Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong tổ chức diễn tập điều hảnh xả lũ khẩn cấp vừa qua.
Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần đoàn kết "tương thân tương ái”; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ); thi công đảm bảo an toàn khu sạt trượt đồi ông Tượng, đảm bảo hệ thống lưới điện; đôn đốc TP Hòa Bình hoàn thành khu tái định cư 74 hộ làng Vạn Chài; rà soát điểm di dân khẩn cấp; đóng 1 cửa xả đáy để vùng hạ du đảm bảo an toàn sản xuất. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thăm hỏi, động viên, quan tâm hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai.
Quốc lộ 6, đoạn qua đèo Chiềng Đông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu bị ngập lụt do ảnh hưởng cơn bão số 3. |
Riêng về đề xuất hỗ trợ xử lý sạt lở khu vực phía Đông đồi Ông Tượng, lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, từ đó đề xuất cụ thể phương án giải quyết vấn đề một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo tính bền vững cao giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình Bùi Văn Tỉnh kiến nghị Đoàn công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; thực hiện dự án khẩn cấp xử lý sạt lở đất khu vực phía Đông đồi Ông Tượng; và kinh phí khắc phục hư hỏng các công trình giao thông; nâng cấp đê Phú Cường, huyện Kỳ Sơn kết hợp giao thông dài 23km; xây dựng tường chắn sóng bờ trái sông Đà đảm bảo chống lũ cao; lắp đặt thiết bị cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ sạt trượt.
Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, từ đầu tháng 7-2018 do mưa lớn ở thượng nguồn sông Đà, lượng nước về hồ Hòa Bình rất lớn, hiện nay hồ Hòa Bình đang mở 4 cửa xả đáy. Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, kéo dài trên diện rộng từ ngày 15-7 đến 21-7 cùng với chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân sinh sống phía hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình. Hiện, toàn tỉnh đã có 1 người chết do sạt lở đất tại xóm Mát, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc và 1 người bị thương nhẹ do đá lăn tại xóm Bưởi, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc; 250 ngôi nhà bị hư hỏng và thiệt hại do mưa lũ tại các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Lương Sơn, Tân Lạc, Lạc Thủy...
Đến nay, công tác phòng chống thiên tai vẫn được thực hiện tích cực, chú trọng nhất vào công tác hỗ trợ an sinh, hỗ trợ về nhà ở và tái định cư, khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời an toàn 74 hộ dân làng Vạn Chài ở khu vực hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình về nơi mới an toàn. Đối với các hộ dân di dời khẩn cấp đã di dời 100% đến nơi an toàn; các công trình hạ tầng đang được khẩn trương khôi phục để phục vụ sản xuất và đời sống.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công tác di dân tại 74 hộ dân làng Vạn Chài tại chân cầu Hòa Bình đến nơi tránh lũ an toàn; kiểm tra việc xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình; hoạt động thi công chống sạt lở đất đá tại đồi Ông Tượng.
Yên Bái: Ngày 22-7, lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn tại vùng lũ tỉnh Yên Bái đã tìm thêm 2 người dân ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn bị mất tích vẫn còn sống và đưa về nơi an toàn. Tính đến thời điểm này, đã có 10 người mất tích được tìm thấy vẫn còn sống.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái về công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cơn bão số 3, Công an tỉnh Yên Bái đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị cử lực lượng, phương tiện và các vật dụng cần thiết cứu người, giúp nhân dân di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn và khắc phục các hậu quả do bão lũ gây ra. Đồng thời, chủ động có các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các tuyến đường nguy hiểm, cảnh báo cho người dân không được di chuyển đến các điểm có nguy cơ sạt lở.
Từ ngày 19-7 đến ngày 22-7, Công an tỉnh đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sỹ và 184 lượt Công an xã trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ, di chuyển người dân và tài sản ra khỏi khu vực ngập lụt, các điểm nguy hiểm tại địa bàn TP Yên Bái, huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Mù Cang Chải; thành lập các chốt tại khu vực sông Hồng, suối Thia để tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi trên địa bàn TP Yên Bái, huyện Văn Chấn.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ trinh sát nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã tiến hành khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, vận chuyển tài sản của nhân dân, quét dọn vệ sinh, đường phố. Công an tỉnh Yên Bái đã huy động 8 xuồng máy, 24 xe ôtô giúp nhân dân di chuyển người, tài sản và tiếp tục tìm kiếm người mất tích.
Công an huyện Nho Quan tham gia đắp đê chống tràn. |
Chỉ tính riêng trong ngày 22-7, Công an tỉnh Yên Bái đã huy động 646 lượt cán bộ, chiến sỹ và 108 lượt Công an xã, 3 xe chữa cháy để chuyển tài sản cho nhân dân, dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường. Đồng thời bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở các địa bàn, nắm tình hình có liên quan để tham mưu, xử lý kịp thời; phối hợp với các ngành, chính quyền địa phường tiếp tục tìm kiếm các trường hợp bị mất tích.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều tổ công tác xuống tận thôn, bản để hỗ trợ an sinh xã hội; chuyển nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các thôn, xã; tiếp tục chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức đưa máy bơm, máy phát điện vào các xã đang bị chia cắt; tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ và phân bổ hỗ trợ kịp thời cho nhân dân.
Sơn La: Đêm 21-7, ngay khi các xã vùng tâm lũ của tỉnh Sơn La đã tạnh mưa, lực lượng Công an tỉnh Sơn La cùng các lực lượng địa phương đã nhanh chóng tiếp tục bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả trận mưa lũ để lại, đặc biệt là tìm mọi phương án thông đường và vận chuyển tăng bo tiếp cận với các xã còn bị cô lập.
Tại huyện Phù Yên hiện vẫn còn 3 xã chưa thể tiếp cận được là Sập Sa, Mường Lang và Mường Bang do giao thông bị sụt sạt lớn, mất điện và mất thông tin liên lạc. Đây cũng là 3 xã xa nhất và khó khăn nhất trên địa bàn huyện.
Tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, cho tới chiều 22-7 vẫn còn 4 bản bị ngập sâu là bản Co Tràm, Co Tang, Pa Kha và Lóng Luông, khiến sinh hoạt của bà con hết sức khó khăn.
Hiện lực lượng Công an cùng Đoàn Thanh niên, dân quân vẫn đang tham gia hỗ trợ những gia đình bị ngập lụt di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn…
Sáng 22-7, do khu vực ngã ba Tòng Đậu trên quốc lộ 6 còn ngập sâu nên tuyến Sơn La về Hà Nội vẫn tê liệt. Cảnh sát giao thông đã có thông báo đối với các phương tiện di chuyển về Hà Nội sẽ rẽ tại ngã ba Tượng đài Cò Nòi sang quốc lộ 37, sang quốc lộ 32 về Yên Bái và lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Thống kê đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sơn La đã có 6 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Sơn La trời đã tạnh mưa. Tuy nhiên theo dự báo, hiện nay xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng Đông Nam về phía Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực Vịnh Bắc Bộ. Xoáy thấp kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới sẽ tiếp tục gây mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong 1-2 ngày tới.
Vì vậy, cùng với khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa lũ những ngày qua gây ra, Công an tỉnh Sơn La cùng các lực lượng chức năng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, xoáy thấp; nhằm thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là chủ động triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ”; sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Hà Nam: Sáng 22-7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước từ thượng nguồn đổ về và mưa nhiều trên diện rộng, tại địa bàn huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), mực nước sông Đáy dâng cao làm tuyến đê Đồng Sơn thuộc địa phận xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng bị tràn.
Trước tình hình đó, Công an huyện Kim Bảng đã huy động hơn 50 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và bà con nhân dân dùng các bao tải cát để gia cố tuyến đê xung yếu dài hơn 300 mét trên địa bàn xã Liên Sơn.
Dự báo tình hình trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh Hà Nam, mực nước sẽ tiếp tục dâng cao, để kịp thời ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh thực hiện nghiêm công tác ứng trực, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng và nhân dân trên địa bản tỉnh tham gia chống lũ, quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra.
Ninh Bình: Sáng 22-7, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không mưa, trời bắt đầu hửng nắng nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa trên thượng nguồn đổ về kết hợp với mưa trên địa bàn những ngày qua đã khiến mực nước sông Hoàng Long tiếp tục dâng cao. Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bình quân 450mm, mực nước tại bến Đế đạt 4,11m, cao hơn mức báo động III. Tỉnh Ninh Bình đã huy động lực lượng bảo đảm an toàn hệ thống đê Hoàng Long, tránh gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Trước đó, do mưa lớn kéo dài, một số đoạn đê tại xã Gia Lâm và xã Gia Thủy, huyện Nho Quan nước đã tràn qua mặt đê có nguy cơ gây ngập úng cho các xã trong đê nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời. UBND huyện Nho Quan đã huy động các lực lượng tham gia ứng cứu để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Trong đó, Công an huyện Nho Quan đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức dùng bao cát đắp hàng trăm mét đê bị tràn thuộc thôn 9, xã Gia Lâm và thôn Hoàng Long Giang, xã Gia Thủy.
Khi mực nước tại sông Hoàng Long ở mức cao, việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê đang là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ban Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh, đặc biệt là Công an huyện Nho Quan, Gia Viễn sẵn sàng ứng trực, phối hợp với các lực lượng tại địa phương ngăn ngừa kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh, chủ yếu trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn. Với mực nước như hiện nay, tỉnh Ninh Bình vẫn đảm bảo an toàn tại tất cả các tuyến đê, đặc biệt là đê tả và hữu sông Hoàng Long.
14h cùng ngày, Công an huyện Nho Quan đã huy động 40 CBCS phối hợp với lực lượng chức năng đến đập tràn Ông Thử, thuộc 2 xã Gia Thủy, Gia Lâm để gia cố chống tràn dùng cát cho vào bao tải dứa, sau đó đặt lên mặt tràn đê nhằm nâng chiều cao để tránh nước dâng giảm thiệt hại, đồng thời tính đến phương án khắc phục sự cố lâu dài…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn 6 người mất tích gồm: Nguyễn Hoàng Thái (27 tuổi, trú tại Khe Voi, Đông An, Văn Yên); Giàng Thị La (61 tuổi, trú tại Khe Đâm, Mỏ Vàng, Văn Yên); Hoàng Thị Phương (21 tuổi, trú tại thôn Khe Ván, Quang Minh, Văn Yên); Nguyễn Ton Di (trú tại Nậm Mười, Văn Chấn); Nguyễn Thị Thúy (trú tại Sơn Lương, Văn Chấn); Hà Sơn Hòa (trú tại Sơn Lương, Văn Chấn). |
Tác giả: P.V - X.Mai - T.Vy - T.Dũng - M.Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn