Dọc những tuyến sông lớn, bóng các anh hòa cùng với trăng, sao đêm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ thịt lợn ra khỏi vùng có dịch.
Cuộc điện thoại của trinh sát báo cáo về cắt ngang dòng suy nghĩ của Thiếu tá Nguyễn Minh Đức. Cùng thời điểm các tổ công tác lăn lộn ở địa bàn phòng chống dịch thì một mũi công khác của đơn vị cũng căng mình trên các tuyến sông Châu Giang, sông Hồng, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.
“Chúng tôi đã bắt giữ chiếc tàu bê tông không có số hiệu đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Châu Giang, thuộc địa bàn thôn Quang Văn, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam” - thông tin do anh em báo cáo về khiến Thiếu tá Nguyễn Minh Đức thở phào nhẹ nhõm, lúc đó là 24h đêm ngày 9-5.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức kiểm tra 1 địa điểm kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. |
Trước đó, qua công tác trinh sát, Phòng CSPCTPMT đã có thông tin về hành vi khai thác cát trái phép tại tuyến sông Châu Giang, đoạn thuộc địa bàn thôn Quang Văn. Một tổ công tác đã được cử xuống địa bàn nắm tình hình nhưng việc thu thập tài liệu gặp không ít khó khăn.
Lợi dụng địa hình giáp ranh giữa 3 tỉnh, các đối tượng đã sử dụng tàu không có số hiệu, lén lút khai thác cát vào đêm tối... Mỗi lần anh em trinh sát xuống địa bàn là người chỉ huy ấy lại lo lắng, dõi theo từng bước chân của những người đồng chí, đồng đội. Bởi đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Bắt hay không bắt và lựa chọn thời điểm nào, đòi hỏi sự quyết đoán linh hoạt của người trưởng phòng.
Sau khi nghe anh em báo cáo nhanh, Thiếu tá Đức quyết định phá án. Vào thời điểm bắt quả tang, lúc 23h15 phút, tổ công tác của Phòng CSPCTPMT phối hợp với Công an huyện Lý Nhân và Ban Công an xã Bắc Lý đã bắt quả tang các đối tượng đang hút cát.
Qua kiểm tra, các đối tượng trên thuyền gồm: Đào Đình Long (SN 1960, trú tại Bình Lục, tỉnh Hà Nam) chủ tàu và 2 người làm thuê là Nguyễn Văn Lượng (SN 1986) và Trịnh Xuân Kiên (SN 1976, trú tại Hà Nam) đã thừa nhận hành vi vi phạm. Quá trình kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến phương tiện tàu và hoạt động khai thác cát.
Với các hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường, các đối tượng cũng có “trăm phương, nghìn kế” để đối phó với sự phát hiện của lực lượng chức năng. Chúng thường lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ cuối tuần để đấu nối tinh vi như chôn ống nước thải sản xuất ngầm dưới đất, đặt ngầm dưới các mương nước...
Các điểm xả thải ra môi trường đều được ngụy trang dưới các mương nước hoặc được che chắn kỹ lưỡng để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Một số xây dựng không đúng thiết kế, cắt gián công đoạn hoặc không xây dựng hệ thống xử lý khí thải theo quy định mà thải trực tiếp ra môi trường... Các hành vi vi phạm này đều diễn ra trong thời gian rất nhanh và được ngụy trang kín đáo.
Để phá án thành công, các trinh sát phải vượt qua hệ thống tường cao, rào sâu cùng hệ thống camera dày đặc 24/24 h giám sát. Mỗi vụ án bắt giữ thành công kế hoạch phải được xây dựng một cách tỉ mỉ.
Cho đến bây giờ, Thiếu tá Đức và đồng đội vẫn không quên được lần bắt quả tang vụ xả khí thải không qua xử lý, vượt qua tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép xảy ra tại Công ty TNHH Thời trang Việt Nam, công ty 100 % vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ ký có công đoạn mạ sản phẩm.
Với quy trình này, quá trình sản xuất sẽ phát sinh khí thải độc hại, nếu không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của công nhân làm việc trong công ty và người dân sống ở xung quanh.
Khi nghiên cứu về quy trình sản xuất, người chỉ huy và đồng đội không khỏi lo lắng về tác hại của việc xả khí thải của Công ty TNHH Thời trang Việt Nam ra môi trường. Vì thế, anh đã chỉ đạo các thành viên của đơn vị xây dựng án đấu tranh. Các vi phạm về xả thải, nếu không bắt giữ quả tang, đối tượng sẽ không thừa nhận hành vi phạm tội... Vì thế, kế hoạch phá án được các anh tỉ mỉ tính toán.
Tại thời điểm kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vụ việc để ghi nhận toàn bộ sự việc trên. Đồng thời phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, sử dụng thiết bị đo nhanh và tiến hành thu mẫu khí thải để phục vụ công tác kiểm định khí thải.
Với sự nhiệt huyết của người chỉ huy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSPCTPMT tỉnh Hà Nam đã phát hiện, phối hợp xử lý 312 vụ việc, với 315 đối tượng. Trong đó xác lập, đấu tranh, triệt phá 5 chuyên án, đề nghị truy tố 2 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; báo cáo các cấp có thẩm quyền xử phạt 310 vụ việc, với 311 đối tượng, với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng Phòng CSPCTPMT Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định xử phạt 57 vụ việc với 59 đối tượng.
Trưởng thành từ một người lính hình sự, những năm tháng cùng đồng đội lăn lộn trên các tuyến, địa bàn trọng điểm đã hun đúc cho Thiếu tá Nguyễn Minh Đức bản lĩnh vững vàng khi đối mặt với tội phạm. Ở vị trí công tác này, anh đã cùng đội xác lập nhiều chuyên án, đấu tranh triệt phá các đường dây trộm cắp, cướp giật, bắt và vận động nhiều đối tượng truy nã ra đầu thú...
Rồi đến khi là Phó trưởng phòng ngoại tuyến, Thiếu tá Đức vẫn tiếp tục sát cánh cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; chỉ đạo xây dựng nhiều kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn, không để các đối tượng phạm tội thực hiện được âm mưu, ý đồ của chúng. Qua đó, góp phần công sức đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Từ năm 2016, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức được bổ nhiệm làm Trưởng phòng CSPCTPMT Công an tỉnh Hà Nam. Trong 3 năm (2016-2018) đã tập trung đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới tư duy, chủ động thực hiện có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu công tác đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức bộc bạch: Khi được giao trọng trách là Trưởng phòng CSPCTPMT, anh cũng không khỏi trăn trở. Đây là một lĩnh vực mới, khác với những vị trí công tác đã từng kinh qua. Vì thế, an đã phải tỉ mỉ nghiên cứu nhiều văn bản, tài liệu, liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí đi trước...
Anh cùng tập thể lãnh đạo đơn vị đã chủ động tổng hợp, nghiên cứu tình hình tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng chương trình tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSPCTPMT toàn tỉnh tập trung đấu tranh, triệt phá có hiệu quả với tội phạm và cá vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thực phẩm.
Trong 5 năm, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức đã cùng cấp ủy, lãnh đạo đơn vị xây dựng đơn vị vững mạnh. Năm 2018, Phòng CSPCTPMT Công an tỉnh Hà Nam được tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Hà Nam. Cá nhân Thiếu tá Nguyễn Minh Đức từ năm 2014-2018 đến nay đã nhiều lần được Bộ Công an, UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen. Năm 2018, anh được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng, vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Xuân Mai - Phạm Tâm
Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn