Không đi kháng chiến, không bị nhiễm chất độc hóa học nhưng vẫn nghiễm nhiên hằng tháng lĩnh tiền trợ cấp thương binh và chất độc da cam. Điều bất thường này đã dấy lên mối nghi ngờ lớn trong dư luận và không lọt qua con mắt nghiệp vụ tinh tường của các cán bộ an ninh điều tra (ANĐT). Trong vài năm qua, Phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định đã vạch trần nhiều đường dây làm giả giấy tờ, hồ sơ, con dấu để hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.
Đến Phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định vào một ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương, bận rộn của CBCS khi họ đang dốc sức tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức xác minh, điều tra, khám phá các vụ án, vụ việc. Trong đó có vụ án liên quan đến ổ nhóm tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn làm giả hồ sơ, tài liệu để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, gần đây trên địa bàn tỉnh Nam Định xuất hiện nhiều đường dây tội phạm lợi dụng kẽ hở trong việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước để trục lợi, gây bất bình trong dư luận.
Đại tá Phạm Văn Hòa, Trưởng phòng ANĐT cho biết, năm 2016, cơ quan ANĐT đã khởi tố 12 vụ với 17 bị can. Điển hình trong số này là vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại huyện Nghĩa Hưng, khởi tố 12 bị can, chuyển VKS đề nghị truy tố và TAND tỉnh Nam Định đã xét xử kết luận các bị can đều có tội.
Cán bộ, chiến sỹ Phòng ANĐT đang họp án. |
Lợi dụng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa hưởng chế độ trợ cấp, một số người không đi chiến trường B, C, K nhưng đã mua hồ sơ kê khai xin hưởng tiền trợ cấp dành cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Theo hướng dẫn về thủ tục xin duyệt thì hồ sơ phải có Huân, Huy chương Chiến sĩ Giải phóng do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng hoặc lý lịch đảng viên, giấy tờ khác chứng minh có quá trình công tác tại vùng, miền bị rải chất độc hóa học theo quy định của Nhà nước. Chính vì vậy mà có người đến gặp Nguyễn Văn H., 54 tuổi, trú tại thôn Đồng Nguyên, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, để làm huân, huy chương giả.
Theo lời khai của H thì sau khi nhận lời người cần mua, anh ta đến gặp Nguyễn Thanh T., 68 tuổi, trú tại xã Nghĩa Sơn, nhờ làm Huy chương CSGP giả đưa vào hồ sơ xin xét duyệt trợ cấp chất độc da cam. Nguyễn Thanh T. điện cho Đồng Hải T. (giáo viên Trường PTCS xã Nghĩa Trung) hỏi mua phôi huy chương. Đồng Hải T. đã tìm Đỗ Quang K, trú tại xã Nam Thái, huyện Nam Trực, để mua.
Khi có phôi, Đồng Hải T. cung cấp cho Nguyễn Thanh T. để anh ta viết nội dung, rồi chuyển cho người mua để đưa vào hồ sơ nộp tại UBND xã xin xét duyệt chế độ. Sự việc bị phát giác khi có đơn tố cáo của người dân gửi cơ quan báo chí. Theo kết quả điều tra thì số tiền trợ cấp mà những người mạo nhận bằng hồ sơ giả này nhận được đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Gần đây nhất, cũng qua báo chí và nguồn tin của quần chúng về việc có 31 trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng trợ cấp của Nhà nước tại xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh, cơ quan ANĐT lại bắt tay vào cuộc. Sau nhiều ngày xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, cơ quan ANĐT đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo Đại tá Phạm Văn Hòa, khi đấu tranh với loại tội phạm này, khó khăn lớn nhất là tra cứu hồ sơ. Do thời gian quá lâu, hồ sơ bị thất lạc do chiến tranh, có đơn vị giải thể, rất khó khăn chứng minh giải mã vùng miền, không lưu trữ một cách hệ thống nên quá trình xác minh mất rất nhiều thời gian. Người ký văn bản đã chết hoặc đang bị bệnh hiểm nghèo, hồ sơ lưu trữ tại xã không có…
Mày mò tìm kiếm, phối hợp với Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) xin được mẫu huân, huy chương, mẫu các quyết định xuất ngũ, phục viên, xác nhận thương binh, giấy chứng nhận thương tật… để đối chiếu. Tiếp xúc với những cán bộ trực tiếp điều tra loại án trên, chúng tôi mới thấm thía công sức mà các anh đã vất vả dành cho chuyên án.
Không chỉ kiên trì, tỉ mỉ, mà họ còn làm việc quên giờ giấc, quên ngày tháng, bởi đây là án mới, kinh nghiệm điều tra chưa nhiều, vì thế các anh vừa làm vừa học. Nhưng bù lại, mỗi một chuyên án thành công, họ lại nhận được lời ngợi khen của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an; được Ban Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
Ngoài thành tích nổi bật trong đấu tranh với tội phạm “tạo dựng hồ sơ giả”, năm 2016, Phòng ANĐT còn lập nhiều chiến công như: điều tra vụ án tán phát tài liệu trên mạng có nội dung nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; khởi tố bắt giam 2 bị can là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 16 tiểu thương ở chợ Rồng với số tiền gần 20 tỷ đồng…
Hưởng ứng đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của lực lượng ANĐT (31-12-1951 – 31-12-2016), tập thể Phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định đã phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Có được thành tích như trên, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành, nhất là với Quân đội nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân; sự đồng lòng, đoàn kết của lãnh đạo và CBCS. Với 23 cán bộ chiến sĩ nhưng tỉ lệ điều tra án của Phòng ANĐT luôn đạt ở mức cao, điều đó cho thấy sự nỗ lực và trách nhiệm với công việc luôn được lãnh đạo đơn vị đặt lên hàng đầu.
Nhiều năm liền, Phòng ANĐT đều được công nhận là đơn vị Quyết thắng; năm 2015 được nhận Cờ thi đua của Tổng cục Chính trị CAND và năm 2016 được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.
Tác giả: T.Hằng - Ng.Hương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn