Hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm tại cơ sở trong thời gian qua, để tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước các giải pháp chỉ đạo cũng như xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; tạo điều kiện để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan doanh nghiệp phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình; sát, hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở hiện nay.
Trung tướng Đồng Đại Lộc phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Đại tá Lê Văn Chương, Phó cục trưởng Cục tham mưu Cảnh sát nêu rõ: Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua luôn đặt công tác phòng, chống tội phạm ở vị trí trọng yếu, là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài.
Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đối với công tác phòng, chống tội phạm được ưu tiên đặt lên hàng đầu với các nhiệm vụ cụ thể và chế tài xử lý rõ ràng nếu vi phạm. Công tác phòng, chống tội phạm phải được quan tâm tổ chức triển khai từ cơ sở, coi trọng công tác phòng ngừa xã hội từ cộng đồng, gia đình, khu dân cư khắc phục để kịp thời những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Đồng chí Phan Huy Hiền phát biểu tại Hội thảo |
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, Kết luận 05-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chuyên đề, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạmđược nâng lên. Công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều tập trung thảo luận nhiều vấn đề về công tác phòng, chống tội phạm; nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc làm chuyển biến tình hình tội phạm ở cơ sở; nêu rõ thực trạng diễn biến tội phạm trong tình hình mới, hoạt động phòng chống tội phạm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ và các địa phương trong cả nước; kết quả triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm; những chuyển biến tích cực trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm; kết quả trấn áp, triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, điều tra, làm rõ nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp.
Hội thảo cũng đã làm rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cơ sở lý luận, khoa học, nhận thức và thực trạng việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm tại cơ sở thời gian qua, những thuận lợi, vướng mắc trong các quy định về cơ chế, chính sách, chế tài xác định trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Ngoài ra, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, các giải pháp giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và phát huy hiệu quả vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm cũng được nhiều đại biểu tâm huyết đề cập.
Các ý kiến tham gia Hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận một số mặt còn hạn chế như việc triển khai thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm còn thiếu cụ thể, chưa quyết liệt ở một số đơn vị, địa phương; một số đảng bộ mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức Hội nghị quán triệt, ban hành kế hoạch thực hiện nhưng không kiểm tra đôn đốc thường xuyên nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ.
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa chú trọng đến công tác nắm tình hình nhất là trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm; còn tư tưởng xem trách nhiệm phòng, chống tội phạm là của cơ quan chức năng nên chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Có nơi, có lúc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp chưa làm hết vai trò, trách nhiệm trong công tác này, thậm chí có hành vi bao che, làm ngơ, cá biệt còn vi phạm pháp luật gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm đấu tranh ngăn chặn tội phạm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Huy Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định: Sự thành công của Hội thảo một lần nữa khẳng định kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ mà Bộ Công an là thường trực; sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực các Bộ, ban, ngành, lực lượng chủ công trên mặt trận đấu tranh, phòng tội phạm, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng và nhân dân; vai trò trách nhiệm, tâm huyết của những người đứng đầu từ Trung ương đến cơ sở đã được khẳng định từ thực tiễn chuyển biến trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn