Quy định công tác cứu nạn, cứu hộ là cần thiết trong tình hình mới

Thứ tư - 15/03/2017 22:39

 

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại phiên họp, Trung tướng Bùi Văn Thành đã trình bày báo cáo Tờ trình về việc xin ý kiến xây dựng, ban hành Nghị định quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, nêu rõ: Trong giai đoạn hiện nay, các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tập trung nhiều công trình cao tầng, phức hợp với tính chất ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn; các diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết làm cho nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, cháy, nổ... gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nhiều sự cố, tai nạn đã hiện hữu hàng ngày, hàng giờ.

 
Quy định công tác cứu nạn, cứu hộ là cần thiết trong tình hình mới
Toàn cảnh phiên họp.

Từ năm 2001 đến nay, cả nước đã xảy ra khoảng 450 nghìn vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... làm chết 177,5 nghìn người, bị thương 343,3 nghìn người. Các sự cố, tai nạn nêu trên diễn ra đột xuất, chưa đến mức "thảm họa", thiên tai lớn, nên chưa cần thiết huy động lực lượng tìm kiếm CN-CH lớn theo sự điều phối của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, vì thế lực lượng PCCC đã luôn thể hiện vai trò nòng cốt, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác CNCH.

Ngày 15-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg (Quyết định số 44) quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC, đã tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tạo chuyển biến tích cực trong công tác CNCH. 

Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 44, lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với nhiều sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, được nhân dân tin tưởng cao.

 
Quy định công tác cứu nạn, cứu hộ là cần thiết trong tình hình mới - Ảnh minh hoạ 2
Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.

Trung tướng Bùi Văn Thành nhấn mạnh, tuy nhiên, thực tế cho thấy, Quyết định số 44 chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ; dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động CNCH; không phát huy được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý khi có sự cố, tai nạn xảy ra… 

Do đó, Trung tướng Bùi Văn Thành khẳng định việc nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là cần thiết.

Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 7 chương, 39 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phạm vi hoạt động CNCH của lực lượng PCCC; quy định về lực lượng CNCH, các tình huống trong hoạt động CNCH…

Tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ hiện nay. 

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị định Quy định về phạm vi, nguyên tắc, quan hệ phối hợp, tổ chức, hoạt động và bảo đảm điều kiện cho hoạt động CNCH; các lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác CNCH của lực lượng PCCC. Đa số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Nghị định đã kế thừa các quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn đòi hỏi của hoạt động CNCH hiện nay.

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Võ Trọng Việt nêu rõ, hiện nay công tác phối hợp giữa lực lượng PCCC với các cấp chính quyền địa phương, công tác CNCH, việc trang bị phương tiện CNCH cho lực lượng PCCC còn khá nhiều bất cập so với đòi hỏi từ thực tiễn và sự phát triển của đất nước. 

Trong khi đó, trước tình hình CNCH xảy ra thường xuyên hàng ngày và trên diện rộng thì phải có cơ sở pháp lý để các lực lượng PCCC thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ CNCH. 

Qua ý kiến của các thành viên Ủy ban tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Võ Trọng Việt kết luận Nghị định đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ ban hành; góp phần để lực lượng PCCC ngày càng tinh gọn, hiện đại, hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo cuộc sống an lành của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước...

 

Trần Xuân
 

Tác giả: Trần Xuân

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây