Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với Đại úy trẻ này là sự cởi mở, thân thiện và hay cười. Đại úy Lê Trường Giang nhớ lại những ngày đầu về huyện Đam Rông nhận công tác với bao nhiêu bỡ ngỡ, khó khăn: “Một trong những cái khó cho công việc của mình thời điểm đó là chưa am hiểu được ngôn ngữ của bà con dân tộc thiểu số địa phương, các phong tục tập quán cũng vậy, bà con còn chưa tin tưởng vào mình nên làm việc gì cũng khó!...”.
Đại úy Lê Trường Giang. |
Biết được “điểm yếu” của mình, tất cả những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ được đào tạo được Giang vận dụng tối đa để tiếp cận với bà con. “Để thuận buồm xuôi gió thì phải thu phục được lòng dân, mình phải làm cho bà con thấy bà con mới tin. Khi bà con đã tin tưởng rồi thì không còn phân biệt, khoảng cách nữa, mình nói là bà con nghe, bà con nói là mình lắng nghe, chia sẻ, coi nhau như người trong nhà!...”, Đại úy Giang cho biết.
Sức trẻ có sẵn, nhiệt huyết có thừa, với tấm lòng luôn cởi mở, thân thiện, thật thà, cán bộ Công an này xuống buôn làng thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con.
Người đầu tiên Giang tiếp cận chính là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư và các chức sắc tôn giáo. Họ đều là những người có hiểu biết, được sự tín nhiệm của bà con. Đây là “lực lượng nòng cốt” đã giúp cán bộ trẻ tuổi mới ra trường nhận công tác tại một huyện vùng sâu, vùng xa tranh thủ thu phục lòng dân, sớm được bà con địa phương tin tưởng.
Đại úy Giang cho biết, anh đã tranh thủ những hiểu biết của người có uy tín và các chức sắc tôn giáo để thường xuyên trao đổi, từ đó tạo được sự đồng cảm, đặc biệt là trong công tác vận động quần chúng. “Được nhân dân tin tưởng chính là phần thưởng quý giá nhất mà tôi đạt được khi về địa phương nhận công tác!..”, Đại úy Giang chia sẻ.
Cũng theo Đại úy Giang, bản thân mỗi CBCS công tác trong lực lượng An ninh luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, đặc biệt là không ngại khó, ngại khổ, nhất là gần dân, sát dân, để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con. Từ đó, có định hướng và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết được những bức xúc, nổi cộm trong nhân dân...
Suốt 7 năm qua, với vai trò là chỉ huy Đội, Đại úy Lê Trường Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với các đội nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình liên quan đến an ninh chính trị trên địa bàn huyện, chủ động tập hợp tình hình liên quan tới an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo trên địa bàn huyện để đề xuất lãnh đạo Công an huyện tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành có liên quan giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng và các bức xúc trong nhân dân.
Kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan đến tình hình di cư tự do của đồng bào Mông từ phía Bắc vào, tình hình tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, tình hình người dân tộc thiểu số xin về làng cũ để phá rừng trái phép…
Thượng tá Lê Văn Trúc, Phó trưởng Công an huyện Đam Rông cho biết thêm: “Đồng chí Giang có phẩm chất đạo đức tốt, sống hòa đồng với đồng chí, đồng đội, chịu khó nghiên cứu học tập, có ý chí vươn lên. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Đội trưởng, đồng chí đã thể hiện được tính đầu tàu gương mẫu, luôn theo dõi, hướng dẫn, kèm cặp, đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong đội làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Với những công hiến không ngừng, Đại úy Lê Trường Giang đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đội An ninh Công an huyện Đam Rông vững mạnh về mọi mặt. Đội luôn được Công an tỉnh Lâm Đồng đánh giá là “Đơn vị tiên tiến”, đã 3 lần Đội An ninh Công an huyện Đam Rông được công nhận “Đơn vị Quyết thắng”.
Đại úy Lê Trường Giang cũng đã được Thủ Chính phủ tặng Bằng khen về việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011 - 2015. Được Bộ trưởng Bộ Công an tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND trong năm 2017, cùng nhiều danh hiệu khác do Công an tỉnh Lâm Đồng và UBND các cấp tặng.
Tác giả: Khắc Lịch
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn