Trước đó, năm 2000, Chuyên đề An ninh Thế giới - Báo CAND cũng đã tặng xã Ma Nới 3 giếng đào, góp phần giải quyết nước sinh hoạt cho bà con trong mùa khô.
1. Nếu như năm 2000, từ quốc lộ 27 vào xã Ma Nới, chiếc xe địa hình của Chuyên đề An ninh Thế giới phải mất hơn 1 giờ đồng hồ trên con đường chỉ dài 15km nhưng phủ đầy cát, lắm chỗ cát lún, bánh xe quay đến bốc khói, anh em phải lấy những cành cây lót vào rồi xúm nhau đẩy, xe mới thoát ra được thì bây giờ, con đường quanh co uốn lượn ấy đã trải nhựa phẳng lì nên chưa đầy nửa giờ, 25 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, thuộc Đội Công tác xã hội (CTXH) cùng 12 cán bộ Khối Hậu cần - Công an tỉnh Ninh Thuận đã vào đến trụ sở Ủy ban xã, nơi tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà.
Cán bộ chiến sĩ Khối Hậu cần, Công an tỉnh Ninh Thuận trao quà cho bà con Ma Nới. |
Nổi tiếng với bài hát "Giấc mơ Chapi" của nhạc sĩ Trần Tiến, Ma Nới có diện tích hơn 25.000 hecta, phần lớn là rừng và những ngọn đồi thấp. Là xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Ninh Sơn với hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm 99%, sinh sống tại 6 thôn gồm thôn Do, Gia Hoa, Gia Rót, Hà Dài, Tà Nôi và thôn Ú.
Đại tá Phạm Đắc Tuyên, Trưởng Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Nhiều năm trước, trung tâm xã chỉ có những căn nhà sàn, những con đường đất nối từ thôn này sang thôn khác. Nắng thì bụi, mưa thì bùn lầy. Người dân chỉ biết phát nương, làm rẫy theo cách từ xưa truyền lại, phụ thuộc vào "nước trời" nên đói nghèo cứ dai dẳng…".
Cái khổ nhất là đến mùa khô, nhiều gia đình phải đi hàng cây số để lấy nước về dùng nhưng rồi một số con suối cũng cạn kiệt và ô nhiễm vì ngoài người dân, gia súc cũng tìm đến để uống nước, chất thải của chúng vương vãi hai bên bờ, thấm vào nguồn nước. Lắm chỗ phải đào sâu xuống vài mét mới có nước nhưng chỉ được 1,2 tuần là trơ đáy bởi cái nắng khắc nghiệt.
Bây giờ, Ma Nới đã phần nào thay da đổi thịt dù vẫn còn nghèo nhưng cái thay đổi lớn nhất là nguồn nước sinh hoạt không còn phải phụ thuộc vào trời, vào các con suối. Ánh sáng đèn điện đã thay thế những chiếc đèn dầu và đường bê tông đã phủ lên những lối đi đất cát. Những mái tranh tre nứa năm xưa nhiều nơi nay đã thay bằng nhà tường và không ít nhà đã có tivi, xe máy.
2. Mặc dù chương trình thông báo sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ nhưng 7 giờ 30 sáng, 400 bà con đã có mặt đông đủ. Vì vậy, bác sĩ đội trưởng Nguyễn Cộng Hòa, giảng viên Bộ môn Ngoại Tổng quát, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đề nghị anh em triển khai ngay.
Ngoài hành lang hội trường Ủy ban xã, các nữ cán bộ thuộc bệnh xá Công an tỉnh ghi họ tên bệnh nhân, đo huyết áp, làm việc không ngơi tay. Ở khu vực phát quà, cũng vẫn là những cán bộ Khối Hậu cần Công an tỉnh cho từng hộp sữa, từng chai dầu ăn, chai nước tương, gói bột canh vào từng chiếc túi để sau khi khám bệnh, lĩnh thuốc, bà con sẽ đến nhận quà.
Những phần quà này có được là do sự đóng góp của các nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh và không quản ngại đường xa, một số nhà hảo tâm như ông Trương Tấn Hiệp, Sì Cẩm Phí, Ly A Minh… vào đến tận xã Ma Nới rồi ghé vai vác từ trên xe xuống từng thùng thuốc, từng thùng sữa, thùng dầu…
Bà Bộ Alê Thị Niên ở thôn Hà Dài, khi được bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Khoa Nghiên cứu và điều trị Viêm gan Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám đã nói: "Từ lâu rồi, cái bụng mình muốn đi Bệnh viện Chợ Rẫy lắm nhưng không có tiền."
Bác sĩ Bác sĩ Trần Hữu Vinh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khi thăm khám cho nữ bệnh nhân Ta Pôn Thị Ngoan, 18 tuổi nhưng có 1 con trai 3 tuổi, đã hỏi: "Sao lấy chồng sớm vậy?". Cô gái ngại ngùng trả lời: "Cha mẹ con mất hết rồi. Con ở với chị. Con lấy chồng sớm để đỡ gánh nặng cho chị con…".
Theo Trung tá Trịnh Văn Huyên, Phó Công an huyện Ninh Sơn, nhiều năm trước đây người Raglai ở Ma Nới vẫn có tục dựng vợ, gả chồng khi trai gái vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên.
Trung tá Huyên nói: "Trước tình hình ấy, chúng tôi một mặt vận động những người cao tuổi, có uy tín trong từng thôn, giải thích về cái hại của việc lấy vợ, lấy chồng khi thể chất và tinh thần chưa phát triển hoàn chỉnh, mặt khác tuyên truyền kiến thức pháp luật về hôn nhân cho thanh niên nam nữ nên hiện tại, việc kết hôn sớm trước tuổi hầu như đã hoàn toàn chấm dứt".
Công tác vận động của Công an huyện hiệu quả đến mức bây giờ nếu nam thanh niên nào lấy vợ khi người vợ chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị hội đồng thôn phạt vạ, nhẹ nhất cũng là 1 con bò, đồng thời hội đồng còn báo lên Công an huyện để có hướng xử lý.
Theo Đại tá Phạm Đắc Tuyên, trong đợt phát động thi đua đặc biệt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng đến kỷ niệm 20 năm phong trào Thanh niên tình nguyện, Công an tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng thôn, xã, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà cho nhân dân ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.
Đại tá Tuyên nói: "Ngoài việc phối hợp với các tổ chức y tế từ thiện, tiến hành khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con, chúng tôi còn triển khai hỗ trợ đồ dùng học tập cho 65 em học sinh, xây dựng 4 điểm vui chơi cho trẻ em, tặng 10 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho 10 học sinh nghèo hiếu học, tổ chức chương trình "Học làm chiến sĩ Công an cho học sinh cấp 2…".
Gần 12 giờ, tôi tìm đến 1 trong 3 chiếc giếng mà 19 năm trước, Chuyên đề An ninh Thế giới đã thuê thợ đào để góp phần cung cấp nước sinh hoạt cho bà con xã Ma Nới. Giếng vẫn đang được sử dụng rất hiệu quả. Bên cạnh giếng có mấy phụ nữ đang chuẩn bị xách những chiếc thùng đựng đầy nước về nhà.
Một phụ nữ trò chuyện với tôi: "Từ đó tới giờ giếng chưa hề cạn, kể cả mùa khô cũng có nước. Cùng với hệ thống kênh mương trong xã, người Raglai hết lo thiếu nước rồi…".
Vũ CaoNguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn