5 năm trở lại đây, mỗi năm TP HCM xảy ra trên dưới 4.000 vụ PPHS, giảm khoảng 70% so với trước đó 4 thập kỷ dù dân số tăng gấp 4 lần. Để đạt được kết quả đó, là sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền TP HCM nói chung cũng như lực lượng Công an thành phố nhằm mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Dân số TP HCM vào thời điểm cuối năm 1975 là 3,4 triệu người nhưng lại có đến 300.000 đối tượng lưu manh, 150.000 người nghiện ma túy, 200.000 gái mại dâm, 370.000 trẻ mồi côi, lang thang bụi đời.
Để giải quyết hậu quả nặng nề này, Công an TP đã tổ chức nhiều đợt truy quét, thu gom đối tượng vào các trường, trại cải tạo; đồng thời vận động quần chúng tích cực tham gia quản lý, giáo dục tại chỗ. Lực lượng Công an thành phố những năm đó đã triệt phá hàng nghìn băng, nhóm tội phạm các loại, bắt giữ gần 20.000 đối tượng PPHS, thu giữ hàng nghìn khẩu súng quân dụng.
Tuy nhiên, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn xảy ra gây chấn động dư luận, hoang mang trong quần chúng nhân dân như vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương để tống tiền (tháng 6/1977), vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga (11/1978), vụ bắt cóc con bác sĩ La Hỷ (tháng 8/1979)…
Tàn bạo hơn cả là băng cướp do anh em Lê Khắc Lễ và Lê Khắc Nghĩa cầm đầu cùng 20 đồng bọn. Băng cướp này sẵn sàng dùng súng tiểu liên bắn chết toàn bộ gia đình của nạn nhân nào mà chúng chọn làm con mồi.
Trước khi bị xóa sổ, chỉ trong vòng 1 tháng, chúng đã giết chết đến 13 người để cướp tài sản. Hay như băng cướp do Võ Tùng Hội cầm đầu, chuyên cướp tiền ở ngân hàng và những người vừa giao dịch với ngân hàng trên đường về nhà. 33 tên cướp trong băng nhóm bị bắt giữ khai thực hiện trót lọt 100 vụ cướp, bắn chết 2 người và làm 3 người khác bị thương. Tang vật thu giữ với 14 khẩu súng, 3 ôtô, 20 xe gắn máy mà chúng dùng làm phương tiện gây án…
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM được Thành ủy TP HCM khen thưởng vì thành tích khám phá vụ án khủng bố do đối tượng Nguyễn Khanh cầm đầu. |
Theo Công an TP HCM, chỉ trong giai đoạn từ 1975-1978, TP HCM xảy ra 45.000 vụ PPHS, trong đó có gần 1.400 vụ cướp; gần 170 người bị giết chết và 200 người bị thương. Tài sản bị thiệt hại gồm hơn 1.200 lượng vàng, 60 viên kim cương, 15 ôtô, 370 xe gắn máy cùng một số tài sản có giá trị khác…
Đứng trước tình hình phức tạp về ANTT, tháng 3/1978, Công an TP HCM đã thành lập lực lượng Cảnh sát săn bắt cướp (SBC) với 5 đội, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm gây án trên đường phố. Lực lượng SBC là nơi tập hợp những trinh sát trẻ gan dạ, dũng cảm; giỏi võ thuật, bắn súng và lái xe. Những “cảnh sát chìm” này luôn trong tư thế sẵn sàng rượt đuổi, đấu súng với những tên tội phạm nguy hiểm nổi lên rất nhiều trong thời gian này.
Những năm đó, hình ảnh Cảnh sát SBC trên những chiếc xe Honda 67 xoáy nòng chạy với tốc độ hơn 100 cây số/giờ để truy bắt cướp trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố. Sau 10 năm kể từ ngày thành lập, lực lượng SBC với những tên tuổi trở thành thần tượng của người dân thành phố như Hai Thành, Mai Văn Tấn, Lý Đại Bàng, Năm Lửa… đã lập nhiều chiến công, bắt giữ hàng trăm tên cướp đặc biệt nguy hiểm.
Cũng trong giai đoạn này, cuối năm 1980, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 31/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới. Nhiệm vụ được đặt ra cho chính quyền, Công an các địa phương là tăng cường phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống tệ nạn xã hội nhằm xóa bỏ điều kiện phát sinh tội phạm do chế độ cũ để lại.
Từ đó đến hết năm 1986, cơ quan Công an đã bắt giữ 150.534 đối tượng, trong đó có 30% là lưu manh chuyên nghiệp, 2.922 đối tượng có lệnh truy nã. Triệt phá 10.545 băng nhóm tội phạm thu 20.000 khẩu súng, 30.936 lựu đạn, 53 tấn thuốc nổ. Nhờ đó mà số vụ PPHS giảm đến gần 50% so với năm 1979. Thế trận này được giữ vững những năm tiếp theo, PPHS hằng năm giảm dần. Từ đó, các đội SBC cũng được giải thể vào năm 1988 để thành lập các đội nghiệp vụ phòng, chống tội phạm như mô hình hiện nay.
Nhờ sự đấu tranh quyết liệt này mà đến đầu thế kỷ 21, số vụ PPHS ở TP HCM xảy ra chỉ hơn 6.000 vụ mỗi năm. Và tình hình ANTT thật sự bước sang một giai đoạn mới, ổn định hơn kể từ khi đập tan “tập đoàn” tội phạm do Trương Văn Cam (Năm Cam) cầm đầu vào cuối năm 2001.
Còn tính cả 1 thập niên đầu thế kỷ 21, Công an TP HCM đã triệt phá hàng loạt băng nhóm tội phạm khét tiếng như băng nhóm Nguyễn Hữu Thành (Phước “tám ngón”), Đỗ Đức Bình (Bình “kiểm”), Đỗ Ngọc Khuê, Huỳnh Văn Tiếm, Nguyễn Trọng Ngôn (Tí “điên”)…
Trong khi các băng nhóm tội phạm có tổ chức, manh động, tàn bạo bị xóa sổ thì cũng trong giai đoạn này lại nổi lên tình trạng cướp giật tài sản lộng hành trên đường phố mà hầu hết là do con nghiện gây ra. Từ đó Ban Giám đốc Công an TP HCM quyết định tái thành lập lực lựơng SBC với hy vọng đội ngũ tinh nhuệ này sẽ góp phần lớn đẩy lùi tội phạm trong thời kỳ mới.
Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) ra đời vào ngày 2/4/2008 với thành phần nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ của Đội Phòng chống cướp giật. Mỗi chiến sĩ CSHSĐN đều được đào tạo nghiệp vụ khá bài bản, được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và một số đặc quyền khác để thuận lợi cho họat động nghiệp vụ. Đội này luôn ứng trực 24/24 giờ trong tư thế sẵn sàng truy bắt tội phạm gây án.
Lực lượng 363 ngày đầu ra quân. |
Tuy nhiên, Ban Giám đốc Công an TP HCM xác định rõ phương thức đấu tranh của chiến sĩ CSHSĐN không giống “SBC” ngày trước. Bởi những năm sau ngày giải phóng miền Nam, đường phố TP HCM còn thưa người qua lại nên việc truy đuổi cướp khá dễ dàng. Còn bây giờ, xe cộ đông đúc, việc truy đuổi cướp với tốc độ cao rất nguy hiểm cho người lưu thông và cũng không an toàn cho trinh sát.
Do vậy CSHSĐN cần đi vào chiều sâu, điều tra khám phá các chuyên án cướp giật cũng như sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp để bắt gọn kẻ cướp thay vì phải truy đuổi nghẹt thở trên đường phố.
Gần 13 năm qua, Đội CSHSĐN đã khám phá hàng trăm chuyên án, bắt hàng ngàn tên cướp giật riêng lẻ mà không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Cùng với Cảnh sát đặc nhiệm, để tăng cường sự hiện diện của lực lượng phòng, chống tội phạm trên đường phố, Công an TP HCM tiếp tục thành lập Lực lượng 363, giống như mô hình 141 của Công an Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhờ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới nên sau 10 năm thực hiện (2011-2020) đã mang lại kết quả khả quan khi số vụ PPHS ở TP HCM giảm gần 25% so với 10 năm liền kề trước đó. Đặc biệt từ năm 2016 đến năm 2020 số vụ phạm pháp giảm dần với trên dưới 4.000 vụ/năm.
Tác giả: Mã Hải
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn