Kì 2: Những xóm đạo yên bình

Thứ ba - 14/07/2020 06:27
Cái chung được gặp nhau ở mỗi câu chuyện, công việc từ cơ sở là làm sao giúp con người nhận biết rõ vấn đề để chấp hành, thực hiện một cách tự nguyện theo pháp luật. Làm được điều đó sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và xoá bỏ được điểm “nóng” từ cơ sở...


Đồng Nai có khoảng 2 triệu người thuộc các tín đồ tôn giáo, chiếm gần 70% dân số của tỉnh. Trong đó, người theo Công giáo chiếm số lượng lớn với khoảng 1 triệu tín đồ. Để giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, đảm bảo cho hoạt động tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật, sống tốt đời, đẹp đạo, cùng thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển ngày càng phồn vinh, trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở, xã, phường hết sức nặng nề…

Công tác vận động luôn đi trước một bước

Về xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, những ngày này ai cũng nhận ra những đổi thay, khởi sắc. Nhiều tuyến đường nông thôn đã thay “áo mới” bằng bê tông phẳng lì qua từng con xóm. Phố xá khang trang, cuộc sống người dân thật yên bình.

Thiếu tá Lê Hữu Thanh, Trưởng Công an xã Vĩnh Thanh cho biết, khi mới về nhận nhiệm vụ ở địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Trước kia, đây là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Toàn xã có khoảng 85% dân số theo Công giáo. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng kéo theo nhiều hệ luỵ về dân di cư từ các tỉnh khác đến làm ăn, có cả đối tượng trộm cắp, nghiện ma tuý, bài bạc… Mỗi đối tượng, thành phần khác nhau, Công an xã là người trực tiếp từ cơ sở nên cần phải nắm bắt kỹ lưỡng, chi tiết để có kế hoạch quản lý phù hợp.

Kì 2: Những xóm đạo yên bình
Công an xã Vĩnh Thanh và Linh mục ở Chánh xứ Nghĩa Hiệp trao đổi về công tác đảm bảo an ninh trật tự, cảnh giác tội phạm.

Từng công tác ở Đội An ninh thuộc Công an huyện Nhơn Trạch, Thiếu tá Lê Hữu Thanh khá hiểu về công tác đảm bảo an ninh ở cơ sở, nhất là vùng có nhiều tín đồ theo đạo. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện ở cơ sở luôn là bài học mới xảy ra hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Xã Vĩnh Thanh cũng là đơn vị mới tăng cường duy nhất một cán bộ Công an chính quy về làm Trưởng Công an xã. Vì vậy, khi đặt chân về đây nhận nhiệm vụ mới, Thiếu tá Lê Hữu Thanh phải củng cố lại toàn bộ hệ thống Công an viên bán chuyên trách để điều hành công việc sao cho phù hợp, mà đạt hiệu quả cao theo yêu cầu mới đề ra.

Là người có chuyên môn nghiệp vụ Công an nhưng một mình anh dù giỏi mấy cũng không thể “ôm” hết địa bàn. “Làm Công an cơ sở mà không nắm địa bàn, đối tượng thì xem như thất bại”- Thiếu tá Lê Hữu Thanh nói.

Để giải “bài toán” khó khăn này, chỉ có cách động viên anh em Công an viên phải nhập cuộc với mình. Lương và thu nhập của Công an viên không chuyên trách là rất thấp nhưng bảo anh em làm việc như Công an chính quy rất khó. Nhưng khi Thiếu tá Lê Hữu Thanh về làm tốt công tác tư tưởng cho anh em thì ai cũng hăng hái làm theo, ủng hộ hết mình.

Một vấn đề “nóng” âm ỉ từ lâu là chuyện đền bù đất đai, hoa màu khi làm đường giao thông ở địa phương đã gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể như vụ bồi thường, hỗ trợ đất đai khi làm đường cao tốc Bến Lức- Long An, có đoạn qua xã Vĩnh Thanh (Nhơn Trạch, Đồng Nai) nhưng không giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân ở đây.

Khi về làm Trưởng Công an xã, Thiếu tá Lê Hữu Thanh đã nắm được bản chất của vấn đề nên kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương có phương án phù hợp, thoả đáng, giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp.

Khi các chức sắc tôn giáo hiểu và chia sẻ với chính quyền thì họ có trách nhiệm đồng hành giáo dục, vận động bà con giáo dân chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, vì lợi ích chung của nhân dân, vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Tạo niềm tin và sự đồng thuận vì hạnh phúc nhân dân

Làm Công an ở cơ sở mỗi ngày phải giải quyết nhiều câu chuyện phức tạp từ cơ sở, trực tiếp với người dân ở tận các thôn, xóm, khu nhà trọ. Từ những vụ nhỏ như chuyện trộm con gà, quả ớt, trái chanh, đến các vụ việc nghi ngờ ngoại tình, nhậu nhẹt, đánh nhau… Mỗi câu chuyện tuy nhỏ nhưng sát sườn với cuộc sống hằng ngày của người dân, nếu không phân giải kịp thời dễ gây ra những vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Trung tá Đặng Xuân Kiên, Trưởng Công an phường Tam Phước kể, cuộc sống công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp luôn là chuyện phức tạp thường ngày. Bởi, tại các khu trọ sống chung dãy nhà, có nhiều người, nhiều vùng, miền khác nhau nên sinh hoạt, ăn uống, nhậu nhẹt cũng khác. Có người đi làm mệt tối về muốn ngủ nhưng bị phá rầy bởi chuyện ăn nhậu ca hát thâu đêm. Khi bị phản ứng thì máu côn đồ nổi lên dẫn đến hậu quả khó lường. Có những cuộc vui vì bạn bè nhưng khi bạn gái bị đối phương trêu đùa thì nổi máu ghen lên gây án…

Để giải quyết vấn đề phòng ngừa tội phạm vì nguyên nhân xã hội ngay từ cơ sở, Công an xã, phường ở Đồng Nai đã triển khai công tác tuyên truyền vận động tại khu trọ. Chủ mỗi khu nhà trọ phải có trách nhiệm phối hợp với Công an cơ sở kí kết không để xảy ra mất an ninh trật tự, tham gia xử lý hoà giải ngay từ đầu, không để vụ việc phát sinh. Xây dựng nội quy sinh hoạt tại khu trọ văn minh, không để xảy ra mâu thuẫn trong công nhân, người lao động tại khu trọ, không để các đối tượng ma tuý, trộm cắp ẩn náu…

Thiếu tá Lê Hữu Thanh, Trưởng Công an xã Vĩnh Thanh cho rằng, công tác tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào có đạo là phải biết kết hợp hài hoà quy định pháp luật với đạo và đời. Mọi việc phải xuất phát từ tâm của người cán bộ Công an là vì nhân dân phục vụ. Thiếu tá Lê Hữu Thanh nhớ lại, khi ban đầu chính quyền đi vận động bà con giáo dân ủng hộ làm đường nông thôn đã bị phản ứng.

Để thuyết phục dân tin, trước hết ban vận động phải có kế hoạch chi tiết về chi phí đầu tư, đóng góp, minh bạch từng việc làm cụ thể trước dân. Thứ hai là phải chứng minh rằng việc đầu tư phát triển là phục vụ lợi ích chung của nhân dân địa phương, trong đó có quyền lợi chính bản thân họ đóng góp chứ không phải để làm thành tích báo cáo…

Linh mục Nguyễn Khắc Tuyên, Chánh xứ Nghĩa Hiệp ở xã Vĩnh Thanh (Nhơn Trạch, Đồng Nai) kể về 6 năm gắn bó với bà con giáo dân ở mảnh đất này rất nhiều kỷ niệm. Chính bản thân ông, ban đầu người dân cũng chưa dễ thiện cảm, nhưng càng sống, càng hiểu và càng thấm giá trị của người có trách nhiệm là phải làm cho dân hiểu và tin. Ông nói, nếu địa bàn không được đảm bảo bình yên thì không thể nói chuyện phát triển kinh tế-xã hội và tạo được niềm tin cho nhân dân. Công an xã Vĩnh Thanh là những người trực tiếp gắn bó với dân từ cơ sở, đến nay đã làm tốt được việc giữ bình yên cho mỗi thôn xóm. Khi nhà thờ, cơ sở tôn giáo có xảy ra vụ trộm cắp máy bơm nước, hay mất tiền trong thùng hiệp thông (tiền quyên góp giáo dân) thì được điều tra xử lý kịp thời. Những thanh, thiếu niên con em giáo dân vi phạm pháp luật, ngoài việc giáo dục nhắc nhở ở nhà thờ còn được báo cho Công an xử lý để làm gương cho kẻ khác không vi phạm…

Cái chung được gặp nhau ở mỗi câu chuyện, công việc từ cơ sở là làm sao giúp con người nhận biết rõ vấn đề để chấp hành, thực hiện một cách tự nguyện theo pháp luật. Làm được điều đó sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và xoá bỏ được điểm “nóng” từ cơ sở.

Tác giả: Ngọc Như

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây