CBCS Phòng PC54 thường xuyên phải lội bộ hàng chục cây số trong các khu rừng ngập mặn hoặc các khu vực sình lầy trước khi tiếp cận được hiện trường.
Tôi trở lại Phòng PC54 Công an tỉnh Cà Mau vào một ngày giữa tháng 8-2017 khi CBCS đơn vị vừa thực hiện xong một vụ khám nghiệm tử thi trôi dạt vào vùng biển thuộc huyện Ngọc Hiển. Tranh thủ lót dạ bằng gói mì tôm cùng ly nước trà nguội lạnh đã được pha từ lúc sáng sớm, Thiếu tá, bác sỹ Dương Văn Mực - Phó Đội trưởng Đội khám nghiệm pháp y và sinh vật kể cho tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề trong hơn chục năm công tác.
CBCS Đội Hóa kỹ thuật pháp lý xét nghiệm mẫu vật. |
Theo lời kể của bác sỹ Mực, những ngày đầu khi mới bước vào lĩnh vực này đối với anh là cả một quá trình gian khó. Ngoài việc bị những người thân trong gia đình không đồng tình, còn nhiều bạn bè cũng ngăn vì nghề khám nghiệm tử thi không ai muốn làm...
Nhớ lại ngày 3-11-1997, sau khi cơn bão số 5 (Linda) quét qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân tỉnh Cà Mau, ngoài thiệt hại về tài sản lên đến 2.700 tỷ đồng còn làm chết 128 người, 1.164 người khác mất tích và 601 người bị thương.
Trong lúc các cơ quan ban, ngành, trong tỉnh đã cố gắng hết sức, nhưng công tác tìm kiếm cứu nạn, vớt xác nạn nhân trên biển, các khu vực bãi sình lầy, trong rừng ngập mặn và đặc biệt là công tác khám nghiệm tử thi để xác định thông tin cá nhân hướng tới việc trao lại thi thể cho đúng người thân của họ mang về mai táng vẫn ngổn ngang, bề bộn do thiếu bác sỹ pháp y nên Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định điều động toàn bộ CBCS Phòng PC54 cùng tham gia.
Trải qua hơn chục ngày đêm mò mẫm trong hầu hết các khu rừng ngập mặn, lội qua nhiều bãi bồi sình lầy dài hàng trăm cây số để tìm kiếm xác nạn nhân mà không một CBCS nào nao núng trước những gian khổ.
Có lúc, vận chuyển các thi thể đang trong quá trình phân hủy từ ngoài biển vào đất liền để tiến hành giải phẫu. Việc này trong trường hợp thủy triều lên thì không khó khăn là mấy, nhưng khi triều xuống, bãi bồi sình lầy (có chỗ bùn đến ngang thắt lưng) nhô lên khỏi mặt nước kéo dài hàng chục cây số thì không có phương tiện đặc chủng nào vận chuyển được, mà chờ đến khi triều lên thì thi thể có nguy cơ phân rã không giải phẫu được.
Những lúc như vậy, các anh đành quyết định sử dụng chính tàu, thuyền hoặc ca nô làm bàn mổ, còn để chinh phục những vạt bùn đến ngang thắt lưng thì bác sỹ pháy y sẽ ngồi lên vai hai cán bộ chiến sỹ khác để tiến hành giải phẫu tử thi thu thập chứng cứ xác định nguyên nhân cái chết rồi đến khi triều lên mới đưa vào bờ.
Trong thời gian gần 20 năm làm nghề, bác sĩ Mực cùng đồng đội đã thực hiện rất nhiều vụ khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi giúp cơ quan điều tra mở hướng điều tra nhiều vụ án lớn, truy bắt hàng trăm hung thủ đưa về quy án, nhưng ấn tượng nhất là những trường hợp người dân do thiếu hiểu biết đã gây khó dễ bằng cách bất hợp tác, thậm chí có trường hợp còn gây sự đòi tấn công.
Còn nhớ, vào ngày 2-6-2017, khi nhận yêu cầu giải phẫu tử thi, tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của một nạn nhân, do phong tục tập quán mà gia đình nạn nhân này chỉ cho các anh có 2 tiếng đồng hồ vừa di chuyển, vừa làm công tác chuyên môn để gia đình còn thực hiện các nghi lễ mai táng cho đúng "giờ lành".
Từ dấu vết tìm thấy tại hiện trường, xác định Lý Văn Giỏi chính là hung thủ giết bạn cùng lớp. |
Vượt 60 cây số đường nông thôn, 8 giờ tối, các anh đã có mặt ở hiện trường thuộc địa bàn huyện Phú Tân và bắt tay ngay vào công việc giải phẫu tử thi. Đến 10 giờ đêm, khi vừa xác định nạn nhân chết do bị điện giật thì ở huyện Trần Văn Thời lại gửi yêu cầu khẩn cấp đề nghị giải phẫu tử thi chết dưới hầm tôm công nghiệp và gia đình đó đã xem giờ mai táng từ trước nên cũng chỉ cho phép trong hai giờ phải hoàn tất mọi công việc bàn giao xác để chôn cất.
Với tính chất cấp bách của công việc, Tổ công tác buộc phải tiếp tục lên đường (cách đó 60km) mà không thể thực hiện ngay việc lập biên bản nên đã bị gia đình nạn nhân cho rằng cố ý gây khó dễ và họ đã kéo cả dòng họ đến gây áp lực, thậm chí có người quá khích còn đòi cầm gậy đuổi đánh.
Trước tình thế này, bác sĩ Mực đành phải nhờ cậy các cấp chính quyền địa phương đến tìm cách vãn hồi, trông giữ hiện trường để các anh lên đường thực hiện nhiệm vụ.
1 giờ sáng, sau khi xác định cái chết của nạn nhân dưới hầm nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời cho kết quả là bị ngạt khí thì một vụ án khác lại xảy ra ở huyện Thới Bình. Bất chấp bị những người thân của nạn nhân xỉ vả, trong đó bà ngoại của nạn nhân do quá đau buồn trước việc cháu mình qua đời đã xé rách cả ống tay áo một đồng đội của bác sĩ Mực, nhưng anh một lần nữa buộc phải nhờ cậy đến Công an huyện Trần Văn Thời hỗ trợ canh giữ hiện trường để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ…
Xác định dấu vân tay của tên trộm Nguyễn Chí Cường trên tay nắm cửa. |
Tiếp tục câu chuyện, tôi được Trung tá Hà Quốc Cảnh - Đội trưởng Đội Hóa kỹ thuật pháp lý kể cho nghe về quá trình tham gia cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Theo lời anh Cảnh, thời điểm đầu năm 2016, tình hình tội phạm các loại mà nhất là trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Cà mau diễn ra hết sức phức tạp gây tâm lý hoang mang và làm đảo lộn cuộc sống vốn hiền hòa, chất phác bấy lâu nay của hàng vạn người dân ở nhiều khu vực trong tỉnh.
Bọn tội phạm thoắt ẩn, thoắt hiện vào bất kể thời điểm nào trong ngày đột nhập vào nhà dân lấy đi nhiều loại tài sản có giá trị, thậm chí có gia đình bị kẻ gian mở két sắt lấy đi cả vàng, vòng lẫn sổ tiết kiệm...
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đã giao cho hai đơn vị là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Phòng PC54 lập tức vào cuộc phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác và Công an các huyện, thị nhanh chóng vào cuộc để sớm trả lại sự bình yên cho nhân dân.
Trải qua nhiều tháng trời liên tục truy xét nhưng tung tích về bọn tội phạm vẫn bặt vô âm tín, trong khi tại các khu vực ngoại thành TP Cà Mau, thỉnh thoảng người dân lại trình báo về việc bị kẻ gian đột nhập lấy cắp tài sản.
Đang trong lúc nóng bỏng nhất thì đơn vị nhận được tin báo tại một hộ gia đình nằm trên đường Lý Văn Lâm, khóm 2, phường 1, TP Cà Mau vừa xảy ra vụ kẻ trộm mở lối thông gió vào trong phòng lấy đi nhiều tài sản có giá trị lớn. Ngay lập tức, một Tổ công tác được điều động đến hiện trường tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tìm kiếm dấu vết.
Ngay trong đêm, lãnh đạo Phòng PC54 quyết định tiến hành cuộc họp rút kinh nghiệm nhanh ngay tại hiện trường và một điều hết sức thú vị được phát hiện trong thời khắc ấy. Số là trong lúc cầm đèn pin rọi cầu thang đi lên căn phòng bị trộm, Trung tá Cảnh chợt phát hiện nguồn sáng từ tay nắm inox của ổ khóa hình cầu gắn tại cửa ra vào sau khi bị ánh sáng từ đèn pin chiếu vào đã phát ra những tia lạ.
Sau khi cùng các CBCS trong Tổ công tác tiến hành nghiên cứu, đồng thời lật lại những kinh nghiệm trong nhiều năm công tác, cuối cùng Trung tá Cảnh đi đến quyết định sử dụng nhiều loại ánh sáng cùng nhiều góc độ khác nhau rọi vào tay nắm ổ khóa và một trong những loại ánh sáng và góc độ thích hợp đã cho ra kết quả mỹ mãn là lấy được dấu vân tay lạ trên tay nắm hình cầu.
Phòng PC54 quyết định đề nghị các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH cùng Công an các địa phương lập tức tiến hành biện pháp rà soát, sàng lọc, tập trung chủ yếu vào những đối tượng nghiện hút, từng có tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, cướp giật và sau hơn một tuần thì xác định đối tượng Nguyễn Chí Cường, sinh năm 2001, ngụ tại khóm 2, phường 1, TP Cà Mau có dấu vân tay trùng khớp với dấu vân tay thu được tại hiện trường.
Không còn đường chối cãi, Cường đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, đồng thời còn khai thêm ra đồng bọn đang ẩn nấp ở nhiều nơi trong tỉnh để cơ quan Công an tiến hành bắt giữ đưa về quy án.
Đức CươngNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn