Cao hơn đó là sự đồng thuận về chủ trương, biện pháp như ngăn chặn từ xa, kiểm soát biên giới; bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy và thông qua tuyên bố chung.
Phóng viên Báo CAND có cuộc phỏng vấn Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy, Bộ Công an.
Phóng viên: Thưa Đại tá Vũ Văn Hậu, Đại tá có thể thông tin nhanh về những kết quả nổi bật của Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống ma túy xuyên quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 10 đến 12-9).
Đại tá Vũ Văn Hậu: Trước tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian gần đây có liên quan đến Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã rất trăn trở, đưa ra sáng kiến và cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ chỉ đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại Việt Nam.
Hội nghị là diễn đàn để các lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước chia sẻ, trao đổi thông tin cập nhật về diễn biến tình hình, kết quả đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy ở mỗi nước; thông tin liên quan đến các vụ án ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài mà Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế cần quan tâm phối hợp phòng ngừa, đấu tranh.
Đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Công an và các lực lượng phòng, chống ma túy của Việt Nam đã giành được trong cuộc chiến cam go, trấn áp tội phạm ma túy. Đây là mô hình về cơ chế hợp tác được nhóm họp, nhằm kịp thời ứng phó trước diễn biến mới, khó lường của tình hình ma túy ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị thể hiện vai trò và trách nhiệm quốc tế trong đấu tranh với tội phạm ma túy; tính chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng, khu vực ASEAN và trên thế giới; kêu gọi sự hợp tác, ủng hộ và chia sẻ của các cơ quan và tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, đồng thời thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác quốc tế, không khoan nhượng với tội phạm ma túy.
Những kết quả quan trọng nổi bật mà hội nghị lần này đã đạt được bao gồm:
(1) Thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng 10 nước/đối tác, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và các nước, đối tác trong khu vực về phòng, chống ma túy;
(2) Thông qua Tuyên bố chung Phiên họp cấp Bộ trưởng ba nước Việt Nam - Campuchia – Lào;
(3) Ký kết Biên bản hợp tác song phương giữa Việt Nam-Campuchia, Việt Nam - Lào;
(4) Ra thông cáo báo chí và tổ chức chương trình họp báo về Phiên họp Bộ trưởng 10 nước/đối tác và Phiên họp cấp Bộ trưởng ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia;
(5) Thống nhất các biện pháp đấu tranh cụ thể với tội phạm ma túy qua 4 phiên họp nhóm theo các chuyên đề và tuyến trọng điểm ma túy;
(6) Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế (Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Úc, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc) về trang thiết bị, đào tạo ngoại ngữ, kỹ thuật, chiến thuật,... cho lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hợp tác trong đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Phóng viên: Thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực, song tình trạng gieo trồng bất hợp pháp cây có chứa chất ma túy trong khu vực và vấn nạn mua bán, vận chuyển trái phép ma túy vẫn ngày càng gia tăng. Nhận thức rõ quan ngại này, Hội nghị đã đưa ra một số Tuyên bố chung. Vậy ý nghĩa của việc đưa ra những Tuyên bố chung này là gì, thưa Đại tá?
Đại tá Vũ Văn Hậu: Cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy còn nhiều cam go, phức tạp. Dự báo thời gian tới, các tổ chức, đường dây tội phạm ma tuý tiếp tục hoạt động mạnh với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Thực tiễn cho thấy, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được vấn đề này. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là một đòi hỏi cấp thiết, mang tính tất yếu, khách quan và cần được đặc biệt coi trọng.
Việc Hội nghị thông qua tuyên bố chung có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý.
Tuyên bố chung khẳng định nhận thức chung và hành động của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, các nước/đối tác về sự gia tăng đáng báo động của tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trên thế giới và trong khu vực. Đồng thời, bày tỏ sự quan ngại và quyết tâm hành động có hiệu quả trước tình trạng gia tăng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới và sự bùng phát của các loại ma túy tổng hợp biến khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những nơi sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an. |
Tuyên bố chung cũng ghi nhận nỗ lực của các nước trong cuộc chiến chống ma túy; khẳng định phòng, chống ma túy là trách nhiệm chung của cả thế giới, cần được giải quyết thông qua phát triển hợp tác đa phương và song phương. Đồng thời một lần nữa khẳng định vai trò của ba Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy.
Thông qua Tuyên bố chung, có thể khẳng định Hội nghị Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý xuyên quốc gia là bước đi mới với nhiều nội dung mang tầm cao mới, góp phần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các quốc gia/ tổ chức tham dự, đóng góp quan trọng vào hoạt động hợp tác phòng, chống ma tuý trong khu vực và trên toàn thế giới.
Phóng viên: Tội phạm ma túy đã có xu hướng chuyển phương thức hoạt động từ vận chuyển qua đường bộ, biên giới sang vận chuyển qua đường biển. Trong khi đó, tuyến đường biển là khó kiểm soát bởi phạm vi biển rộng lớn… Vậy việc tăng cường lực lượng chức năng tại các khu vực biển được đặt ra thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Vũ Văn Hậu: Như các bạn đã biết, vào ngày 9 đến 10-9, Hội thảo Tổ công tác ASEAN về phòng, chống ma túy tại cảng biển lần thứ 4 đã được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống ma túy xuyên quốc gia.
Tổ công tác ASEAN phòng, chống ma túy qua đường biển (ASITF) là sáng kiến của ASEAN nhằm giúp lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy các nước ASEAN có cơ hội phối hợp chặt chẽ, kịp thời để đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển trong khuôn khổ hợp tác đa phương. Thông qua hoạt động của Tổ công tác, lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy các nước ASEAN có điều kiện thuận lợi để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng, chống ma túy, cũng như phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma túy qua đường biển.
Các tuyến vận chuyển ma túy có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong cùng một vụ vận chuyển, tội phạm có thể đồng thời tiến hành vận chuyển trên cả 3 tuyến, hoặc cũng có thể chỉ 1 đến 2 tuyến. Công tác ngăn chặn ma túy tại cảng biển và trên tuyến biển tương đối khó khăn do phạm vi hoạt động lớn, khả năng kiểm soát khó khăn.
Tuy nhiên, về công tác đấu tranh với tội phạm trên tuyến này, lực lượng phòng, chống ma túy các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, lực lượng phòng, chống ma túy các nước khu vực ASEAN đã triệt phá nhiều vụ ma túy với quy mô lớn trên tuyến đường này.
Điển hình, trong năm 2018, lực lượng phòng, chống ma túy Malaysia đã triệt phá 2 vụ án ma túy lớn, thu giữ hơn 2 tấn methamphetamine được vận chuyển từ nước ngoài đến cảng Klang, Malaysia; cùng năm 2018, lực lượng phòng, chống ma túy Indonesia đã triệt phá 2 vụ án qua đường biển, thu giữ gần 2,7 tấn methamphetamine được vận chuyển từ Trung Quốc.
Đầu năm 2019, lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam cũng triệt phá đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Tam Giác Vàng về Việt Nam sau đó đi nước ngoài bằng đường biển, thu giữ 578kg ma túy đá. Ngày 23-3, từ thông tin do Cảnh sát Việt Nam cung cấp, Hải quan và Cảnh sát Philippines bắt giữ 276kg ma túy đá giấu trong Contener được vận chuyển từ cảng Cát Lái, Việt Nam sang Philippines.
Trước đấy, do đã dự báo sớm tình trạng này, ngày 2-6-2014, Bộ Công an Việt Nam thành lập lực lượng chuyên trách phòng ngừa đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường biển (là một đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục CSĐT tội phạm về ma túy).
Tại các Cảng biển, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy thường xuyên phối hợp với các đơn vị như: lực lượng Hải Quan cảng biển - đơn vị có chức năng kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh qua đường biển; lực lượng Biên phòng - đơn vị có chức năng kiểm soát an ninh đối với người xuất cảnh, nhập cảnh qua đường biển; lực lượng Cảnh sát biển - đơn vị đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trên vùng biển Việt Nam. Do làm tốt công tác phối hợp, thời gian qua, các lực lượng cũng đã triệt phá được nhiều vụ án lớn, được quốc tế đánh giá rất cao.
Thời gian tới, để phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy sẽ tập trung triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ; đặc biệt chủ động tiến hành hàng loạt biện pháp chuyên sâu, kỹ thuật cao, phát hiện sớm, truy nguyên nguồn gốc, ngăn chặn, bắt giữ ngay từ trên bờ hoặc khi tội phạm và ma túy vừa cập cảng.
Đồng thời, tăng cường phối kết hợp với các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển trong việc tuần tra kiểm soát, phân công, bố trí lực lượng, phương tiện nhằm sớm phát hiện, đấu tranh triệt phá triệt để các đường dây tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên tuyến này.
Phóng viên: Trước tình hình tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp diễn biến ngày càng phức tạp, công tác quản lý tiền chất tại Việt Nam được thực hiện như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Vũ Văn Hậu: Ma túy tổng hợp không thể được sản xuất nếu không có tiền chất. Tiền chất được các tổ chức tội phạm mua bán, thu gom bất hợp pháp tuồn vào khu vực Tam Giác Vàng và các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp. Nguồn tiền chất chủ yếu từ sự thất thoát của ngành công nghiệp hóa chất phát triển trong khu vực, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ, đây là hai quốc gia có năng lực sản xuất lớn.
Không có tiền chất thì sẽ không có ma túy tổng hợp. Để chặn đứng nguồn sản xuất ma túy, trước mắt các nước cần đẩy mạnh công tác quản lý tiền chất hóa học trong nước, tránh xảy ra tình trạng thất thoát. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin với các nước thành viên thông qua Hệ thống thông báo tiền xuất khẩu (PenOnline) thuộc Ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc (INCB) để cơ quan này có thể kiểm soát chặt chẽ lượng hóa chất được xuất khẩu sang các nước khác, tránh bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp.
Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất tại Việt Nam được các bộ, ngành quan tâm, triển khai các biện pháp phòng ngừa việc lạm dụng các chất gây nghiện, chất hướng thần và sử dụng sai mục đích các loại tiền chất. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2018/NĐ-CP bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất; báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành chức năng trong việc quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất.
Bộ Công Thương tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về công tác quản lý, kiểm soát tiền chất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, bảo quản, kinh doanh, xuất nhập khẩu tiền chất. Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, thống kê tạm nhập tái xuất, quá cảnh tiền chất qua các cửa khẩu; Đội Kiểm soát ma túy liên ngành tăng cường kiểm tra các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp nhằm ngăn chặn việc sử dụng trái phép tiền chất…
Điển hình, ngày 6-8, Cục CSĐT tội phạm về ma túy cùng với một số đơn vị, địa phương phá chuyên án, bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc và một số đối tượng người Việt Nam đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy tại Đắk Hà, Kon Tum, thu trên 13 tấn tiền chất, ma túy tổng hợp và trên 20 tấn thiết bị…; khám xét tại Công ty TNHH Hoàng Ngân Phát (TP Quy Nhơn, Bình Định), thu giữ: 52 thùng phuy bên trong chứa hóa chất; 50 bao chứa hóa chất, tiền chất; 2 xô nhựa hình trụ tròn bên trong chứa các chất lỏng dạng sệt, màu nâu đen (ma túy Methamphetamine).. .
Mở rộng điều tra, Ban chuyên án phát hiện 1 kho hóa chất mà các đối tượng thuê cũng tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, thu giữ 350 bao hóa chất (loại 25kg/bao), 98 phuy loại 200 lít, 84 can loại 30 lít… Như vậy tại 3 địa điểm nêu trên, cơ quan Công an đã thu giữ tổng khối lượng khoảng 30 tấn tiền chất, hóa chất. Đến nay, cơ quan Công an đã khởi tố, tạm giam 8 đối tượng (7 người Trung Quốc, 1 đối tượng người Việt gốc Hoa).
Cùng ngày, tổ công tác của Công an Trung Quốc sang Việt Nam phối hợp điều tra, truy bắt 22 đối tượng người Trung Quốc liên quan đến đường dây tổ chức sản xuất ma túy trên. Đây là kết quả mang tính mẫu hình về sự phối hợp quốc tế trong hợp tác đấu tranh với tội phạm ma túy giữa Việt Nam với các nước trong thời gian qua.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Đại tá!
Tác giả: Minh Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn