1. Gặp Đại úy Dương Phương Thảo, cán bộ Phòng Hậu cần tài vụ, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an trong chương trình đem tiếng hát đến cho các bệnh nhân Viện K3, Tân Triều, chúng tôi thấy chị tất bật lo chuẩn bị hậu trường cho nhóm. Đây là hoạt động thường xuyên của cán bộ và học viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (ĐHPCCC) tổ chức cùng sự tham gia các đồng nghiệp, đông đảo nhân dân tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và Viện K3 – Tân Triều.
Tham gia nhóm từ khá lâu, Đại úy Dương Phương Thảo tâm sự: “Lý do khiến mình yêu thích và hăng hái với các hoạt động thiện nguyện xuất phát từ sự đồng cảm và thấu hiểu những hoàn cảnh còn khó khăn. Hơn nữa mình lại là một sĩ quan Công an nên mình được ngành rèn luyện ý thức giúp đỡ, phục vụ nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Đi làm công tác xã hội giúp mình năng động hơn trong cuộc sống, trân trọng những gì mình có hơn và tự hào mình là nữ chiến sĩ CAND”.
Không chỉ nhiệt tình tham gia với hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện của các đồng nghiệp, Đại úy Dương Phương Thảo còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động thiện nguyện khác cả trong và ngoài đơn vị.
Khi thì chị tự đứng ra cùng vận động đồng nghiệp và quần chúng nhân dân góp tiền xây điểm trường ở vùng cao, khi thì là người đi thu gom sách giáo khoa, truyện tranh, đồ chơi cho các bệnh nhân nhi đang điều trị ở viện, hoặc cũng làm công tác tổ chức, điều hành việc tặng quà và hoạt náo viên trong các hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện.
Đại úy Dương Phương Thảo (bên trái). |
Kỷ niệm với bệnh nhân thì nhiều nhưng có lẽ ấn tượng nhất với chị là lần tổ chức tặng sách giáo khoa cho các bệnh nhân nhi để chuẩn bị vào năm học mới tại Viện Huyết học và Truyền máu TW. Hôm đó chị cùng đồng đội vào trao quà theo kế hoạch. Nhìn các bệnh nhi trạc tuổi con trai mình nhưng đã mắc bệnh nặng, không biết sau này sẽ ra sao, chị xúc động lắm. Khi được trao sách, bọn trẻ hồ hởi, ríu rít nói: “Con học giỏi để sau này con cũng muốn làm Công an như cô”, rồi có bé bảo: “Con ước làm bác sĩ để sau này con chữa bệnh giúp người nghèo”. Những câu nói hồn nhiên của các con làm chị rưng rưng. Số phận đã không cho bọn trẻ được may mắn và mạnh khỏe để đến trường như bao đứa trẻ khác nên chị mong muốn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa để cùng đồng nghiệp bù đắp phần nào thiệt thòi mà các bé đang phải gánh chịu.
“Có lần cùng tham gia hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện tại Khoa Xạ đầu, cổ - Viện K3 cùng cán bộ, học viên Trường ĐHPCCC, khi cả đoàn hát những bài hát về Trường Sơn thì đột nhiên có một bệnh nhân già đứng dậy, chạy lên sân khấu bắt nhịp cho tất cả mọi người và múa phụ hoạ cho cả bài hát, hỏi ra mới biết bác bệnh nhân đó là lính Trường Sơn như bố mình. Vì đang điều trị, không hát góp vui được thì bác lên múa, những ca khúc một thời đạn bom đã chạm vào trái tim người lính già làm sống lại một thời thanh niên sôi nổi của bác làm bác hạnh phúc và bác như được tiếp thêm sức mạnh. Mình đã vô cùng xúc động và không thể quên người lính Trường Sơn đó”.
Là một người cầu toàn, muốn tự tay làm tất cả nên hoạt động từ thiện cũng ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhưng Đại úy Dương Phương Thảo luôn cố gắng sắp xếp khoa học để tham gia đều đặn, nhiệt tình. Buổi tối tham gia các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân ở Viện K, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì cuối tuần, chị lại tranh thủ đi thu chăn ấm, quần áo rét để chuyển lên vùng cao....
Nếu bận quá không đi được thì chị vận động người thân và bạn bè cùng chung tay giúp đỡ. Những việc làm của Đại úy Dương Phương Thảo luôn được người thân nhiệt tình ủng hộ. Chị bảo, mong rằng những điều chị và đồng đội làm có sức lan toả đến mọi người dân để chúng ta cùng nhau cố gắng, cống hiến hết mình, mỗi ngày làm một việc tốt, một hành động, dù nhỏ thôi nhưng cũng thấy cuộc sống thật có ý nghĩa.
Niềm vui của các bệnh nhân khi được tặng hoa, quà và âm nhạc nhân ngày 20-10. |
2. Kiệm lời nói về mình nhưng những việc làm của Đại uý Bạch Phương Chi, Phó Đội trưởng Đội Văn hoá văn nghệ thể dục thể thao, Phòng Công tác chính trị, Công an TP Hà Nội luôn được đồng đội đánh giá cao bởi ý nghĩa và sức lan tỏa.
Tham gia hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện hơn 1 năm nay, Chi là người có nhiều đề xuất, sáng kiến cho nhóm. Tiếp xúc nhiều với các em nhỏ, Chi thương các em lắm. Nhiều em trạc tuổi con mình đã mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà lại khó khăn, tiền chữa bệnh còn không có, nên nhiều em chỉ có một ước mơ giản dị là được đến trường, được tặng một bộ đồ chơi, hay đơn giản là chỉ được ăn một bữa ngon…
Vậy là Chi nghĩ ra sáng kiến cho các em viết ước mơ ra tờ giấy và vận động bạn bè, đồng nghiệp, đồng thời lấy chính tiền túi của mình để thực hiện ước mơ cho các em.
Đại úy Bạch Phương Chi trao quà cho bệnh nhân. |
Nghe đồng nghiệp kể lại, chúng tôi thấy thật khâm phục tấm lòng của chị. Khi nhận được mẩu giấy ghi mong muốn có một bộ đồ chơi của một cậu bé bị ung thư, ngay lập tức Chi về đi tìm mua bằng được cho em. Thế nhưng, khi mang đến, thằng bé vẫn lắc đầu không phải và nó chỉ một bộ mà nó thích trên mạng. Nhưng bộ đồ chơi ấy lại là bộ đồ chơi nhập ngoại, khá đắt tiền. Vậy là Chi nhờ người đặt từ tận bên nước ngoài gần 1 tháng mới có để mang về và tự bỏ tiền túi ra để tặng cho em.
Mấy ngày gần đây, Chi và các đồng nghiệp càng bận rộn với chương trình dành tặng cho các bệnh nhân nữ tại Viện K3 nhân ngày 20-10. Công việc chuẩn bị quà tặng, âm nhạc, tiếng hát đã xong, nhưng Chi còn bận rộn với cả việc đi xin tóc giả dành tặng cho các bệnh nhân nữ bị ung thư. Chi tâm sự, sau mỗi lần vào viện hát, nhìn những bệnh nhân xạ trị rụng hết tóc, chị vẫn day dứt về ý tưởng tặng tóc giả cho những bệnh nhân nữ nơi này để họ đẹp hơn, được quan tâm hơn nhân ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam.
Họ đã quá thiệt thòi về mọi thứ, ngay cả bộ tóc để làm đẹp của người phụ nữ cũng không có. Sau khi Phòng Công tác xã hội của Viện K Tân Triều khảo sát nhu cầu bệnh nhân thì ý tưởng tặng 200 bộ tóc giả và thành lập đoàn vào tặng trực tiếp tại giường bệnh ngày 19-10 đã được thực hiện.
Sau giờ làm việc, Chi lại tất bật đi thu gom tóc giả về làm quà tặng cho bệnh nhân. Nhìn ánh mắt rưng rưng của các chị, Chi hạnh phúc lắm. Với những người làm thiện nguyện như Chi không gì vui bằng khi đem được niềm vui, hạnh phúc đến cho các bệnh nhân và được họ nhiệt tình đón nhận.
Đại úy Phạm Thị Thu Huyền một lần tham gia công tác từ thiện. |
3.Từ nhiều năm nay, Đại úy Phạm Thị Thu Huyền, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được nhiều người biết đến không chỉ là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, mà còn hoạt động nhiệt tình trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hơn 11 năm gắn bó với công tác Hội Phụ nữ, được chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, hơn ai hết chị hiểu những khó khăn, vất vả mà họ phải chịu đựng. Vậy là với vai trò của mình, chị kêu gọi giúp đỡ, quyên góp từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân để chia sẻ với người nghèo.
Ngoài kinh phí ủng hộ của bản thân và gia đình, chị đã tham mưu lãnh đạo đơn vị tổ chức “Ngày vàng” quyên góp tại đơn vị để 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia; phát động chị em cán bộ hội viên và đoàn thanh niên Công an huyện đóng góp ít nhất 10.000đ/tháng, vận động và thu hút sự ủng hộ của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện ủng hộ, giúp đỡ bảo trợ hằng tháng đối với trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, các nạn nhân chất độc da cam và những người nghèo khổ tại địa phương.
Để hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa, đúng người, đúng hoàn cảnh, với mỗi gia đình cần giúp đỡ, chị đều đến nhà để hỏi xem gia đình cần những gì sau đó mới kêu gọi giúp đỡ. Người già yếu, neo đơn thì chị cùng đồng nghiệp tặng sổ tiết kiệm, lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày... Với học sinh nghèo thì tặng xe đạp, tặng tiền, tặng sách vở…
Những phần quà tuy không lớn nhưng phần nào sưởi ấm trái tim của nhiều số phận kém may mắn và tô đẹp thêm hình ảnh người nữ chiến sĩ Công an nhân dân giỏi việc nước, đảm việc nhà và giàu lòng nhân ái.
Lê Phong – Ngọc TrâmNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn