Người dân cho biết chỉ trong hơn 2 phút nhưng cơn lốc đã cuốn sập hàng chục lều quán kinh doanh ăn uống, giải khát ở khu vực này; nhiều vật dụng, thực phẩm và nước uống bị cơn lốc làm đổ nát. 8 người tránh gió mưa trong các lều quán bị thương phần mềm đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An điều trị, trong đó có một số du khách đến tham quan danh thắng Gành Đá Đĩa, 19 người khác xây xát nhẹ chủ động sơ cứu tại chỗ.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cùng lực lượng Công an địa phương trực tiếp đến hiện trường phối hợp dân quân địa phương khắc phục hậu quả.
* Mưa lũ tại Khánh Hòa làm ít nhất 12 người chết và 5 người mất tích; giao thông đường sắt và đường bộ bị tê liệt * Lốc lớn cuốn phăng hàng chục lều quán ở danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa (Phú Yên) |
Đặc biệt tại TP Nha Trang, đến tối 18-11, mưa lũ lớn gây sạt lở đất, cuốn trôi nhiều nhà cửa đã làm ít nhất 12 người chết và 5 người mất tích. Tại phường Vĩnh Hòa, nước lũ từ sườn núi Hòn Xện đổ xuống gây sạt lở đất đá khiến cho 10 căn nhà sập đổ hoàn toàn, nhiều căn nhà khác hư hỏng do nước cuốn, đất đá từ trên núi sạt lở, đổ ập xuống.
Đại úy Vũ Huy Hoàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung Bộ (thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ – Bộ Công an) trực tiếp chỉ huy 30 cán bộ, chiến sĩ phối hợp Bộ đội và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương khẩn trương đến hiện trường sơ tán hàng trăm người dân và di dời tài sản có giá trị ra khỏi tầm nguy hiểm.
Trong số gần 10 căn nhà sập đổ đã có sự cố thương vong xảy ra nghiêm trọng tại nhà anh Trần Hoàng Phong (33 tuổi) – giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 2. Nước lũ từ trên sườn núi đổ xuống với cường suất mạnh cuốn sập căn nhà vào rạng sáng khiến cho anh Trần Hoàng Phong mất tích, 2 đứa con là Trần Minh Quân (6 tuổi) và bé gái 1 tuổi tử nạn do vùi lấp trong đống đổ nát, vợ anh Phong là Nguyễn Thị Thu Thủy bị thương nặng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu.
Sau nhiều giờ dầm mình dưới mưa, đến 17h, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 CSCĐ đã tìm thấy thi thể anh Phong. Một tổ công tác khác gồm CBCS Công an TP Nha Trang và Phòng CSCĐ Công an tỉnh Khánh Hòa đã tìm thấy thi thể hai cháu nhỏ tử nạn.
Thượng tá Phan Văn Cường, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong ngày 18-11, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã đến những nơi sạt lở đất đá ở phường Vĩnh Thọ, phường Vĩnh Trường và xã Phước Đồng, TP Nha Trang phối hợp bộ đội, dân quân địa phương triển khai phương án cứu nạn.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC Công an Khánh Hòa nỗ lực giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong căn nhà bị sập ở TP Nha Trang. |
Đến trưa cùng ngày, đã có 3 người dân được Công an giải cứu ra khỏi những căn nhà sập đổ. Đến chiều tối cùng ngày, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an Khánh Hòa vẫn dầm mình trong mưa, đào bới những đống đất đá ở núi Chụt, phường Vĩnh Trường và thôn Thành Phát, xã Phước Đồng để tìm kiếm, giải cứu nạn nhân mất tích...
Tại Khánh Hòa, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, mưa lớn kéo dài đã khiến cho tuyến đường sắt xuyên Việt vào ga Nha Trang đã phải phong tỏa từ 10h sáng ngày 18-11. Mưa trút nước xối xả với lưu lượng lớn kết hợp nước từ các sườn núi đổ xuống đã khiến cho nhiều lý trình đường sắt qua khu gian Lương Sơn – Nha Trang ở TP Nha Trang; Cây Cầy – Nha Trang, Suối Cát – Ngã Ba ở huyện Cam Lâm bị ngập nước tại nhiều cung đoạn. Nhiều đoàn tàu khách, tàu hàng phải dừng lại tại các ga xe lửa Ninh Hòa, Phong Thạnh, Lương Sơn, Nha Trang, Cây Cầy, Ngã Ba để chờ nước rút, trong đó có nhiều vị trí sạt lở, nền đường sắt tại lý trình Km 1294-1295 hư hỏng.
Lực lượng Cảnh sát cơ động nỗ lực tìm kiếm người mất tích dưới đống đổ nát bên chân núi Hòn Xện. |
Công ty CP Đường sắt Phú Khánh huy động hơn 100 công nhân cùng nhiều phương tiện xe cơ giới đến hiện trường tập trung khắc phục sự cố nhưng đến 16h30 ngày 18-11, đường sắt ở những cung đoạn nêu trên vẫn ách tắc.
Trên QL1A, nhiều cung đoạn nước lũ tràn qua đường, mực nước ở đoạn đường qua phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh có nơi ngập sâu 0,5 -1m khiến cho nước tràn ngập nhiều căn nhà ven đường, một số cung đoạn ở huyện Cam Lâm cũng bị ngập nước.
Từ cửa ngõ phía Tây, phía Bắc TP Nha Trang, các tuyến đường 23-10, 2-4 kết nối trung tâm nội thành ngập lụt nhiều đoạn, cửa ngõ phía Đông Nam Nha Trang, nước mưa từ những dãy núi trút xuống ào ạt khiến cho đất đá sạt lở xuống đường đèo Cù Hin trên đại lộ Nguyễn Tất Thành ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ đang được chính quyền, đặc biệt là lực lượng Công an, Quân đội và các ngành hữu quan tích cực triển khai các phương án để mau chóng giúp dân ổn định cuộc sống và sản xuất…
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới nạn nhân mưa lũ Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8. Công điện do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng Chính phủ, gửi các cơ quan: Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng tàu; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ: Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và PTNT; Công Thương; Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hôm nay (ngày 18 tháng 11 năm 2018), trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương. Theo dự báo, trong những ngày tới, mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu. PV |
Tác giả: Hữu Toàn
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn