Lực lượng Công an đã chủ động, sớm ổn định an ninh trật tự ngay sau ngày đại thắng

Thứ ba - 01/05/2018 04:59
Trưa 30-4-1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 dẫn đầu đội hình xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Tổng thống ngụy lần lượt húc đổ cổng chính và cổng phụ trung tâm đầu não cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến phi nghĩa chia cắt dân tộc Việt Nam suốt 21 năm.

Tại Sài Gòn - Gia Định (T4), nhiệm vụ cấp bách trước mắt để chính quyền Cách mạng đi vào quản lý là phải nhanh chóng ổn định tình hình ở vùng mới giải phóng, ổn định đời sống nhân dân và đặc biệt là phải bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ nặng nề này đặt lên vai của lực lượng Công an nói chung mà trọng trách là Ban An ninh T4 – tổ chức tiền thân của Công an TP Hồ Chí Minh sau này…

Lực lượng Công an đã chủ động, sớm ổn định an ninh trật tự ngay sau ngày đại thắng

Ngày hội mừng chiến thắng của quân, dân Sài Gòn – Gia Định sáng 15-5-1975. Ảnh tư liệu.

Ngay từ sáng sớm ngày 1-5-1975, có khoảng 4.000 đối tượng của chính quyền Sài Gòn thuộc diện phải đăng ký trình diện đã đến Tổng nha cảnh sát ngụy cũ (nơi Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tiếp quản) và Nha cảnh sát đô thành cũ (nơi Ban An ninh T4, tổ chức tiền thân của Công an TP Hồ Chí Minh sau này) để chính quyền Cách mạng ghi tên, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký trình diện. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức đăng ký trình diện đối với số ngụy quân, cảnh sát các loại từ hạ sĩ quan trở xuống và ngụy quyền, đảng phái cấp cơ sở.

Trong đó, lực lượng An ninh phụ trách đăng ký đối với nhân viên ngụy quyền, cảnh sát, tình báo, đảng phái, giáo phái phản động ở cơ sở. Nhờ được sự phân công và chuẩn bị chu đáo, kết hợp giữa công tác hồ sơ và tinh thần, khí thế cách mạng của quần chúng trong việc vận động, nhắc nhở các đối tượng ra trình diện, kịp thời phát hiện những người còn lẩn trốn… nên công tác tổ chức đăng ký trình diện đã thu được kết quả tốt.

Tính đến ngày 31-5-1975 (hạn cuối đăng ký trình diện theo quy định của Ủy ban Quân quản thành phố), đã có 44.369 đối tượng đến đăng ký trình diện; giao nộp 324 súng ngắn các loại, 167 tiểu liên.

Từ đầu tháng 6 đến tháng 10-1975, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, lực lượng An ninh thành phố đã phân loại, tổ chức giáo dục, cải tạo gần 45.000 đối tượng là nhân viên ngụy quyền, đảng viên các đảng phái phản động cấp cơ sở và cảnh sát, nhân viên an ninh từ hạ sĩ quan trở xuống.

Trên cơ sở tài liệu thu thập được từ các lớp học tập cải tạo với hồ sơ địch để lại cũng như tài liệu của các điệp báo viên, cơ sở An ninh T4 và tin tức do nhân dân cung cấp, An ninh thành phố đã truy bắt được 1 sĩ quan cấp tướng, 155 sĩ quan cấp tá, 650 sĩ quan cấp úy (trong số 500 sĩ quan cấp tá, gần 1.000 sĩ quan cấp úy trốn trình diện), một số hạ sĩ quan, binh lính ác ôn trong lính dù, thủy quân lục chiến, tình báo, cảnh sát đặc biệt…

Sau học tập cải tạo, toàn thành phố có 400.000 nhân viên, bình lính chế độ cũ được trở lại với đời sống bình thường, trong đó có 93% được phục hồi đầy đủ các quyền công dân.

Từ thực tế của thành phố vừa giải phóng, việc thực hiện chủ trương tổ chức đăng ký trình diện, học tập cải tạo đã có tác dụng nghiệp vụ và ý nghĩa xã hội to lớn, đó là vừa giúp chính quyền Cách mạng nhanh chóng nắm được tình hình, vừa xóa tan luận điệu của địch về một cuộc “tắm máu của cộng sản”, làm yên lòng những người đã từng hợp tác với đối phương, tạo không khí ổn định, trật tự trong đời sống xã hội. Cũng cần kể thêm rằng, sau ngày đại thắng, chính quyền thành phố đã đối mặt với tình hình xã hội rất căng thẳng, phức tạp.

Toàn thành phố khi đó có khoảng 3 triệu dân nhưng có hơn 700 ngàn người dân di cư, tị nạn đang sống bấp bênh trong các ngõ hẻm, xóm chợ đẩy con số thất nghiệp và nửa thất nghiệp của thành phố trên 500 ngàn người.

Cạnh đó là khoảng 170 ngàn thương phế binh, 35 ngàn gái mại dâm, 150 ngàn người nghiện ma túy, 10 ngàn trẻ em bụi đời, 10 ngàn người ăn xin, 200 ngàn trẻ mồ côi, 200 ngàn đối tượng lưu manh, du đãng, 30 ngàn người tham gia cờ bạc, buôn lậu... và khoảng 11 ngàn đối tượng hình sự được thả ra trong những ngày trước và sau khi thành phố được giải phóng.

Sau ngày giải phóng, sau thời gian ngắn “co vòi” nằm im, nghe ngóng tình hình, các đối tượng hình sự tại Sài Gòn – Gia Định bắt đầu tụ tập, cấu kết nhau hoạt động trở lại, gây ra nhiều vụ trọng án khiến người dân lo lắng, hoang mang.

Trước thực tế này, lực lượng An ninh thành phố quyết định mở chiến dịch truy quét. Trong tháng 9-1975, lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định đã xóa hầu hết các điểm mại dâm trá hình, lập hồ sơ tập trung 200 trẻ em bụi đời, mồ côi đưa đi giáo dưỡng, xóa 11 băng cướp là thủ phạm gây ra 26 vụ trọng án đưa ra tóa án xét xử, có 13 tên nhận mức án tử hình.

Tính từ ngày 30-4 đến hết năm 1975, lực lượng An ninh thành phố đã điều tra làm rõ trên 5.300 vụ trong tổng số gần 7.000 vụ phạm pháp hình sự; truy quét, triệt xóa nhiều băng, ổ, nhóm trộm cướp chuyên nghiệp khét tiếng, trong đó có băng cướp máu lạnh do Đoàn Đình Hùng (tức Hai Sang) cầm đầu đã gây ra 94 vụ giết người, cướp tài sản.

Lãnh đạo Công an thành phố cho biết những năm sau ngày giải phóng, trung bình mỗi năm số vụ phạm pháp hình sự khoảng 13.000 vụ. Những địa bàn, khu vực như Công viên 23/9, công viên Tao Đàn, công viên Hoàng Văn Thụ, chợ Bến Thành, chợ Cầu Muối,… là hang ổ của tội phạm.

Những tên cướp khét tiếng trước 1975 như Điền Khắc Kim, Võ Tùng Hội, Tiêu “mù”, Phạm Bá Y, Bùi Văn Đắc, Nguyễn Văn Tân… đã gây dựng lại thanh thế bằng những vụ cướp, giết rất manh động và tàn bạo.

Một thống kê cho thấy, giai đoạn 1975-1978, trong hơn 3 năm bọn tội phạm hình sự đã cướp đi sinh mạng của 170 người, 200 người bị thương. Tài sản bị thiệt hại gồm 1.200 lượng vàng, 15 xe ôtô, 70 viên kim cương, 370 xe gắn máy... bị thương hàng chục người. Bọn tội phạm còn nhắm tới giới nghệ sĩ và trí thức (như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga).

Hoạt động tội phạm này không chỉ gây chấn động dư luận, hoang mang cho người dân mà còn đè nặng vai của lực lượng Công an thành phố. Thế nhưng bằng thái độ chuyên chính, cương quyết truy quét tội phạm đến cùng và đặc biệt là việc triển khai linh hoạt, kịp thời biện pháp trấn áp tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội (trong đó, việc thành lập Đội săn bắt cướp trên đường phố vào đầu năm 1978 với những cán bộ, chiến sĩ tuổi đời không quá 30 tuổi, gan dạ, dũng cảm, giỏi võ thuật, giỏi bắn súng, lái xe…

Công an thành phố khi đó đã truy quét hàng trăm ổ nhóm tội phạm, đưa hàng trăm tên ra vành móng ngựa, góp phần quan trọng cho công tác đảm bảo ANTT thành phố, tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào chế độ mới…

Một trong những thành tích đáng ghi nhận của Công an TP Hồ Chí Minh những ngày đầu giải phóng là góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối ngày hội mừng chiến thắng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định được tổ chức vào sáng 15-5-1975 tại Quảng trường Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất). Theo đúng kế hoạch, hai ngày trước đó, đoàn của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vào tới Sài Gòn.

Đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Sáng 15-5, Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tham gia Đoàn Chủ tịch, như đồng chí: Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà... Hơn 55 vạn đồng bào Sài Gòn - Gia Định đến tham gia buổi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng chiến thắng.


Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây