Một ngày cuối tháng 2, chúng tôi đến Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đúng lúc các y, bác sĩ ở đây đang kiểm tra sức khỏe, thăm khám cho các can, phạm nhân. Khi phạm nhân Nguyễn Quang Phương (33 tuổi, trú ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho hay, bị tức ngực, khó thở, Trung tá, Bác sĩ Phạm Thị Thủy, Bệnh xá trưởng, nhanh chóng cùng một y tá dìu phạm nhân này đến giường bệnh, cặp nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể và đo huyết áp.
Hỏi ra mới biết, vào giữa năm 2019, Phương điều khiển phương tiện gây TNGT dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, sau đó bị TAND thị xã Hương Trà tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam. Phương mắc chứng bệnh rối loạn nhịp tim nên trong thời gian qua thường lên cơn đau tức ngực, khó thở. Phương được các y, bác sĩ thường xuyên theo dõi, thăm khám sức khỏe.
Hay như can phạm Lê Văn Tên (70 tuổi, trú xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế), phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang chờ ngày ra tòa. Đây là can phạm lớn tuổi mắc nhiều chứng bệnh như suy nhược cơ thể, viêm khớp, đau dạ dày nên được y, bác sĩ Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào “danh sách đặc biệt” để theo dõi sức khỏe.
“Mỗi lần lên cơn đau khớp, cơ thể tôi như bị kim chích rất đau đớn và không thể đi lại được. Tuy nhiên, từ ngày được các y, bác sĩ ở Bệnh xá thăm khám và cấp phát thuốc uống điều độ, bổ sung các loại vitamin và được hướng dẫn vận động, tập thể dục đúng phương pháp nên bệnh tình của tôi đã thuyên giảm rất nhiều. Tôi rất cảm kích tấm lòng của các y, bác sĩ ở Bệnh xá”, can phạm Lê Văn Tên bày tỏ.
Các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế thăm khám sức khỏe cho can, phạm nhân. |
Theo Trung tá Phạm Thị Thủy, ngoài số can, phạm nhân mắc các bệnh lý thông thường, hiện có 4 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; trong đó có bị can Nguyễn Văn Tiến (47 tuổi, trú ở TP Hải Phòng) bị Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt giữ vào giữa tháng 9-2019 khi Tiến vận chuyển hơn 30.000 viên ma túy tổng hợp trên tàu hỏa Bắc-Nam từ TP Hồ Chí Minh đưa ra Bắc tiêu thụ.
Sau khi bị bắt, Tiến được chuyển đến Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế để chờ ngày xét xử. Những can, phạm nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như Tiến khi vào Trại thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí có nhiều trường hợp ngoan cố, chống đối…
Tuy nhiên qua công tác thăm khám, kiểm tra sức khỏe, các y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh xá đã kịp thời động viên, an ủi, khuyên răn để các can, phạm nhân ổn định tư tưởng, chấp hành nghiêm nội quy của Trại và thực hiện việc ăn, uống thuốc điều độ để điều trị bệnh tật và cải tạo tốt…
Những ngày này, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tiến hành phun thuốc, tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực Trại để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch COVID-19; phối hợp cấp phát khẩu trang y tế cho CBCS công tác tại Trại; thường xuyên kiểm tra bếp ăn tập thể của can, phạm nhân và bếp ăn của CBCS để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
Thượng tá Hồ Quang Thạnh, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dù công việc thường xuyên phải đối mặt nguy hiểm do tiếp xúc với các can, phạm nhân có tiền án, tiền sự, mắc nhiều chứng bệnh truyền nhiễm… nhưng đội ngũ y, bác sĩ công tác tại Trại đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Các chế độ chính sách, thuốc men, chế độ điều dưỡng cho can, phạm nhân bị bệnh đều được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Công an để giúp can, phạm nhân ổn định tư tưởng, tập trung lao động cải tạo tốt để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Đại tá Khổng Chiến Thắng, Giám thị Trại tạm giam Công an Quảng Trị, cũng cho biết, thời gian bị tạm giữ hình sự; bị tạm giam để điều tra; hoặc đã kết thúc điều tra, nhưng chờ truy tố, xét xử, đối với những người có sẵn bệnh lý thường bị suy sụp tinh thần, sức khỏe, rồi ốm đau.
Đối với những trường hợp như vậy, các y, bác sĩ đơn vị luôn kịp thời có mặt chăm sóc sức khỏe, chia sẻ, động viên để họ hiểu thấy được “con đường sáng”, sống và làm việc theo pháp luật; sống có ích cho gia đình và xã hội. Qua đó giúp cho họ có được sự hiểu biết đúng đắn về đạo lý làm người, chấp hành quy định của trại để chờ ngày xét xử vài cải tạo.
Ở Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Trị có một đội ngũ y, bác sĩ làm việc tận tụy, hết mình vì trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc, như Thượng úy Phan Văn Dũng; Thượng úy Trần Đình Việt, Trung úy Tô Thị Huệ, Trung úy Phan Thị Lan Hương…
Quả thật, khi chứng kiến Thượng úy, y sĩ Phan Văn Dũng ân cần hỏi han, khám bệnh cho một bị can, không ai nghĩ anh cũng là chiến sĩ có nhiều thành tích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. “Với người thầy thuốc, công việc cứu người luôn được đặt lên trên hết.
Tuy nhiên, có những can, phạm nhân giả vờ bị ốm đau, hoặc lợi dụng sự ốm đau để “làm khó” cơ quan thực hiện pháp luật, hoặc để trốn trại, thì người thầy thuốc phải bằng kiến thức nghề nghiệp của mình kịp thời phát hiện, ngăn chặn, động viên họ không nên làm thêm điều gì sai trái”, Thượng úy Dũng nói. Còn Trung úy Tô Thị Huệ trầm ngâm khi kể lại câu chuyện về nữ bị can T ra Tòa lãnh án, chưa kịp chuyển trại để chấp hành án thì chuyển dạ sinh con. Trong thời khắc T “vượt cạn”, các y, bác sĩ của Trại đều lo lắng không kém. Tất cả chỉ thở phào khi nghe tiếng trẻ khóc chào đời và sản phụ được bình an.
“Chúng tôi hiểu T cần người thân đến mức nào, nên trong thời gian này chúng tôi đã thay nhau động viên, chăm sóc rất chu đáo cho T. Khi đứa trẻ cứng cáp, T. nói, em cảm ơn các anh, chị rất nhiều, qua đây em rất hiểu được tấm lòng của các y, bác sĩ, cũng như nhận ra một cách sâu sắc việc làm vi phạm pháp luật của mình trước đây. Em hứa sẽ quyết tâm cải tạo tốt để có điều kiện làm lại cuộc đời mình và lo tương lai cho con”.
Tác giả: Anh Khoa – Thanh Bình
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn