Năm 2020, đại dịch COVID-19 phát sinh phức tạp ngoài dự báo. Đời sống người dân cũng như hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải,… chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất, bị đình trệ hoặc ngưng hoạt động, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, tỷ lệ nợ xấu gia tăng… Thực tế đó tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến tình hình ANTT và tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt Phòng Cảnh sát kinh tế), Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số các loại tội phạm phát sinh năm 2020 trên địa bàn, nổi lên hai nhóm tội phạm chính: Đó là nhóm tội phạm lợi dụng tác động của dịch bệnh COVID-19, sự khan hiếm một số vật tư y tế thiết yếu để lừa đảo, sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm trục lợi và nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kinh doanh bất động sản (BĐS).
Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh tham gia khám xét vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. |
Với nhóm tội phạm thứ nhất, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, tiếp nhận thụ lý 31 vụ lừa đảo, sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến khẩu trang, găng tay y tế, với số tiền chiếm đoạt trên 321 tỷ đồng. Đồng thời đã khởi tố 5 vụ án, 7 bị can về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Buôn lậu”.
Với nhóm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kinh doanh BĐS, tính đến tháng 11/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế đã thụ lý 98 vụ việc, khởi tố 26 vụ án, 50 bị can về các tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 4.108 tỷ đồng của 5.329 bị hại; đã kê biên, thu hồi tiền, tài sản được hơn 1.888 tỷ đồng.
“Có thể nói, đây là những con số lớn đột biến về số vụ việc, bị hại, cũng như số tiền bị chiếm đoạt trong năm 2020”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế nhận định.
Chỉ riêng vụ án chấn động dư luận Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (truy tố 23 bị can), Luyện và đồng phạm đã thu hút được hơn 3.900 bị hại tham gia đặt cọc mua nền, chiếm đoạt được số tiền hơn 2.373 tỷ đồng, cơ quan chức năng đã kê biên, thu hồi, phong tỏa tiền, tài sản trị giá hơn 1.550 tỷ đồng.
Thời gian qua, thủ đoạn lập các dự án “ma” để dụ dỗ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng dù là chiêu thức cũ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, những tưởng hành vi lừa đảo này sẽ khó tồn tại. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 đến nay, “vấn nạn” này vẫn tiếp tục tái diễn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Và thực tế Phòng Cảnh sát kinh tế đã và đang điều tra hàng loạt vụ lừa bán dự án “ma” trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, tình hình tội phạm trên xuất phát từ các nguyên nhân và điều kiện như nhu cầu của đa số người dân là nhà ở giá thấp hoặc trung bình. Nhưng các chủ đầu tư lớn và các địa phương lại chú trọng phát triển dự án nhà ở trung cấp, cao cấp, thiếu sản phẩm BĐS giá thành hợp lý (trên dưới 1 tỷ đồng) dẫn đến thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, do việc tăng trưởng “nóng” tại một số địa bàn tập trung nhiều dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, sân bay, bến cảng, khu đô thị như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu..., các đối tượng đã thu gom đất nông nghiệp, lập ra dự án “ma”, phân lô trên giấy bán cho người dân với giá rẻ để chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, về phía cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, một số nơi chưa minh bạch về thông tin quy hoạch, dự án trên địa bàn, chưa quyết liệt trong công tác ngăn chặn các hoạt động phân lô bán nền trái phép…
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, số lượng bị hại trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai, kinh doanh BĐS rất lớn. Trong 26 vụ án, liên quan 50 bị can do Phòng Cảnh sát kinh tế thụ lý, đã có hơn 5.300 bị hại. Chính thực tế này đã tạo một sức ép về tiến độ điều tra, xác minh…
Dù với nhiều khó khăn, vướng mắc kể trên, nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế đã có rất nhiều cố gắng, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, địa bàn, bám sát cơ sở, làm tốt công tác dự báo tình hình tội phạm có thể phát sinh để thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
Đồng thời, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý triệt để các vụ án, vụ việc phát sinh, không để bị động, bất ngờ..., hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều tra, khám phá án kinh tế nói chung và hai nhóm tội phạm nói riêng kể trên.
Kết quả dễ nhận thấy nhất trong năm 2020 là tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được ngăn chặn, kéo giảm đáng kể, với 1.251 vụ, 1.270 đối tượng được phát hiện xảy ra (giảm 21,7% về số vụ và giảm 18,2% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2019).
Chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tố tụng cũng được nâng cao hơn so với năm 2019, thể hiện ở việc đã khởi tố mới được 975 vụ án, 293 bị can (tăng 17,2% về số vụ và tăng 39,6% về số bị can so với cùng kỳ năm 2019).
Trong đó, Phòng Cảnh sát kinh tế khởi tố mới 77 vụ án, 134 bị can, nâng tổng số thụ lý trong năm của cả đơn vị lên 1.420 vụ án, 411 bị can, chiếm tỷ lệ 28,6% tổng số vụ án của lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc, trong khi quân số chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8% lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc…
“Với các thành tích nổi bật, trong năm 2020, Phòng Cảnh sát kinh tế đã có hàng chục lượt khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết.
Tác giả: Phú Lữ
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn