Ngày 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học cấp Hội đồng lý luận Bộ Công an về công tác của lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và những đóng góp cho quá trình phát triển lý luận CAND.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục trong và ngoài ngành Công an.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Khai mạc Hội thảo, Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) phát biểu cho biết, năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Cảnh sát QLTG ra đời có nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo người phạm tội, những kẻ chống lại chính quyền, những kẻ phá rối TTATXH.
Để thống nhất quản lý các trại giam và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giam giữ, giáo huấn các loại tội phạm, ngày 7/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về “Tổ chức các trại giam”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, cao nhất của Nhà nước ta về công tác quản lý trại giam; được Bộ Công an xác định là ngày thành lập lực lượng Cảnh sát QLTG. Trung tướng Lê Minh Hùng nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để CBCS lực lượng CSTG ôn lại kỷ niệm, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để đề xuất, tham mưu đề xuất những định hướng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị liên quan đến công tác thi hành án phạt tù.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cảm ơn sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đối với Bộ Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD nói riêng.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, trong 70 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, lực lượng Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD đã có những đóng góp đáng kể trên mặt trận bảo vệ ANTT.
Các đại biểu dự Hội thảo |
“Với chức năng cơ bản, xuyên suốt là quản lý và giáo dục cải tạo người phạm tội, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát QLTG đã vận dụng các quy định của Đảng, Nhà nước một cách sáng tạo, quản lý nghiêm ngặt các loại đối tượng; bảo đảm các cơ sở giam giữ an toàn trong mọi tình huống, giảm đến mức thấp nhất phạm nhân, trại viên, học sinh trốn, chống phá, vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết và nhấn mạnh, trong công tác giáo dục cải tạo, lực lượng Cảnh sát QLTG đã vận dụng hiệu quả chính sách hình sự nhân đạo đối với người phạm tội.
Kết hợp nhuần nhuyễn biện pháp giáo dục cải tạo bằng chính trị kết hợp với giáo dục cải tạo bằng lao động làm cho người phạm tội nhận thức rõ tội lỗi của bản thân, quyết tâm cải tạo tiến bộ để sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình và hoà nhập cộng đồng; đã giáo dục, cảm hoá hàng chục vạn người lầm lỗi hoàn lương trở về cuộc sống đời thường, có ích cho xã hội.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhắc tình hình thế giới, trong nước có những diễn phức tạp, tác động trực tiếp, gián tiếp đến mọi mặt công tác của lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát QLTG nói riêng trong bảo đảm, giữ gìn ANTT, đồng thời nhấn mạnh đến những nhiệm vụ của lực lượng CSTG trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án về thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào CSGDBB, TGD...
Hội thảo có 88 bài tham luận, nghiên cứu khoa học, 6 ý kiến phát biểu đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát QLTG, trong đó, nêu bật những thành tích, chiến công của lực lượng Cảnh sát QLTG trong suốt 70 năm qua.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo |
GS, TS Nguyễn Hữu Duyện, nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Cảnh sát 6 nhắc lại những khó khăn gian khổ nhưng hào hùng của CBCS Cảnh sát QLTG 70 năm qua, khẳng định, dù nghèo về kinh tế, sống ở vùng sâu, vùng xa, thiếu thốn cả về vật chất, tinh thần nhưng anh chị em luôn nghĩa tình với nhau.
“Như trại giam Na Hang (Tuyên Quang) trước đây, cán bộ phải đi bộ 2 ngày mới mua được nhu yếu phẩm cho cán bộ và phạm nhân” – Đại tá Nguyễn Hữu Duyện cho biết và chia sẻ, nếu có kiếp sau, ông vẫn mong được sống, làm việc ở lực lượng này bởi sự tình nghĩa, gắn bó không gì quên được. Ông cho biết, dù đã rời công tác quản lý phạm nhân gần 20 năm nhưng có phạm nhân năm nào cũng gửi tặng 1 cây mai để bày tỏ tình cảm.
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Tường Duy Kiên thì cho rằng, sự ưu việt của công tác giáo dục, quản lý phạm nhân ở Việt Nam rất nhân đạo, nhân văn, không có tra tấn, nhục hình; người bị tạm giam, tạm giữ vẫn được thực hiện các quyền con người như bầu cử đại biểu Quốc hội, được mặc quần áo dân sự khi ra Toà. Đặc biệt, điều không nước nào trên thế giới có được, đó là phạm nhân trong trại giam nếu cải tốt được ở buồng hạnh phúc, được gặp riêng người thân 24 giờ...
Trung tướng Cao Ngọc Oánh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an – người gắn bó với công tác phòng chống tội phạm và thi hành án hình sự chia sẻ những tháng ngày đầu tiên vào Ngành, ông được biên chế trong lực lượng Cảnh sát QLTG, tham gia giáo dục phạm nhân và khi nghỉ hưu cũng tại lực lượng này.
Ông cho biết, hiện nay, công tác QLTG đã hình thành hệ thóng luật pháp rất tiến bộ, đáp ứng thể chế chính trị và thực tiễn công tác; đã xác định được công tác thi hành án hình sự, trọng tâm là thi hành án phạt tù không phải của riêng lực lượng Công an mà là của Đảng, Nhà nước, nhân dân, chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng và nhân dân, công khai, nhân đạo, kết hợp giữa trừng trị và giáo dục để đạt mục đích cuối cùng là giúp người phạm tội hoàn lương.
Trung tướng Hồ Thanh Đình – người có hơn 43 năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát QLTG, trưởng thành từ cơ sở, trải qua hầu hết các công việc của trại giam từ cán bộ quản giáo, giáo dục, trinh sát, kế hoạch sản xuất, phụ trách y tế, tham gia gác nên ông rất hiểu, thông cảm những người làm công tác trại giam. Trung tướng Hồ Thanh Đình đề nghị cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CBCS Cảnh sát QLTG, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, luân chuyển vị trí để 1 người biết nhiều việc; có chính sách phù hợp đối với cán bộ công tác tại các cơ sở giam giữ...
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng với các đại biểu dự Hội thảo |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã rút ra 3 vấn đề nổi bật mà các tham tham luận, ý kiến phát biểu nêu ra, đó là khẳng định vai trò của Đảng, nhân dân – là nhân tốt quyết định mọi thắng lợi của lực lượng CAND trong đó có Cảnh sát trại giam; khẳng định rõ vai trò, vị trí đóng góp to lớn của Cảnh sát QLTG trong sự nghiệp bảo vệ ANQGT, giữ gìn TTATXH, cảm hoá giáo dục người lầm lỗi hoàn lương; đưa công tác QLTG đi vào nền nếp, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới của đất ước ta.
“Suốt 70 năm qua, lực lượng Cảnh sát QLTG đã kiên trì thực hiện chính sách nhân đạo, thể hiện tính ưu việt, hào sảng của người cộng sản, cảm hoá giáo dục người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và chia sẻ với những khó khăn, gian khổ mà lực lượng Cảnh sát QLTG trải qua. Đó là các đơn vị đều đóng quân ở cùng sâu, xa khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; đối tượng quản lý liên tục tăng, đặc biệt đối tượng ma tuý, HIV, chống đối... gây nhiều khó khăn cho công tác giáo dục, quản lý nhưng CBCS Cảnh sát QLTG không ngại khó khăn, nguy hiểm, hạn hẹp về kinh tế, vẫn 1 lòng kiên trung với Đảng, trung thành với Tổ quốc, đoàn kết, thống nhất hoà thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị thời gian tới, Cục Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD cần chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Công an các chủ trương, chính sách giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi; không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng giáo dục, cảm hoá phạm nhân; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung lý luận của lực lượng; giáo dục cho CBCS truyền thống anh hùng 70 năm xây dựng chiến đấu trưởng thành của lực lượng; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng, trong sạch về lối sống, tinh thông nghiệp vụ...
Tác giả: Phương Thuỷ
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn