Đây là mô hình phòng chống tội phạm (PCTP), đảm bảo ANTT địa phương mang lại hiệu quả cao được người dân ủng hộ.
Anh Lâm Ngọc Chiến, cán bộ Đài truyền thanh xã Bình Đào, cho biết, hiện có 24 cụm loa thuộc mô hình “Tiếng loa an ninh” trên địa bàn xã. Sau thời gian mày mò, sáng tạo, anh đã áp dụng được công nghệ tự động hóa đối với hệ thống điều khiển cụm loa. Chỉ cần thông qua tin nhắn, hoặc cuộc gọi từ điện thoại di động đến trung tâm điều khiển hệ thống loa; trung tâm điều khiển tự động nhắn tin lại yêu cầu nhập mật mã; nếu nhập đúng mật mã, áp dụng lệnh “mở máy” thì hệ thống loa phát thanh sẽ kích hoạt để có thể thực hiện nội dung tuyên truyền ngay từ máy điện thoại.
Do đó, dù ở bất kỳ đâu, vào thời gian nào, nếu có được mật khẩu thì cũng có thể điều khiển được hệ thống loa phát thanh ở địa phương mà không cần phải đến phòng máy để khởi động thủ công như trước. Sau khi hoàn thành nội dung phát thanh thì dễ dàng nhập lệnh “tắt máy” để trung tâm điều khiển tự động tắt hệ thống loa phát thanh.
Theo lãnh đạo xã Bình Đào, nhờ việc ứng dụng công nghệ tự động hóa mà mô hình “Tiếng loa an ninh” càng phát huy tối đa vai trò trong việc thông báo tin tức đến người dân không chỉ về tình hình ANTT mà còn cả lĩnh vực PCCC, cứu nạn cứu hộ… Bên cạnh, Công an xã Bình Đào còn tham mưu thực hiện thêm một số mô hình khác hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT địa phương, như mô hình “Camera an ninh”, “Đảm bảo ANTT vùng giáp ranh” với sự phối hợp triển khai của 3 xã giáp ranh gồm Bình Đào, Bình Triều, Bình Minh…
Công an xã Bình Đào kiểm tra trung tâm điều khiển hệ thống loa phát thanh của mô hình “Tiếng loa an ninh”. |
Cũng từ hiệu quả của mô hình “Tiếng loa an ninh” tại xã Bình Đào, Công an tỉnh Quảng Nam đã cho nhân rộng mô hình ra 24 xã khác trên địa bàn tỉnh.
Để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), hình thành thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, Công an tỉnh Quảng Nam thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng của các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ANTT trên địa bàn. Thông qua đó, loại bỏ các mô hình hoạt động kém hiệu quả và tổ chức nhân rộng các mô hình đang phát huy tác dụng tốt; đồng thời căn cứ tình hình, điều kiện thực tế ở từng đơn vị, địa phương để xây dựng mô hình mới phù hợp.
Thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 74 loại mô hình, với 2.150 mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ANTT. Ngoài mô hình “Tiếng loa an ninh”, nhiều mô hình khác cũng đã phát huy hiệu quả, như mô hình “Ánh sáng đường thôn”, “Khu nhà trọ công nhân an toàn”, mô hình “Giáo xứ bình yên” ở vùng đồng bào có đạo…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo PCTP, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ tỉnh Quảng Nam, đánh giá, thời gian qua, phong trào toàn dân BVANTQ trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chỉ đạo thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú và bám sát tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương.
Công an tỉnh Quảng Nam với vai trò nòng cốt đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ trong tình hình mới; ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện phong trào có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh chính trọ và TTATXH, tại môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn