Tại TP Hồ Chí Minh, mưa lớn kèm theo gió mạnh kéo dài từ trưa 25 đến sáng 26-11 với lưu lượng mưa có nơi đo được hơn 400mm khiến hàng loạt tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh bị ngập trong nước, cây cối gãy đổ, trốc gốc, hàng chục ngàn căn nhà bị ảnh hưởng do nước ngập tràn vào, 1 người thiệt mạng, 1 người mất tích, hàng ngàn phương tiện bị hư hỏng do ngâm trong nước.
Ngay sau khi mưa lớn tạm ngưng, trong ngày 26-11, cùng với các ban, ngành chức năng địa phương đánh giá sơ bộ thiệt hại bởi ảnh hưởng của cơn bão số 9, lực lượng Công an cũng đã tích cực tham gia công tác khắc phục hậu quả.
Dầm mưa giúp dân
Phà Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) hoạt động trở lại sau lệnh ngừng hoạt động do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Cũng trong ngày này, những người dân vào các khu vực tránh bão của huyện Cần Giờ đã thu dọn hành lý trở về nhà dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Trong ngày bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, nhiều cây xanh tại huyện nghèo Cần Giờ bị gió mạnh quật trốc gốc đè lên hệ thống đường điện. Trên các tuyến đường trụ điện, cây xanh, bảng quảng cáo và một số nhà dân bị gió giật ngã hư hỏng. Cùng với các tổ công tác, công nhân vệ sinh, Đội Cảnh sát PCCC huyện Cần Giờ đã nhanh chóng dọn dẹp hiện trường cây xanh, cột điện gãy ngã; công nhân điện lực tiến hành thi công sửa chữa đường điện, đường dây liên lạc.
CSGT bế cháu bé vượt qua các tuyến đường bị ngập nước. |
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, ngoài việc dọn dẹp các khu vực bị ảnh hưởng mưa lớn do cơn bão số 9 gây ra, lực lượng chi viện từ TP đã về giúp huyện đảo tiêu thoát nước các vùng ngập, vệ sinh những điểm nước đọng để tránh phát sinh dịch bệnh, sửa chữa lại nhà của dân bị hư hỏng. Tàu thuyền neo đậu tránh bão đã được chính quyền địa phương cho phép hoạt động trở lại.
Tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, các bến phà, đò ngang, đò dọc, các tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng đã được phép hoạt động trở lại sau bão. Cơn mưa lớn kéo dài từ trưa 25 đến ngày 26-11 với lưu lượng lớn, lớn nhất trong lịch sử tại TP Hồ Chí Minh, nơi thấp nhất hơn 100mm, nơi cao nhất đo được đến 407,6mm (quận Tân Bình). Với lưu lượng mưa lớn như thế này tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 102 điểm ngập, trong đó có 60 điểm ngập sâu và kéo dài. Rất may là vào thời điểm bị ảnh hưởng bởi bão số 9, đợt triều cường giữa tháng 10 âm lịch đã đi qua nên nước trên các tuyến đường ngập rút nhanh.
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, công ty đã huy động gần 600 người, phương tiện, máy móc vớt rác tại các nắp hố ga, vận hành máy bơm, kiểm tra các cống xả để thoát nước kịp thời.
Nhiều cây xanh ngã đổ trong mưa lớn đã được dọn dẹp. Liên quan đến thiệt hại về người trong cơn bão số 9, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra 2 vụ khiến một người chết, một người mất tích. Người tử vong do bị cây trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh đổ ngã chiều 25-11 là ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú quận 7). Lực lượng Công an cũng đã tham gia cùng đoàn công tác của chính quyền huyện Bình Chánh và quận 7 đến thăm hỏi, động viên, trao số tiền 20 triệu đồng cho gia đình ông Tân và hỗ trợ người nhà nạn nhân chi phí đưa nạn nhân về Đồng Tháp an táng.
Cũng tại Bình Chánh, tối 25-11, anh Long (25 tuổi, ngụ Bình Tân, làm việc tại Bình Chánh) cùng một số người bạn sau khi tan ca trở về nhà đi ngang qua khu vực kênh Nước Đen (đường Bến Lội, giáp giữa Bình Chánh và Bình Tân). Khi đi ra giữa đường thì xe máy của anh Long bị nước quật ngã và cuốn trôi. Một số người phát hiện đã chạy ra ứng cứu nhưng dòng nước chảy quá xiết nên anh Long bị mất tích.
Do trời mưa lớn, nước trên kênh dâng cao chảy xiết nên lực lượng cứu hộ và Công an huyện Bình Chánh không tìm được anh Long. Công an huyện Bình Chánh đã dựng hàng rào cảnh báo và trong ngày 26-11, công tác tìm kiếm anh Long vẫn đang được tiếp tục.
Cơn mưa lớn, kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh thành... sông. Việc di chuyển của người dân thành phố ngay trong ngày đầu tuần gặp nhiều trở ngại. Hàng ngàn người dân phải bì bõm lội nước, bị kẹt xe và trễ giờ làm.
Chủ động giúp người dân vượt qua các tuyến đường bị ngập, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung 100% quân số xuống các tuyến đường bị ngập phân luồng, chuyển hướng giao thông và dùng xe chuyên dụng di chuyển người dân ra khỏi tuyến đường bị ngập.
Trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), không phải chỉ hàng trăm xe gắn máy, mà còn có hàng chục ôtô do bị ngập nước, bị chủ xe bỏ lại giữa đường, trôi tự do trên mặt nước. Các tuyến đường cửa ngõ thành phố như đoạn QL13, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Cộng Hòa (Tân Bình), lưu lượng phương tiện đông, lại gặp trời đổ mưa khiến giao thông ùn ứ nhiều giờ liền...
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cho biết tình trạng kẹt xe diễn ra trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, trong đó nghiêm trọng nhất là các tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông. 100% quân số của đơn vị đã xuống hiện trường, tập trung cho các điểm kẹt xe do đường bị ngập. Đến trưa cùng ngày, tình trạng ùn tắc chấm dứt, giao thông tại các tuyến đường này trở lại thông thoáng.
Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hồ Chí Minh đã cử nhiều tổ công tác xuống địa bàn để giúp người dân, doanh nghiệp bơm hút nước từ các hầm xe của các tòa nhà cao tầng bị ngập nặng trong cơn mưa lớn. Nhiều phương tiện dưới hầm xe bị hư hỏng do ngâm quá lâu dưới nước. Tại quận Phú Nhuận, có ít nhất 10 tầng hầm của các tòa nhà bị ngập.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hồ Chí Minh, trong những ngày ảnh hưởng bởi cơn bão số 9, Phòng đã nhận 24 tin báo cháy do điện, 1.065 tin báo hút nước chống ngập, cây xanh ngã đổ. Không kể điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các tổ công tác đã ra quân làm nhiệm vụ ngay sau khi nhận tin.
Cụ thể, các tổ công tác đã xử lý 24 vụ cháy, xử lý 239 tin hút nước ngập, cây xanh đổ ngã, xử lý thành công điểm ngập gây nguy hiểm cho trạm biến áp 500KV - 220KV Nhà Bè, điều 15 xe chuyên dụng, 12 máy bơm và gần 100 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho Bình Dương chữa cháy xưởng vỏ xe bị cháy khi đang mưa lớn.
Đường sắt đã thông tuyến
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 26-11, ông Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, sau 30 giờ phong tỏa đường sắt qua địa phận phía Bắc tỉnh Ninh Thuận và phía Nam tỉnh Khánh Hòa do mưa lũ gây ách tắc giao thông, đến 7h48 sáng, đường sắt đã thông tuyến sau nhiều nỗ lực khắc phục sự cố.
CSGT giúp dân vượt qua các tuyến đường bị ngập nước. |
Theo cảnh báo của Công ty CP đường sắt Thuận Hải và Công ty CP đường sắt Phú Khánh, các đoàn tàu vận hành qua những lý trình bị mưa lũ gây sạt lở, cuốn trôi nền đường vừa mới khắc phục với tốc độ mỗi giờ 5 đến 15km.
Trước đó như Báo CAND đã thông tin, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, nhiều cung đoạn đường sắt xuyên Việt qua địa bàn hai địa phương này ách tắc. Không chỉ tràn qua mặt đường sắt hơn 30cm ở khu gian Hòa Trinh – Cà Ná (thuộc huyện Ninh Phước), mưa lũ còn làm cuốn trôi nền đường sắt ở hai đoạn với tổng chiều dài gần 300m, sâu hơn 1,8m ở khu gian Cà Rôm – Phước Nhơn (thuộc huyện Thuận Bắc) nên đường sắt qua địa phận phía Bắc tỉnh Ninh Thuận và phía Nam tỉnh Khánh Hòa đã phong tỏa từ 22h48 đêm 24-11.
Trong thời gian chờ khắc phục sự cố, Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang đã khẩn trương hợp đồng xe ôtô khách thực hiện dịch vụ trung chuyển hơn 4.000 hành khách trên 18 đoàn tàu trong hành trình ngược xuôi từ ga Nha Trang (Khánh Hòa) đến ga Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Công ty CP đường sắt Thuận Hải đã huy động hơn 100 công nhân cùng nhiều thiết bị xe cơ giới chuyên dụng và vật tư, vật liệu triển khai phương án khắc phục sự cố trong điều kiện thời tiết xấu, mưa lớn và lũ nguồn vẫn trút xuống. Với tinh thần “chạy đua” với thời gian và đánh vật với mưa lũ, công nhân đã xếp rọ đá, đào đắp nền đường tại những nơi lũ cuốn treo thanh ray và thu dọn đất đã bị lũ cuốn bồi lấp.
Bão đã qua, nguy cơ vẫn trước mặt
Tại huyện Tuy Phong, nơi mà từ đầu năm đến giờ chỉ có 5 cơn mưa khiến 3 hồ thuỷ lợi trên địa bàn đã cạn đến mực nước chết, ảnh hưởng đến sản xuất thì từ ngày 25-11 bắt đầu có mưa lớn cả ngày đêm. Đến chiều 25-11, cả 3 hồ đều phải xả lũ với liều lượng từ 100-300m³/s. Tuy nhiên, do mưa lớn, nước nguồn về lớn nên đến 4h sáng 26-11, hồ Lòng Sông phải xả lũ với lưu lượng 500m³/s. Triều cường trên các sông dâng cao đã giựt đứt dây neo và nhấn chìm, trôi ra biển 7 tàu thuyền, 10 thúng neo đậu tại các bến ở thị trấn Liên Hương, thị trấn Phan Rí Cửa.
Trong khi đó, tại 3 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam cũng có mưa lớn vào cùng thời gian trên khiến nước thoát không kịp làm nhiều diện tích lúa, thanh long bị ngập. Riêng huyện Hàm Thuận Bắc, hồ Sông Quao đã tăng lưu lượng xả lũ từ 150m3/s của ngày 25-11 lên 170m3/s của trưa 26-11, do nước nguồn đổ về.
Công tác tìm kiếm nạn nhân Long bị nước cuốn trôi trong cơn mưa lớn. |
Còn tại TP Phan Thiết, nơi bị thiệt hại nặng do bão số 9, sáng 26-11, trời đã ngớt mưa và hửng nắng. Tại khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, 2.600 du khách mà 2 ngày trước được di dời lên các resort phía đồi xa biển đã quay trở lại resort ven biển ban đầu. Vùng ven biển, con sóng hiền dịu hơn trước đó nhưng vẫn đang tiếp tục gây xói lở bờ biển. Toàn vùng biển phường Hàm Tiến, trước, trong thời gian có bão số 9, biển ăn sâu vào bờ với chiều dài 2,5km, làm ngã đổ 2 hàng dừa và một số tường rào của hộ dân.
Từ Khu du lịch Biển xanh đến Khu du lịch Làng Tre, sóng mạnh đã lấn bờ kéo dài khoảng 1km, sâu vào đất liền từ 5 - 10m, đã vào tới ranh giới đất của các cơ sở du lịch. Hiện tại, các chủ khu du lịch huy động lực lượng dùng bao cát, vải bạt đắp kè để khắc phục tạm. Tuy nhiên, với sóng mạnh đang uy hiếp từng phút, từng giờ này, các khu du lịch này đang đứng trước nguy cơ sạt lở rất cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Thuận, bão số 9 đã làm chìm và hư hỏng gần 40 thuyền máy ở TP Phan Thiết, Phú Quý. Sóng biển đánh sập mặt kè làm sụp 15m2 kè tại kè bảo vệ bờ biển Phước Thể; gây sạt lở bờ biển dài 15m, sâu vào đất liền 1m tại Khu vực Trung tâm giống Chí Công, xã Chí Công uy hiếp tuyến đường giao thông ĐT 716 của địa phương; biển lở uy hiếp khu du lịch Hàm Tiến… Hiện chưa thống kê hết diện tích hoa màu bị ngập lụt.
Tăng cường ngay các giải pháp dự phòng chống dịch bệnh sau bão số 9
Chiều 26-11, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Hồ Chí Minh cho biết đã chỉ đạo các TTYTDP quận/huyện thực hiện tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và phòng chống dịch bệnh khắc phục sau cơn bão số 9.
Theo bác sĩ Ngô Cao Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học, TTYTDP thành phố, sau mưa bão triều cường thì dễ xuất hiện nhiều bệnh gây ảnh hưởng cho sức khỏe do tồn đọng rác thải, chất thải của người, gia súc, gia cầm… Các bệnh có thể xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm.
Đặc biệt, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn đều là những bệnh rất nguy hiểm nếu để xảy ra. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh trên, TTYTDP thành phố đã chỉ đạo các trạm y tế phường, xã tăng cường giám sát, vệ sinh công cộng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp nước, chung cư, hộ dân.
TTYTDP thành phố cũng đề nghị, các quận, huyện nếu phát hiện có sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cần chủ động cung cấp hóa chất diệt khuẩn cũng như hướng dẫn người dân triển khai vệ sinh và khử trùng giếng nước, nước sinh hoạt bằng Cloramin B…
TTYTDP khuyến cáo người dân khi chọn lựa thực phẩm nên đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Vào những thời điểm như này, các hộ dân nên ăn chín, uống sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trong đó, nếu phát hiện người thân trong nhà có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám chẩn bệnh đúng và phòng chống dịch bệnh lây lan.
Tích cực tìm kiếm, cứu người bị nước cuốn trôi Ngày 26-11, Đại tá Đinh Hồng Nghiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong đêm 25-11, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát PCCC khẩn trương rời TP Phan Rang – Tháp Chàm ngược lên huyện Ninh Sơn, sử dụng ca nô ra giữa sông Dinh cứu nạn vợ chồng ông bà Nguyễn No (70 tuổi), Phan Thị Út (66 tuổi) đang đu bám trên ngọn cây khi lũ từ thượng nguồn đổ xuống ầm ào, họ không kịp thoát khỏi căn lều trên bãi bồi giữa dòng sông. Chiều 26-11, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đang nỗ lực tìm kiếm anh Đào Hữu H. (23 tuổi, quê quán Thanh Hóa) bị nước cuốn trôi do ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát (Bình Dương). Theo cơ quan Công an, anh H. sinh sống tại khu lều dựng tạm gần mương nước thuộc phường Mỹ Phước. Khoảng 17h ngày 25-11, anh H. bất ngờ bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi và mất tích. Cùng ngày, nước rút dần và đội cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Dương hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân nhưng bất thành. Được biết, nam thanh niên là công nhân của một công trình làm cống khu dân cư. H.Toàn - C.Bình ------------------------ Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, trong những ngày bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, một vài khu vực tại TP Hồ Chí Minh phải cắt điện để không bị ảnh hưởng, vì vậy có khoảng 130.000 khách hàng bị ảnh hưởng, không được cung cấp điện, ngành điện đã sử dụng máy phát điện để cấp điện tạm. Sau khi cơn bão đi qua, Tổng công ty đã khắc phục nhiều vị trí. Hiện có khoảng 2.000 khách hàng ở phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân bị mất điện do nước ngập sâu. Tổng Công ty Điện lực sẽ nhanh chóng khắc phục tình trạng mất điện tại khu vực này sau khi cùng các lực lượng khác giải quyết xong vấn đề ngập ở đây. M.Đức |
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn