT” tăng dần, đến nay đã có số vốn gần 950 triệu đồng.
Ban Chỉ đạo đã mạnh dạn xét duyệt cho trên 74 trường hợp được đặc xá, tha tù, mãn hạn tù trở về địa phương vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc mua bán nhỏ. Tùy theo điều kiện, nhu cầu mà Ban Chỉ đạo xem xét cho vay từ 5-15 triệu đồng, với lãi suất không quá 0,5%/tháng và hình thức trả vốn cùng lãi theo từng thời điểm thích hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho những trường hợp vay trả nợ.
Thấy được mục đích và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của mô hình, từ khi thành lập đến nay, đã có nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ, đóng góp. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang là một trong những đơn vị có số tiền tài trợ nhiều nhất, bình quân mỗi năm 100 triệu đồng.
Chính từ sự hỗ trợ tích cực này mà nguồn quỹ ngày càng được nâng lên, tạo tiền đề để các doanh nghiệp, công ty khác tham gia đóng góp, thúc đẩy nguồn quỹ phát triển.
Ông Nguyễn Tấn Danh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang cho biết: “Hằng năm, ngoài việc nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng, công ty còn tham gia đóng góp an sinh xã hội, giúp đỡ người hoàn lương, xây dựng cầu đường nông thôn, với số tiền khoảng 15 tỷ đồng. Đặc biệt với mô hình “Quỹ doanh nhân với ANTT”, công ty đã ủng hỗ thường niên mỗi năm, đến nay đã góp vào 800 triệu đồng để giúp đỡ những người lầm lỡ quay về nẻo thiện”.
Năm 2015, công ty đã được Bộ Công an tặng bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo ANTT địa phương.
Trong hơn 6 năm qua, “Quỹ doanh nhân với ANTT” ngày càng phát triển, hiệu quả. “Xây dựng được mô hình đã khó, duy trì và làm cho nó phát triển quả không dễ dàng. Bởi, có khi những đối tượng vay làm ăn thất bại không trả được nợ.
Từ thực tế đó, Công an huyện Tri Tôn đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo có nhiều cách quản lý. Đồng thời, cử CBCS kết hợp với chính quyền địa phương và Công an cơ sở thường xuyên xuống địa bàn quan tâm, kiểm tra và hướng nghiệp cho những hộ gia đình vay vốn làm ăn hiệu quả, đảm bảo được cuộc sống của họ và có tiền hoàn vốn” - Đại tá Nguyễn Trường Viễn nói.
“Quỹ doanh nhân với ANTT” như chiếc cần câu mang đến sự ấm no cho những người lầm lỡ tìm lại cuộc đời sau bao năm đánh mất…
Tác giả: Trần Lĩnh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn