Nâng cao trình độ pháp luật về Cảnh vệ trong CAND

Thứ năm - 27/09/2018 21:09
Ngày 26-9, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Cảnh vệ trong CAND. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP HCM. Thiếu tướng Lương Văn Khang, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ chủ trì và trực tiếp truyền đạt nội dung cơ bản của Luật Cảnh vệ.


Trước khi bắt đầu, Hội nghị đã dành một phút tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Cảnh vệ trong CAND được tổ chức nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ pháp luật về Cảnh vệ cho lãnh đạo, cán bộ Công an các đơn vị, địa phương; giúp cán bộ, chiến sĩ CAND nói chung và cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ nói riêng thống nhất nhận thức, nắm vững và triển khai thi hành có hiệu quả công tác cảnh vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống; góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nâng cao trình độ pháp luật về Cảnh vệ trong CAND
Thiếu tướng Lương Văn Khang truyền đạt nội dung cơ bản của Luật Cảnh vệ.

Ngày 3-7-2017, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật Cảnh vệ. Luật Cảnh vệ được ban hành đã kịp thời thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cảnh vệ, kế thừa các quy định về công tác cảnh vệ còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác cảnh vệ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta…

Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều. Chương I gồm 9 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng của lực lượng Cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ và hành vi bị nghiêm cấm. 

Nâng cao trình độ pháp luật về Cảnh vệ trong CAND - Ảnh minh hoạ 2
Toàn cảnh hội nghị.

Chương II gồm 6 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; biện pháp cảnh vệ với khu vực trọng yếu; biện pháp cảnh vệ đối với các sự kiện đặc biệt quan trọng; quyền và trách nhiệm của người là đối tượng cảnh vệ. 

Chượng III gồm 8 điều, quy định về lực lượng Cảnh vệ; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ; nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ; quyền hạn của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ; quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ; huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ. 

Chương IV gồm 7 điều, quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ công an, Bộ Quốc phòng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ. 

Chương V gồm 2 điều, quy định cụ thể về khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác cảnh vệ. Đây là chương mới so với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, quy định cụ thể về khen thưởng và xử lý vi phạm phù hợp với đặc thù của công tác cảnh vệ. 

Chương VI gồm 1 điều cuối cùng quy định về hiệu lực thi hành.

Tác giả: Vũ Linh

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây